Hiệu quả từ Dự án rau an toàn Bình Định
Sau gần 6 năm thực hiện, Dự án rau an toàn Bình Định đã giúp cho nông dân các giải pháp sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, quảng bá thương hiệu sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin; từ đó sản lượng rau an toàn cung ứng ra thị trường tăng qua hàng năm, thu nhập từ việc sản xuất rau an toàn được cải thiện.
Dự án Rau an toàn Bình Định được triển khai từ tháng 6/2016 trong khuôn khổ Chương trình Viện trợ 5 năm của Chính phủ New Zealand, ủy quyền cho Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ký kết văn kiện. Dự án do Viện nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm New Zealand phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định thực hiện.
Để thực hiện dự án, các địa phương trong tỉnh Bình Định đã xây dựng 50 nhóm cùng sở thích trồng rau an toàn với 1.260 hộ dân tham gia trồng trên diện tích 100 ha với các loại rau như cải xanh, cải ngọt, hành lá, mồng tơi, hành lá, rau muống, rau dền, rau đắng, rau má… và các giống rau súp lơ vàng chịu nhiệt, cải ngọt Thái, xà lách cuộn giòn…
Các nhóm cùng sở thích trồng rau an toàn được cán bộ điều phối dự án và các chuyên gia hướng dẫn thực hiện biện pháp sử dụng phân hữu cơ, quản lý dịch bệnh, thực hành an toàn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Qua kết quả lấy mẫu phân tích năm 2020 cho thấy, 74 mẫu tại các vùng sản xuất rau an toàn đều đạt chỉ tiêu theo quy định tiêu chuẩn VietGAP.
Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Dự án rau an toàn Bình Định, các nhóm cùng sở thích trồng rau an toàn đã được hỗ trợ cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng để sản xuất rau đạt các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm.
Các hạng mục chính đã hỗ trợ cho các nhóm trồng rau an toàn tại huyện Tây Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn là xây dựng và nâng cấp 4 nhà sơ chế; xe tải vận chuyển rau và máy cày; đầu tư hệ thống điện, giếng khoan, máy bơm nước, hỗ trợ trang thiết bị bảo hộ lao động khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; chi phí khai hoang, làm đất, giống, phân bón, hệ thống tưới.
Theo ông Phạm Tấn Phát, Điều phối viên Dự án rau an toàn Bình Định, sau khi triển khai dự án này, nhận thức của nông dân trong các nhóm cùng sở thích trồng rau an toàn được nâng cao, thực hiện trồng rau và sơ chế rau sau thu hoạch theo đúng tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng cung ứng ra thị trường được cải thiện, người tiêu dùng đón nhận.
Cùng với đó, Dự án rau an toàn Bình Định đã tích cực hỗ trợ nông dân trong công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Đến nay, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, ký kết thỏa thuận hợp tác, thị trường tiêu thụ rau an toàn được mở rộng hơn. Sản phẩm rau an toàn Bình Định có mặt ở các siêu thị CoopMart, CoopFood, Big C, VinMart, Mega Market, các khu du lịch nghỉ dưỡng và 10 quầy rau ở các chợ truyền thống trong tỉnh.
Hàng năm, sản lượng rau an toàn cung ứng ra thị trường của các nhóm cùng sở thích trồng rau an toàn tăng từ 10-15%. Năm 2021, sản lượng rau an toàn cung ứng ra thị trường đạt 300 tấn.
Trong tháng 4/2022, Dự án rau an toàn Bình Định đã trang bị 40 chiếc điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm Freshlearn cho 40 nhóm cùng sở thích trồng rau an toàn. Đây là phần mềm được xây dựng và hoàn thiện bởi các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm của New Zealand nhằm giúp cho nông dân nhận diện sâu bệnh và thực hiện các giải pháp phòng trừ hiệu quả. Cùng với đó, các chuyên gia của ngành nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho nông dân cách cài đặt và áp dụng phần mềm trong sản xuất hàng ngày.
Theo ông Nguyễn Xuân Quang, trưởng nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh), việc được trang bị điện thoại sử dụng phần mềm Freshlearn sẽ giúp cho nông dân theo dõi và cập nhật các thông tin liên quan đến sâu bệnh hại, kịp thời nhận biết, xử lý khi có những dấu hiệu ban đầu về sâu bệnh. Trường hợp những sâu bệnh khó xử lý, nông dân có thể trao đổi với cán bộ kỹ thuật nông nghiệp để xử lý hiệu quả.
Trước đó vào tháng 7/2019, Dự án rau an toàn Bình Định đã hỗ trợ các nhóm cùng sở thích trồng rau an toàn xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu rau an toàn Bình Định với tên gọi Lá Lành. Từ đó, ngày càng có nhiều khách hàng tiếp cận thông tin, hình ảnh về sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, Website Lá Lành đạt gần 4.000 lượt truy cập; Facebook Lá Lành đạt gần 5.000 lượt theo dõi.
Các giải pháp hỗ trợ về công nghệ thông tin từ Dự án rau an toàn Bình Định đã giúp cho nông dân sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập từ việc trồng rau an toàn 10-15% so với trồng rau theo phương pháp truyền thống. Người tiêu dùng tiếp cận được với thị trường rau an toàn, sử dụng thực phẩm đảm bảo sức khỏe.
Dự án rau an toàn Bình Định kết thúc vào cuối tháng 5/2022. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Bình Định tiếp tục hỗ trợ nông dân sản xuất, duy trì và mở rộng vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Các giải pháp được ngành nông nghiệp tập trung vào quản lý chất lượng nghiêm ngặt đi đôi với việc đa dạng hóa chủng loại rau; thực hiện luân canh, rải vụ đảm bảo cung cấp thường xuyên cho người tiêu dùng.
Mặt khác, mở rộng mạng lưới cung ứng rộng khắp; nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí đầu vào và hạ giá thành sản phẩm, phù hợp với sức mua của người tiêu dùng, đảm bảo sản xuất kinh doanh có lãi; tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm nhằm giữ vững uy tín; cải tiến bao bì, mẫu mã, phương thức cung ứng phù hợp với thị hiếu và yêu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.
Tường Quân