Hòa Bình: Phát triển chuỗi chăn nuôi thịt lợn bản địa ở huyện Đà Bắc
Được thành lập tháng 8/2022, HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh (Đà Bắc, Hòa Bình) chọn hướng chăn nuôi và cung ứng sản phẩm thịt lợn bản địa Tân Minh. Với mục tiêu chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh là tiêu chí hàng đầu nên ngay sau thành lập, HTX đã lựa chọn và phát triển giống lợn bản địa. Đặc điểm giống lợn này có chân nhỏ, mõm nhỏ, thịt thơm, bụng thon ít mỡ. Chúng thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt, khỏe mạnh, ít bệnh tật. Giống lợn này đã có từ lâu ở huyện Đà Bắc.
Bà Xa Thị Sinh, xóm Tràm, xã Tân Pheo (Đà Bắc) nuôi giống lợn bản địa giúp cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập.
HTX lựa chọn những hộ chăn nuôi truyền thống từ nhiều năm để tuyển lựa giống lợn thuần chủng. Sau khi tìm được những con lợn nái thuần chủng cho các hộ thành viên, hộ liên kết của HTX nhân giống, dần loại bỏ giống lợn khác. Chị Hà Thị Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh cho biết: Từ trước khi thành lập HTX, gia đình tôi đã cung ứng sản phẩm thịt lợn bản địa ở huyện Đà Bắc đến nhiều thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hình thức chăn nuôi chủ yếu thả vườn, đồi, tạo ra chất lượng thịt thơm ngon. Sau khi thành lập, HTX định hướng phát triển chăn nuôi lợn bản địa theo chuỗi cung ứng cho người tiêu dùng từ chuồng trại đến bàn ăn. Để nhân giống, HTX vận động những gia đình có giống lợn bản địa cho các xã viên, người liên kết nuôi rẽ với hình thức ăn chia giống mẹ hoặc con. Khi lợn sinh sản tạo điều kiện cho các hộ khác gây giống. Đến nay, HTX có khoảng 2.000 con lợn đen bản địa với 53 hộ chăn nuôi.
Cùng với chọn giống thuần chủng, xã viên, hộ liên kết sử dụng hình thức chăn nuôi truyền thống bằng cách nấu cám gạo, ngô với cây chuối và tận dụng phụ phẩm trong gia đình. Với cách nuôi như vậy đã tạo chất lượng thịt ngon, khách hàng ưa chuộng. Cũng từ hình thức chăn nuôi truyền thống, sản phẩm thịt lợn đen bản địa Tân Minh của HTX ngày càng có nhiều khách hàng lựa chọn. Sản phẩm đã có mặt ở các thị trường: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hòa Bình… Sản phẩm chất lượng, được giá, tiêu thụ mạnh, người chăn nuôi không lo đầu ra.
Bà Xa Thị Sinh, xóm Tràm, xã Tân Pheo cho biết: Sau khi được HTX cho mượn giống, gia đình tôi đã gây giống đàn lên hơn 10 con, thức ăn chăn nuôi chủ yếu tận dụng rau cỏ vườn nhà. Nuôi giống lợn này dễ bán, giá thành cao, khi cần lúc nào cũng có thể bán được.
Ông Hà Văn Vững ở xóm Tràm, xã Tân Pheo là hộ chăn nuôi lợn bản địa từ nhiều năm nay cho biết: Trước nhà tôi chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ vài con để dùng trong gia đình. So với giống lợn khác, giống lợn này chậm lớn, nhưng bù lại chi phí thấp, giá thành HTX mua luôn cao và ổn định. Tính về kinh tế vẫn thấy nuôi lợn hiệu quả hơn các vật nuôi khác nên gia đình tôi mở rộng quy mô. Với diện tích khoảng 3 ha, gia đình tôi làm rào thả đồi hơn 70 con, đầu tư chuồng trại đơn giản, không phải chăm sóc nhiều. Tôi dự tính tiếp tục nhân đàn khoảng 200 con. Đây là hướng đi phù hợp với bà con vùng cao Đà Bắc.