|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hạn chế tổn thất heo con trong kiểu chuồng mở

Sự ưu tiên tiêu dùng các sản phẩm chăn nuôi từ những trang trại có chứng nhận phúc lợi động vật đã tạo ra sức ép làm cho các nhà chăn nuôi heo chuyển sang lựa chọn kiểu chuồng mở. Tuy nhiên, thách thức từ việc việc thay thế chồng lồng cá thể bằng chuồng mở là tỷ lệ chết của heo con tăng cao trong giai đoạn theo mẹ.

Chuồng lồng cá thể được thiết kế cho heo nái đẻ nhằm hai mục đích chính: (1) Giảm tỷ lệ tử vong của heo con nhờ việc hạn chế di chuyển của heo nái; và (2) Đảm bảo an toàn cho người chăm sóc. Kiểu chuồng này tạo nhiều thuận lợi trong công tác quản lý nhưng lại gây nhiều bất lợi cho heo nái. Việc heo bị hạn chế tự do vận động tối đa sẽ làm ảnh hưởng đến hệ tim mạch, giảm tuần hoàn máu, giảm độ chắc của cơ và xương, giảm khả năng đề kháng, tăng tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm và thường rơi vào trạng thái stress.

Một số nghiên cứu cho rằng việc nuôi heo nái trong chuồng cá thể, bị giới hạn khẩu phần ăn/loại thức ăn là không đảm bảo phúc lợi động vật. Các cải tiến phương thức ăn chăn nuôi heo hướng đáp ứng phúc lợi động vật thỏa mãn được các yêu cầu về luật cũng như nhận được sự hưởng ứng của người tiêu dùng nhưng liệu có thể cải thiện được các rắc rối/ tồn tại trong quá trình chăn sóc nuôi dưỡng nái đẻ? Một trong những vấn đề phải kể đến là việc tăng đáng kể tỷ lệ chết ở heo con theo mẹ (Pedersen và cs., 2013).

 

HIỆN TƯỢNG HẠ THÂN NHIỆT, BỊ BỎ ĐÓI VÀ BỊ ĐÈ CHẾT Ở HEO CON

 

 Hiện tượng bị mẹ đè chết thường là nguyên nhân cuối cùng nhưng không phải là nguyên nhân chính gây tổn thất ở heo con. Camerlink và cs. (2021) nhấn mạnh rằng heo con thường gặp ba vấn đề: hạ thân nhiệt, bị bỏ đói và bị heo mẹ đè chết. Đặc biệt, những con heo sơ sinh nhẹ cân thường bị lạnh do thân nhiệt của chúng hạ thấp rất nhanh sau khi sinh (hiện tượng hạ thân nhiệt). Vì yếu ớt nên chúng khó tranh giành và không bú đủ sữa, dẫn đến không đủ năng lượng để di chuyển tránh không bị heo mẹ đè. Vì vậy, vấn đề quan trọng đầu tiên là phải cải thiện sức sống của heo con và cung cấp môi trường nuôi thích hợp (ấm áp). Đó là yêu cầu bắt buộc, mang tính tiên quyết đối với các trang trại chăn nuôi bằng phương thức chuồng đẻ mở (chuồng đẻ tự do). Theo Camerlink (2021), việc thực hiện thành công quy trình nuôi heo nái và heo con theo hệ thống chuồng mở đòi hỏi người chăn nuôi phải chú ý đến nhiều yếu tố phức tạp hơn việc chỉ dỡ bỏ chuồng, thay thế bằng hệ thống chuồng mới hoặc cải tạo lại hệ thống cũ.

 

TƯƠNG TÁC GIỮA HEO VÀ NGƯỜI CHĂN NUÔI

 

 Những heo nái bị stress dễ giật mình và di chuyển nhiều hơn, làm tăng nguy cơ heo con bị đè chết. Một số nái còn có hành vi tấn công người. Trong trường hợp này, để đảm bảo an toàn, người nuôi cần có những tương tác tích cực và xử lý một cách bình tĩnh. Tình trạng căng thẳng của heo nái sẽ giảm đi đáng kể nếu người nuôi di chuyển điềm tĩnh, điều chỉnh giọng nói nhẹ nhàng hơn khi cho heo ăn vì heo không nhìn rõ.

 

Tuy nhiên, có thể do tính trạng di truyền và tiền sử đã bị stress trước đây nên một số con nái vẫn có hành vi hung dữ với con người. Do đó, khi chọn heo nái nuôi bằng phương thức chuồng đẻ tự do, nên chú ý cả hai yếu tố: năng suất sinh sản và hành vi.

 

Nên quan sát thường xuyên và hỗ trợ kịp thời khi nái cần. Nhiều heo nái có khả năng chăm sóc con bẩm sinh nên chúng luôn cẩn thận trước khi nằm, nhưng do kích thước và khối lượng cơ thể lớn và chân thường bị yếu nên heo nái thường di chuyển khó khăn. Trong trường hợp này, chúng cần được hỗ trợ để nằm xuống một cách từ từ. Ví dụ, nên xây một bức tường có độ dốc phù hợp trong chuồng để giúp heo nái tựa vào khi nằm, đồng thời tạo ra một khu vực an toàn cho heo con (Hình 2). Khi heo nái nằm thoải mái, nó sẽ cho con bú dễ dàng hơn.

 

CÁC YẾU TỐ KHÁC

 

Trong quá trình nuôi heo nái trong chuồng đẻ tự do, người nuôi nên chú trọng tất cả các yếu tố như thiết kế (kích thước và cách bố trí) chuồng đẻ, cách chăm sóc, tạo sự bình tĩnh cho heo nái, và tăng cường sức sống của heo con sơ sinh. Nghiên cứu cho thấy năng suất tăng trưởng của heo con trong hệ thống chuồng đẻ tự do cao hơn và tỷ lệ hao hụt tương tự như trong hệ thống chuồng lồng. Để có được kết quả tốt nhất, toàn bộ hệ thống cần được xem xét; bao gồm yếu tố di truyền, dinh dưỡng và quản lý.

 

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Camerlink I. (2021). Preventing piglet mortality in free farrowing pens. https://www.pigprogress.net/Piglets/ Articles/2021/5/Preventing-piglet-mortality[1]in-free-farrowing-pens-747805E/?utm_ source=tripolis&utm_medium=email&utm_ term=&utm_content=&utm_ campaign=pig_progress. Pedersen, L.J., Malmkvist, J., & Andersen, H.M.L. (2013).

Housing of sows during farrowing: a review on pen design, welfare and productivity. Aland, A., & Banhazi, T. (ed). Livestock housing: modern management to ensure optimal health and welfare of farm animals. Wageningen Academic Publishers.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin