Hà Giang, “mầm xanh” trên đá
Đến nay, Pả Vi là xã duy nhất của huyện vùng cao núi đá Mèo Vạc (Hà Giang) về đích nông thôn mới (NTM). Với những kết quả đạt được, xã đang tiếp tục triển khai, thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì và nâng cao các tiêu chí, trong đó, tiêu chí số 10 về thu nhập được đặc biệt quan tâm.
Vượt khó
Ông Lê Văn Quý, Bí thư Đảng ủy xã Pả Vi cho biết, thực hiện chương trình xây dựng NTM, cấp uỷ, chính quyền xã đã lãnh đạo, tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Nhân dân trên địa bàn xã đoàn kết, thống nhất thực hiện thắng lợi các tiêu chí xây dựng NTM, đạt nhiều kết quả nổi bật.
Tổng số vốn huy động qua các năm để xây dựng NTM đạt trên 86 tỷ đồng; 100% đường trục thôn, liên thôn được cứng hoá; toàn xã không còn nhà tạm, dột nát; thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 36,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,24%; tỷ lệ lao động có việc làm đạt trên 94%; hệ thống chính trị hoạt động có hiệu quả, hàng năm đều được xếp loại khá, tốt trở lên; 6/6 thôn đạt tiêu chuẩn "An toàn về an ninh trật tự".
Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những năm qua xã Pả Vi đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch. Trong đó, xây dựng và đưa vào hoạt động của Làng văn hóa dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ chính là bằng chứng rõ nét nhất thể hiện quyết tâm của xã trong thúc đẩy ngành công nghiệp "không khói".
Hiện nay, trên địa bàn xã có 28 nhà nghỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của nhân dân địa phương và du khách.
"Bộ mặt nông thôn của xã Pả Vi đã có nhiều khởi sắc, môi trường nông thôn được cải thiện, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng cơ bản được cứng hóa, đời sống nhân dân có nhiều đổi thay tích cực. Đối với các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, xã tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật với những giống cây, con có năng suất cao vào sản xuất; khuyến khích bà con đầu tư, phát triển trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm... hỗ trợ hộ nghèo vay vốn để có phương tiện và tư liệu sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo" - ông Quý chia sẻ.
Theo ông Quý, mặc dù đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, tuy nhiên với đặc điểm là xã vùng cao núi đá, nằm trong vùng lõi của công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nên khí hậu khắc nghiệt, nhất là mùa đông thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác nhỏ lẻ, chủ yếu trồng ngô 1 vụ…
Mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã rất nỗ lực nhưng đời sống vật chất, tinh thần của người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Nâng cao thu nhập cho người dân
Ông Quý chia sẻ: "Được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2020, đây là niềm tự hào nhưng cũng là thách thức lớn đối với xã Pả Vi, nhất là trong việc tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt. Riêng đối với tiêu chí thu nhập, được xem là một trong các tiêu chí khó thực hiện, dễ bị biến động, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid – 19, cũng như các vấn đề về hạn hán, thiên tai, dịch bệnh khó lường có thể xảy ra..."
Trước thực tế này, nhằm duy trì và nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM, Pả Vi đang tập trung vào một số giải pháp như: đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, có giá trị cao của địa phương như chăn nuôi bò, lợn đen, ong; đồng thời chú trọng công tác xuất khẩu lao động, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, xã chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện tại, xã đang duy trì và nhân rộng một số mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình nuôi bò vỗ béo thôn Pả Vi Hạ, Mã Pì Lèng, Há Súng; mô hình nuôi lợn thịt ở thôn Sà Lủng, Kho Tấu…
Trưởng thôn Pả Vi Thượng, ông Sùng Mí Chá, cho biết, những năm qua, sản xuất nông nghiệp của thôn chủ yếu là cây ngô nhưng còn nặng tính quảng canh thuần túy. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của thôn trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, chính quyền thôn đã tăng cường vận động người dân phát triển đàn gia súc hàng hóa gắn với trồng các giống cỏ có năng suất cao. Đến nay, toàn thôn có gần 800 con gia súc và hơn 135 ha cỏ. Thời gian tới, thôn tiếp tục vận động người dân phát triển đàn gia súc, chuyển diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cỏ; đồng thời đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo cho đàn gia súc, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi.
Cùng với phát triển chăn nuôi, xã Pả Vi cũng đẩy mạnh phát triển du lịch nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ hội tụ nhiều phong cảnh đẹp, kỳ vĩ cùng nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông đã trở thành điểm mạnh để xã phát triển du lịch. Trong đó, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ là điểm nhấn du lịch đặc sắc của xã, hiện tại có 26 hộ đang kinh doanh dịch vụ homestay.
Năm 2020, làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông đã đón hơn 37 nghìn lượt khách, doanh thu từ dịch vụ ăn uống và lưu trú đạt hơn 7,4 tỷ đồng. Hiện nay, UBND xã Pả Vi tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý Làng Văn hóa tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, như: tăng cường quản lý, duy tu bảo dưỡng, đầu tư mới các công trình hạ tầng; quản lý, điều hành và phát triển các dịch vụ du lịch gắn với khai thác và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm…
Theo ông Quý, xã Pả Vi phấn đầu đến 2025 nâng mức thu nhập lên 40 triệu đồng/người/năm. Để đạt chỉ tiêu này, xã đã xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao tiêu chí thu nhập. Trước mắt, tiếp tục đẩy mạnh phát triển Đề án nửa triệu con đại gia súc hàng hóa, thực hiện hiệu quả chương trình cải tạo vườn tạp; khuyến khích, vận động nhân dân đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh; phát triển du lịch theo hướng bền vững…