|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nam: Phát triển chăn nuôi bò sữa ở Duy Tiên

Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, những năm qua, mô hình chăn nuôi bò sữa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ chăn nuôi ở thị xã Duy Tiên. Không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từ nuôi bò sữa nhiều hộ đã vượt khó vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

 

Chăn nuôi bò sữa ở xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam (Ảnh: Trần Ngân)

 Mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình ông Nguyễn Văn Khu, Giám đốc HTX Chăn nuôi bò sữa Chuyên Ngoại hiện có tổng đàn lên tới 150 con, trong đó có 110 con đang cho khai thác sữa. Theo chia sẻ của ông Khu, năm 2002, gia đình ông là một trong những gia đình đầu tiên của tỉnh đầu tư chăn nuôi bò sữa. Thời điểm đó, gia đình ông quyết định đầu tư mua hai con bò sữa với giá 22 triệu đồng/con (tỉnh có cơ chế hỗ trợ 10 triệu đồng/con). Năm 2003, bò bắt đầu cho sữa với giá bán dao động từ 3.500 – 3.700 đồng/1kg. Với giá bán như vậy, ngay từ những năm đầu mô hình nuôi bò sữa đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Giai đoạn khó khăn nhất mà người chăn nuôi bò sữa gặp phải đó là năm 2005, 2006 giá sữa đạt từ 4.000 – 4.500 đồng/kg, nhưng giá vật tư đầu vào tăng cao. Sau khi trừ các khoản chi phí, người nuôi chỉ hòa, thậm chí có thời điểm còn chịu thua lỗ. Tuy nhiên, từ năm 2007 – 2010 giá sữa tăng lên 9.000 – 9.500 đồng/kg và nuôi bò sữa lại cho lãi cao, vì vậy có nhiều hộ dân trong xã muốn đầu tư chăn nuôi bò sữa.

Để hỗ trợ, giúp nhau phát triển chăn nuôi, năm 2015, Tổ hợp tác Chăn nuôi bò sữa xã Chuyên Ngoại được thành lập với 8 hộ tham gia, tổng đàn từ 300 – 350 con. Đến năm 2020, từ mô hình tổ hợp tác, HTX chăn nuôi bò sữa Chuyên Ngoại được thành lập với 15 hộ tham gia với tổng đàn bò sữa của HTX vào khoảng 600 con, đến nay tăng lên khoảng 870 con.

Ông Nguyễn Văn Khu cho biết: Gia đình tôi hiện có 110 con bò sữa đang cho khai thác sữa, trừ các khoản chi phí, thu lãi khoảng hơn 300 triệu đồng/tháng. Chăn nuôi bò sữa đầu tư rất lớn, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, mà còn giúp nông dân làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, trong quá trình chăn nuôi, đòi hỏi người nuôi phải kiên trì, năng động, không ngừng học hỏi, mạnh dạn đầu tư, thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật… Đặc biệt, phải giữ chữ tín, có như vậy chăn nuôi mới phát triển hiệu quả và bền vững.

Theo tổng hợp của Phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên, tính đến ngày 15/02/2023, tổng đàn bò sữa trên địa bàn thị xã đạt 3.517 con (trong đó: Mộc Bắc 2.115 con, Trác Văn 480 con, Chuyên Ngoại 850 con, Yên Nam 72 con), sản lượng sữa đạt khoảng 28 tấn/ngày. Hiện tại, trên địa bàn thị xã có 4 trạm thu mua sữa (trong đó: Mộc Bắc 2 trạm, Chuyên Ngoại 1 trạm và 1 trạm thu mua sữa của khu chăn nuôi bò sữa Friesland Campina). Công suất thu mua của các trạm bảo đảm đáp ứng thu mua sữa cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn thị xã. Để phát triển chăn nuôi bò sữa hiệu quả, thị xã Duy Tiên đã quy hoạch 05 khu chăn nuôi bò sữa tập trung (gồm: Mộc Bắc 3 khu, Chuyên Ngoại 1 khu, Trác Văn 1 khu) với diện tích 70,9 ha; đã phê duyệt quy hoạch 11 vùng chuyển đổi trồng lúa sang trồng ngô, cỏ với diện tích 76,43 ha. Hiện nay đã thực hiện chuyển đổi được 30 ha sang trồng ngô, cỏ; hằng năm các hộ chăn nuôi thực hiện trồng ngô trên đất bãi màu, trên đất lúa vụ đông với diện tích khoảng 90-100 ha để làm nguồn thức ăn cho chăn nuôi.

Có thể nói, những năm qua, chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thị xã Duy Tiên phát triển ổn định, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn; giá sữa ở mức cao giúp người chăn nuôi có việc làm với nguồn thu nhập cao hơn hẳn so với các con vật nuôi khác hiện có trên địa bàn. Hạch toán hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi bò sữa cho thấy, bình quân 1 con bò cho sữa cho lợi nhuận khoảng 10 – 15 triệu đồng/năm. Cùng với nguồn thu nhập chính từ sữa, mỗi con bò thu được 1 con bê giá trị hơn 5 triệu đồng… Đặc biệt, trong quá trình chăn nuôi, các hộ chăn nuôi bò sữa được tập huấn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ thực tế, chủ động áp dụng kỹ thuật và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho bò sữa một cách hiệu quả nhất…

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện chăn nuôi bò sữa ở Duy Tiên còn gặp khó khăn, hạn chế, đó là: Tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến bất thường, một số hộ chăn nuôi còn có tư tưởng chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh; đội ngũ nhân viên thú y tại các xã, phường có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế. Nguồn kinh phí đầu tư cho chăn nuôi bò sữa rất lớn, giá cả vật tư đầu vào (thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…) tăng cao ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư của hộ dân, nhiều hộ không đủ điều kiện để đầu tư. Các hộ chăn nuôi gặp khó khăn trong xử lý môi trường chăn nuôi, một số cơ sở chăn nuôi còn xả thải ra môi trường làm ảnh hưởng đến môi trường tại các khu chăn nuôi tập trung và một số khu dân cư lân cận.

Đánh giá về hiệu quả phát triển chăn nuôi bò sữa, ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duy Tiên cho biết: Những năm qua, chăn nuôi bò sữa được đánh giá là mô hình đem lại hiệu quả cao nhất so với các sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn thị xã. Để phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững, thời gian tới, thị xã chỉ đạo các địa phương, các hộ chăn nuôi bò sữa tập trung khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển theo hướng tăng quy mô đàn của các hộ hiện đang chăn nuôi bò sữa. Tăng cường đầu tư nâng cao thể trạng, tầm vóc đàn bò, nâng cao năng suất, chất lượng sữa tươi. Tiếp tục hoàn thiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại chăn nuôi bò sữa trong khu chăn nuôi bò sữa tập trung đã được phê duyệt. Tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đẩy mạnh áp dụng đồng bộ cơ giới hóa sản xuất để nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm. Năm 2023, thị xã Duy Tiên phấn đấu duy trì tổng đàn bò sữa 3.500 con.

 Phạm Hiền

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin