Hiệu quả từ trồng táo theo mô hình VietGap ở Khánh Hòa
Nông dân trồng táo xã Cam Thành Nam, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với các ngành chức năng đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào canh tác, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng năng suất, giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.
Trồng cây táo theo hướng VietGAP
Đưa khách đi thăm khu nhà lưới trồng táo của Hợp tác xã trồng táo Cam Thành Nam, thôn Quảng Hòa, xã Cam Thành Nam, anh Hồ Tấn Cường, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, cây táo ở Cam Thành Nam được nông dân trồng từ những năm 2004, đến năm 2007 là thời kỳ phát triển ồ ạt trên vùng đất nắng gió Cam Ranh. Thời điểm đó, các hộ trồng đã đầu tư, phát triển diện tích cây. Thế nhưng, đi liền với việc này chính là tình trạng chất lượng quả kém. Cây táo sau khoảng 3 năm cho thu hoạch quả có tình trạng ruồi vàng hại quả xảy ra khắp vùng trồng.
“Đến cả thuốc hóa học phun trắng bầu trời cũng không ăn thua gì với ruồi vàng, hình như loài này miễn dịch với thuốc hóa học. Nhiều người nghèo vì cây táo cũng là chuyện có thật, không hiếm trong xã này”, anh Cường nhớ lại.
Mấy năm nay, việc trồng táo gặp khó khăn do hay bị sâu bệnh, đầu ra cho sản phẩm không nhiều nên diện tích táo dần thu hẹp; hiện chỉ còn hơn 40 ha tập trung tại thôn Quảng Hòa. Hợp tác xã trồng táo Cam Thành Nam với 12 thành viên chỉ có 7 ha. Từ năm 2019, Hợp tác xã của anh bước vào con đường trồng cây táo theo hướng VietGAP, đó cũng là lúc các nông hộ áp dụng màng ngăn lưới chống ruồi vàng. Màng lưới này đã mang lại hiệu quả cao cho người trồng táo.
Kể lại quá trình tiếp cận với VietGAP, anh Cường nhấn mạnh về sức kiên trì, bền bỉ của các thành viên trong Hợp tác xã. Bắt đầu từ việc khai thác nước ngầm tưới cho cây táo có nhiều vấn đề như: tưới quá nhiều nước một lúc cho cây táo, nước ngầm nhiễm mặn (Cam Thành Nam gần với vùng biển Cam Ranh) làm cho chất lượng quả không ngọt, cây bị thừa, bị thiếu nước không kiểm soát được. Khi áp dụng khoa học, công nghệ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa chuyển giao, các thành viên trong Hợp tác xã đã biết tưới nước theo tia, phun trên mặt đất cho hiệu quả cao hơn với trước rất nhiều.
Vấn đề nan giải nhất là ruồi vàng đục quả táo. Các nông hộ tự mày mò làm giàn lưới chắn xung quanh cao tầm 4m, thí điểm trên 1 ha. Lúc đầu hiệu quả cao, thế nhưng, khi triển khai đồng bộ lại không có tác dụng vì ruồi vàng bay lên cao để chui vào. Tiếp đến ý tưởng màng chắn kín tất cả các phía của vườn táo được triển khai, nhưng lại xuất hiện nhiều vấn đề như chất lượng lưới, kỹ thuật may từng mảnh lưới ghép lại với nhau, độ cao của nhà lưới… Việc triển khai ban đầu còn nhiều vướng mắc, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm dần.
“Phải áp dụng nhiều lần, chúng tôi mới rút ra được các bài học làm nhà lưới cho cây táo. Nhiều người kiên trì với việc làm nhà lưới. Đến nay, chất lượng táo được nâng cao rõ rệt, sản lượng và thu nhập đều tăng cao”, anh Cường kể.
Thời điểm tháng 3 này ở xã Cam Thành Nam đang bước vào giai đoạn tỉa cành cho cây táo, mùa thu hoạch sẽ kéo dài từ tháng 6 đến tháng 12 hàng năm. Ông Hồ Văn Niệm (thôn Quảng Hòa) cho biết, gia đình ông có 7.000 m2 đất trồng táo. Tất cả đều được ông đầu tư nhà lưới hơn 100 triệu đồng, ngăn ruồi vàng và côn trùng gây hại.
Trong quá trình trồng cây táo, ngoài áp dụng nhà lưới, ông còn tuân thủ theo các nguyên tắc trồng VietGAP, đảm bảo nguồn nước tưới, giống và gốc ghép, đất và giá thể, phân bón và chất phụ gia, hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, ghi chép hồ sơ sản xuất, quản lý chất thải, bảo vệ người lao động, kiểm tra nội bộ, giải quyết khiếu nại…
“Là thành viên của Hợp tác xã trồng táo Cam Thành Nam, tôi cũng như các thành viên khác đều trồng theo hướng VietGAP. Có như vậy, chất lượng đầu ra mới được đảm bảo, nâng cao uy tín của Hợp tác xã và con đường đầu ra sản phẩm về sau sẽ bền vững hơn”, ông Hồ Văn Niệm chia sẻ.
Sang đến vườn táo của ông Trần Văn Quân (thôn Quảng Hòa), người trồng táo này cho hay, sử dụng lưới ngăn ruồi rất hiệu quả, song thời tiết hiện nay nắng nóng, lưới phủ chặt vườn táo càng tăng sức nóng, nhất là buổi trưa, sẽ ảnh hưởng đến việc ra hoa lứa táo sau. Do đó, ông cần phải học tập nghiên cứu và phát triển thêm về cách thức tưới nước cho cây táo.
“Hợp tác xã có mấy người làm táo có hiệu quả cao nên tôi theo học. Trồng táo có bài bản trong vụ này, tôi hy vọng sẽ có chuyển biến tích cực”, ông Quân mong chờ.
Theo Giám đốc Hợp tác xã trồng táo Cam Thành Nam Hồ Tấn Cường, nếu 1 ha táo trồng theo VietGAP, có nhà lưới bài bản, sau 2 -3 năm nông dân thu về trên 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 250 triệu đồng/năm/ha. Năm 2021 vừa qua, 7 ha táo trồng theo mô hình VietGAP của Hợp tác xã thu về khoảng 3,5 tỷ đồng chưa trừ chi phí. "Thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 lắng lại, chúng tôi dự tính làm du lịch kết hợp với việc phát triển vườn táo, có như vậy mới đem lại doanh thu cao cho nông dân; đồng thời làm hồ sơ để công nhận sản phẩm táo của Hợp tác xã là sản phẩm OCOP", anh Hồ Tấn Cường dự tính.
Ứng dụng khoa học công nghệ là hướng đi tất yếu
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với nông dân triển khai Dự án “Trồng mới và thâm canh cây ăn trái táo theo hướng VietGAP” ở xã Cam Thành Nam, thành phố Cam Ranh từ năm 2019. Thời gian qua, mô hình đã có hiệu quả tích cực. Đối với trồng mới cây táo, cây có tỷ lệ sống đạt 97%, tốc độ sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh gây hại và có nguồn gốc rõ ràng.
Mô hình này được nông dân thực hiện và các chuyên gia đánh giá cao, năng suất trung bình 25 tấn/ha. Ruồi đục trái không tấn công cây táo nhờ có lưới bọc cả vườn, chỉ có 30% phấn trắng, 20% bệnh thối nâu.
Riêng mô hình thâm canh cây táo, mô hình này tăng thêm năng suất từ 15 -20%, cây có tốc độ sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh, quả kích thước đều, đẹp. Năng suất bình quân 50 tấn/ha/năm, tăng trung bình 16% so với ngoài mô hình (42 tấn/ha/năm). Doanh thu khoảng 500 triệu đồng, tăng 24,4 % so với ngoài mô hình.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa Huỳnh Kim Khánh, nhằm góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh, trong năm 2021, Trung tâm tập trung xây dựng các mô hình khuyến nông trọng điểm theo định hướng của ngành, gắn công tác đào tạo huấn luyện và tổ chức tham quan hội thảo với việc triển khai các mô hình mới có hiệu quả để tạo được sức lan tỏa nhanh. Đặc biệt là tập trung xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững, an toàn.
Phát triển cây táo bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, việc ứng dụng khoa học công nghệ là hướng đi tất yếu cả trước mắt và lâu dài. Không chỉ riêng nông dân trồng cây táo, các lĩnh vực khác đều cần sự đầu tư mạnh mẽ như thế này. Có như vậy, ngành Nông nghiệp Khánh Hòa mới thực sự phát triển theo con đường hữu cơ. Từ đó, hình thành vùng sản xuất các sản phẩm bản địa, đặc trưng, có tiềm năng để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Phan Sáu