Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi
Những năm qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phòng, chống dịch bệnh, đem lại thu nhập cho người chăn nuôi...
Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu về chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, tạo tiền đề quan trọng để tổ chức liên kết chăn nuôi theo chuỗi và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Hà Nội đã hình thành 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm và 29 xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm.
Hà Nội hiện có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản, 1 mô hình kết hợp chăn nuôi - trồng trọt… Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung nhiều tại các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng... Hà Nội có 9 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - tiêu thụ nông sản tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các khâu sản xuất bước đầu đem lại kết quả tốt, làm tăng đáng kể khối lượng sản phẩm, giảm chi phí, qua đó hạ giá thành sản phẩm, đem lại lãi và thu nhập cao hơn cho người chăn nuôi. Công nghệ được áp dụng là công nghệ thông minh trong quản lý chăn nuôi, công nghệ chuồng kín có hệ thống điều khiển tiểu khí hậu hay dây chuyền cho ăn, hệ thống uống nước tự động; các công nghệ xử lý môi trường tiên tiến như CDM, Biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học, công nghệ chăn nuôi tuần hoàn…
Các hợp tác xã đã phát huy được vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Hiện số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là 122 hợp tác xã, trong đó có 3 hợp tác xã chăn nuôi. Ngoài ra, 100% các sản phẩm chăn nuôi từ các trang trại lớn, quy mô công nghiệp đều có hàm lượng công nghệ cao do các trang trại chăn nuôi lợn, gà, trâu bò đều có ứng dụng ít nhất một biện pháp kỹ thuật công nghệ cao hoặc sản phẩm của công nghệ cao trong quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm; nhiều chuỗi sản xuất - sơ chế - tiêu thụ áp dụng công nghệ cao trong quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao giờ đây chiếm trên 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.
Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Ngọc Giang thông tin, việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi là xu thế tất yếu và phổ biến trên thế giới. Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi sẽ góp phần tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương để nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hà Nội rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch, hoàn thiện quy hoạch phát triển khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ sản xuất máy móc, hóa chất, chế phẩm, thức ăn, thiết bị chuồng nuôi cho chăn nuôi; hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và chế biến sản phẩm; đem lại thu nhập cho người chăn nuôi.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thành phố chủ trương khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, xây dựng các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Mặt khác, muốn đẩy mạnh chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, các địa phương cần quy hoạch khu/vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tích hợp vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của Hà Nội, đồng thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện: Trung Xuân