Hiệu quả từ những mô hình khuyến nông ở Hà Giang
Chuyện bò gầy, trâu yếu, trâu bò chết đói, chết rét ở đồng bào vùng cao Hà Giang đã dần biến mất. Những mô hình trồng thâm canh cỏ, nuôi bò vỗ béo, nuôi ong bạc hà,… đã được đội ngũ khuyến nông các cấp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và ngành nông nghiệp địa phương.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh đánh giá cao hệ thống khuyến nông và những người làm khuyến nông tại tỉnh Hà Giang đã truyền tải chủ trương, chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của Đảng và Nhà nước đến người nông dân; góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông, lâm nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực và phát triển kinh tế trên địa bàn.
Hà Giang là một trong những tỉnh, thành phố trên cả nước hình thành mô hình khuyến nông khá sớm, từ đầu năm 1994 đến nay vẫn duy trì ở 4 cấp tỉnh, huyện, xã và thôn. Thông qua các hoạt động xây dựng mô hình điểm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện hàng loạt chương trình khuyến nông có ý nghĩa cho sản xuất nông nghiệp ở khắp các huyện, thu hút người dân tham gia.
Những mô hình hiệu quả được nhân rộng và đưa vào sản xuất đại trà, mang lại giá trị thu nhập, giúp người dân nâng cao đời sống như mô hình trồng thâm canh và chế biến cỏ làm thức ăn thô xanh quanh năm cho trâu, bò; mô hình nuôi bò vỗ béo; môi hình nuôi lợn bản địa; mô hình nuôi ong,…
Ông Bùi Minh Tân, thôn Nà Pâu là 1 trong 30 hộ trên địa bàn xã Lạc Nông, huyện Bắc Mê tham gia mô hình trồng thâm canh và ủ chua cỏ, tạo nguồn thức ăn thô xanh quanh năm cho trâu, bò. Mô hình này thuộc dự án do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền núi phía Bắc triển khai.
Đến nay, nhờ có mô hình này, ông Tân không còn lo thức ăn cho đàn bò với số lượng hơn 20 con của gia đình. “Cỏ được ủ chua cũng giúp cho đàn trâu, bò tăng sức đề kháng, luôn béo tốt và tăng cân đều. Khi có nguồn thức ăn, gia đình tôi đã tăng số lượng đàn bò, thu nhập từ nuôi trâu, bò mỗi năm mang lại khoảng 300 triệu đồng”, ông Tân cho biết.
Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hà Giang đạt trên 18.000 ha. Tổng đàn trâu, bò của tỉnh đạt gần 300.000 con.
Giai đoạn từ năm 2013-2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hỗ trợ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo trên địa bàn 2 huyện Đồng Văn và Mèo Vạc với 300 con bò/3 năm với phương thức hỗ trợ 100% thức ăn tinh, thuốc thú y cho bò thịt. Bò được nuôi theo kỹ thuật mới tăng trọng lượng gần gấp đôi so với cách chăn thả truyền thống của người dân. Mỗi con bò nuôi theo kỹ thuật mới đạt khoảng 7 triệu đồng/con so với bò chăn thả truyền thống chỉ đạt khoảng 3 triệu đồng/con.
Đến nay, mô hình nuôi bò vỗ béo đã giúp thay đổi nhận thức của người chăn nuôi, giúp đồng bào vùng cao Hà Giang hiểu rõ hơn và thấy được lợi ích từ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, hạn chế tối đa hiện tượng bò già yếu đổ ngã, chết do đói rét. Kết quả, bò tăng trọng tốt, giúp tăng thu nhập cho hộ chăn nuôi, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội thoát nghèo và vươn lên làm giàu
Tại huyện Mèo Vạc, tổng đàn trâu bò trên địa bàn huyện hiện có hơn 30.000 con; trong đó, phần lớn số lượng bò nuôi theo mô hình vỗ béo. Xã Pả Vì là một trong những xã có số lượng hộ dân tham gia mô hình nuôi bò vỗ béo nhiều nhất với gần 600 hộ với gần 2.000 con, trung bình mỗi hộ có từ 3 con.
Sau 5 năm (2016-2020) triển khai các chương trình, dự án, mô hình phát triển chăn nuôi bò vỗ béo tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉ lệ hộ thoát nghèo giảm mạnh với 319 hộ; trong đó, riêng số hộ thoát nghèo nhờ tham gia phát triển chăn nuôi bò vỗ béo là 285 hộ, chiếm tỉ lệ 89,5% số hộ thoát nghèo của xã.
Điển hình như mô hình nuôi bò vỗ béo của đình ông Mua Mí Vư, ở tổ 1 thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc) với số lượng bò nuôi hơn chục con, thu nhập 200 triệu đồng/năm.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mèo Vạc, từ năm 2015-2018 trên địa bàn huyện có tới 16 con trâu, bò chết do già yếu và đói rét. Từ đầu năm 2019 đến nay, huyện chưa ghi nhận trường hợp trâu bò chết do yếu và đói rét.
Ông Vàng Mí Sử, Phó trưởng trạm, Trạm Khuyến nông huyện Mèo Vạc cho biết, nhờ tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh, ủ chua cỏ dự trữ làm thức ăn, giữ ấm cho trâu, bò nên những năm gần đây không có hiện tượng trâu, bò chết đói, chết rét.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, đội ngũ khuyến nông từ tỉnh, huyện, xã và thôn bản trên địa bàn tỉnh Hà Giang luôn cố gắng đồng hành cùng với người nông dân. Họ chính là cầu nối quan trọng để chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp đến với người nông dân. Các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng được chú trọng vào các nội dung thiết thực, theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất nông, lâm nghiệp tại địa phương.
Nguyễn Chiến