Hiệu quả từ mô hình tưới phun tự động cho cây ăn quả
Tỉnh Hưng Yên hiện có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như nhà kính có hệ thống điều chỉnh tự động, thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi, giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Trong số đó, mô hình tưới phun tự động cho cây ăn quả là ví dụ điển hình cho sự hiệu quả đó.
Vận hành tưới tiêu bằng cơ giới cho cây mít tại nhà vườn . Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN
Bà Trần Thị Huệ, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên cho biết, cùng với kỹ thuật trồng, chăm sóc, công đoạn tưới nước là một trong những công đoạn quan trọng để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Tưới đúng, tưới đủ nước theo yêu cầu kỹ thuật đối với từng loại cây trồng sẽ hạn chế sâu bệnh hại, giảm lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra các sản phẩm an toàn, năng suất và hiệu quả cao. Vì thế, việc tính toán để lựa chọn thiết bị hệ thống tưới đáp ứng nhu cầu về nước đối với từng loại cây trồng, phù hợp điều kiện kinh tế, kỹ thuật và cho hiệu quả cao là nhu cầu cần thiết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Nhằm từng bước nâng cao hiệu quả tưới nước cho cây trồng, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình tưới phun tự động cho cây ăn quả với diện tích 12 ha tại các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ và Kim Động.
Theo bà Trần Thị Huệ, để mô hình đạt kết quả cao, Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật tiến hành khảo sát chọn điểm, chọn hộ tham gia mô hình dựa vào tiêu chí của mô hình 1 hộ/điểm, 1-5 ha/điểm, tiện đường giao thông, có đủ điều kiện về kinh tế, có kiến thức về kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất… Đồng thời, Trung tâm thực hiện tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ điểm triển khai xây dựng hệ thống tưới theo các hạng mục và thiết kế, gồm máy bơm tạo nguồn, máy bơm áp lực, dây điện, đường ống dẫn nguồn nước, bể nước, hầm máy bơm, bê tông để cọc vòi phun, vòi phun, đường ống nhánh.
Trước đây, để tưới 2ha cây ăn quả, gia đình ông Đặng Thành Nhơn, xã Nguyên Hòa phải thuê rất nhiều nhân công, tuy nhiên, giờ đây chỉ cần một thao tác bật công tắc thì toàn bộ diện tích cây ăn quả gia đình đã được tưới nước. Ông Nhơn cho biết, với phương pháp này chỉ cần bật nguồn điện là hệ thống tự chạy, giúp tiết kiệm nước, tiết kiệm công sức, thời gian. Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật sử dụng, vận hành hệ thống tưới và kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây cam. Nhờ áp dụng phương pháp này, năng suất cam của gia đình tôi năm nay cao hơn mọi năm khoảng 10%, mã quả đẹp, to và đồng đều hơn.
Theo ông Nhơn, gia đình ông lắp 120 béc tưới tự động với tổng chi phí 400 triệu đồng; trong đó Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt. Nếu như trước đây, 1ha cam gia đình ông thu khoảng 10 tấn nhưng năm nay thu trên 11 tấn khi áp dụng mô hình tưới phun tự động cho cây ăn quả. Đặc biệt, mô hình này giúp gia đình ông tiết kiệm chi phí thuê nhân công.
Bà Trần Thị Huệ khẳng định, mô hình tưới phun tự động cho cây ăn quả được áp dụng đã khẳng định được những ưu điểm là cây trồng được cung cấp nước đầy đủ và kịp thời vào các giai đoạn quan trọng nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh hại; năng suất, chất lượng, mẫu mã quả đẹp hơn so với ngoài mô hình, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Dự kiến năng suất cây ăn quả tăng từ 10-15% so với trước khi sử dụng phương pháp tưới phun tự động.
Cùng với đó, mô hình là tiền đề để các đơn vị chuyên môn trong tỉnh xây dựng quy trình kỹ thuật trồng cây ăn quả và các cây trồng khác theo hướng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh. Mô hình còn là điểm để cán bộ nông nghiệp, nông dân tham quan, học hỏi nhằm nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hệ thống tưới phun tự động đáp ứng đủ và kịp thời độ ẩm cho cây trồng phát triển tốt; hệ thống giúp tiết kiệm nước, tạo điều kiện cho cây trồng hấp thụ dinh dưỡng, không gây rửa trôi, thoái hóa đất, không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm sức lao động và chi phí nhân công, có thể kết hợp với bón phân cho cây trồng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng cho biết, tỉnh Hưng Yên hiện có 15.000 ha chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, gồm các loại cây ăn quả chủ lực như nhãn, vải, cây có múi, chuối. Trong đó, nhiều mô hình trồng cây ăn quả đã khẳng định được hướng phát triển bền vững, cho hiệu quả cao, tuy nhiên, khâu tưới nước cho cây ăn quả vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công, tốn nhiều công chăm sóc, hiệu quả chưa cao.
Để khuyến khích các nông hộ mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tự động, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để giảm chi phí đầu tư sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị cung ứng vật tư, thiết bị tưới nước tiết kiệm tăng cường các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, từ đó giúp người dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu canh tác trên cùng diện tích...
Đỗ Mai