Hải Dương lần đầu tiên tổ chức lễ hội lúa rươi hữu cơ
Ngày 13/6, tại xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dưỡng đã diễn ra Lễ hội lúa rươi hữu cơ vụ Xuân năm 2022. Đây là lần đầu tiên lễ hội được tổ chức tại Hải Dương và là lễ hội thứ ba về nông nghiệp của tỉnh từ đầu năm 2022 đến nay.
Lễ hội là dịp quảng bá tiềm năng và những sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của Tứ Kỳ. Đồng thời, tôn vinh những công sức và thành quả lao động của người nông dân, đẩy mạnh liên kết chuỗi trong sản xuất nghiệp, giới thiệu những chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ và phát triển du lịch sinh thái của địa phương.
Tại chương trình đã diễn ra lễ ký kết liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm giữa các doanh nghiệp với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh; Ký kết đưa nông sản hữu cơ lên sàn thương mại điện tử voso.vn và postmart.vn; Lễ cắt băng xuất bán chuyến hàng lúa, chuối hữu cơ đầu tiên; Thi gặt lúa hữu cơ vụ xuân 2022, thi đùa nơm bắt cá.
Đánh giá cao ý tưởng tổ chức lễ hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng tư duy làm nông nghiêp vị nhân sinh, làm nông nghiệp vì sức khoẻ con người của Tứ Kỳ và của Hải Dương rất ý nghĩa và rất cần lan toả. Cách làm của Hải Dương đang truyền cảm hứng cho những địa phương khác về sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, có 4 nấc thang tạo giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, trong đó, trải nghiệm là nấc thang cao nhất và khi nền kinh tế hàng hoá chuyển sang nền kinh tế trải nghiệm, giá trị sản phẩm sẽ tăng lên rất nhiều lần. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Hải Dương cần tìm cách để gia tăng hơn nữa giá trị cho sản phẩm hạt lúa, con rươi nói riêng và tối ưu hoá sản phẩm cho người tiêu dùng, tích hợp đa tầng, đa giá trị vào sản phẩm nông nghiệp nói chung.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng tiếp thu những định hướng, tư duy mới về phát triển nông nghiệp của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và khẳng định Hải Dương đang từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng ruộng đất có thể mạnh mún nhưng tư duy làm nông nghiệp của Hải Dương không thể manh mún.
Hiện nay, Hải Dương đang đi theo hướng phát triển nền nông nghiệp đa tầng, đa giá trị dựa trên những lợi thế khác biệt và đặc biệt rất chú trọng 4 tầng giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Hải Dương cũng xác định phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái để khai thác tối đa những lợi thế riêng có mà thiên nhiên ban tặng. Việc tổ chức lễ hội lúa, rươi hữu cơ nhằm tạo nên tầng giá trị thứ 4 cho sản phẩm nông nghiệp: gắn những giá trị văn hóa, lịch sử với sản phẩm nông nghiệp thông qua trải nghiệm để từ đó tạo ra giá trị mới cho nông sản.
Huyện Tứ Kỳ hiện có 257 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác, bảo tồn thủy đặc sản rươi, cáy tự nhiên.
Tại các vùng sản xuất hữu cơ này đã hình thành công thức luân canh hiệu quả, bền vững với 5 tầng khai thác. Dưới đất là rươi, bờ ruộng là cáy, tiếp đến là lúa xuân trên ruộng, trên bờ rau ăn lá, rau gia vị và trên cùng là cây ăn quả, tạo ra một hệ sinh thái trong lành và bền vững. Tổng sản lượng nông sản hữu cơ hàng năm của Tứ Kỳ đạt khoảng 2.300 tấn/năm (lúa 1.230 tấn, rươi 200 tấn, cáy 90 tấn, chuối 780 tấn), cho thu nhập trung bình từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm.
Vừa qua, tháng 5/ 2022, vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác rươi, cáy quy mô 137 ha thuộc xã An Thanh đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam với các sản phẩm được chứng nhận gồm: lúa 104,5 ha, chuối 25 ha, mít 05 ha, rau ăn lá 1,5 ha, rau gia vị 1 ha. Giá trị sản xuất ước đạt 500- 700 triệu đồng/ha. Đây là vùng sản xuất hữu cơ được công nhận đầu tiên của huyện và của tỉnh Hải Dương.
Năm 2019, Tứ Kỳ có 3 sản phẩm gồm gạo bãi rươi, cáy cấp đông và rươi cấp đông được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, được Hội đồng thẩm định tỉnh Hải Dương công nhận đạt sản phẩm OCOP, đánh giá xếp hạng 4 sao. Năm 2021, thêm 2 sản phẩm là Chả rươi và Rươi niêu được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Theo Bí thư huyện ủy Tứ Kỳ Nguyễn Ngọc Sẫm, huyện đang chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng phát huy mạnh mẽ tiềm năng lợi thế riêng có, đưa Tứ Kỳ trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trọng điểm của tỉnh. Cụ thể, huyện tổ chức sản xuất và chứng nhận hữu cơ cho diện tích vùng sản xuất và khai thác rươi cáy ngoài bãi hiện có còn lại; tiếp tục cải tạo vùng sản xuất hữu cơ. Huyện đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ du lịch sinh thái…
Mạnh Minh