Hòa Bình tái canh cây ăn quả có múi theo hướng bền vững
Ngày 10/5, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp “Giải pháp tái canh cây ăn quả có múi theo hướng bền vững và hiệu quả”.
Diễn đàn tạo điều kiện để các đại biểu và hộ dân trồng cây ăn quả có múi trao đổi, thảo luận với chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp về thực trạng, thuận lợi và khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi; những chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển cây ăn quả có múi.
Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình, ông Vương Đắc Hùng nhấn mạnh, qua quá trình tăng nhanh diện tích và sản lượng, việc sản xuất cây có của tỉnh Hòa Bình đã nảy sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của sản phẩm. Do vậy, thời gian tới ngành nông nghiệp cần thiếu phải có sự thay đổi cụ thể như: Hạn chế về tiêu chuẩn đồng đều của sản phẩm, bảo quản hạn chế, quản lý nhãn hiệu, thương hiệu còn lỏng lẻo, tình trạng trà trộn thương hiệu bán sản phẩm trên thị trường còn diễn ra phổ biến...
Đặc biệt trong quá trình canh tác lâu dài, qua nhiều chu kỳ đã khiến nhiều diện tích trồng cây có múi bị thoái hóa, chai cứng, mất kết cấu, hệ vi sinh vất đất nghèo nàn. Cùng đó, việc sử dụng nguồn giống cây có múi kém chất lượng, nhiễm sâu bệnh đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển bền vững cây có múi của tỉnh.
Ông Dương Quang Du, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hòa Bình cho biết, việc triển khai các chính sách cho doanh nghiệp và nông dân còn gặp nhiều khó khăn, quy mô nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Nguồn kinh phí hỗ trợ còn thấp, đặc biệt là đầu tư cho cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm. Sau khi đã được hỗ trợ chứng nhận VietGAP thì một số cơ sở chưa tuân thủ nghiêm quy trình thực hành nông nghiệp, việc gắn tem truy xuất nguồn gốc vào sản phẩm chưa được duy trì thường xuyên để bảo vệ thương hiệu sản phẩm.
Từ thực trạng trên, việc triển khai thực hiện đề án “Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 20230” nhằm phát triển bền vững và gia tăng chuỗi giá trị trong sản xuất cây ăn quả có múi tập trung, đồng bộ từ khâu tổ chức sản xuất đến thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Giai đoạn 2021-2025 tập trung tái canh cây ăn quả có múi tại huyện Cao Phong; giai đoạn 2026-2030 mở rộng diện tích cái canh tại huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy, Lương Sơn, Lạc Sơn…
Để thực hiện hiệu quả đề án, các đại biểu cho rằng, tỉnh cần tập trung vào một số giải pháp: Củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cây ăn quả có múi; tạo nguồn giống sạch bệnh, quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên đất nước; triển khai đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách hiện có của Trung ương và địa phương; đẩy mạnh đầu tư vào chế biến nông sản, đa dạng hóa sản phẩm; áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Bà Đinh Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình chia sẻ, đến nay tỉnh Hòa Bình có 2.119 ha cây có múi được chứng nhận đủ điều kiệu an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ... với 38 cơ sở được chúng nhận, chiếm khoảng 19,2% tổng diện tích cây có múi của tỉnh. Đã xác nhận sở hữu trí tuệ chỉ dân địa lý cho cam Cao Phong, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc, cam Lạc Thủy, cam, bưởi Mường Động (Kim Bôi). Công nhận 19 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao cho sản phẩm hoa quả tươi, sản phẩm chế biến từ quả có múi.
Để góp phần thực hiện tốt đề án tái canh cây có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, tỉnh cần đề ra các giải pháp như: Hình thành mô hình sản xuất phát triển bền vững và gia tăng theo chuỗi giá trị trong sản xuất cây ăn quả có múi tập trung, phải có hạt nhân trung tâm là hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo Luật Hợp tác xã 2012. Qua đó, cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu chung cho thành viên phát triển, thông qua việc cung cấp các dịch đáp ứng nhu cầu chung cho các thành viên.
Hòa Bình có diện tích cây ăn quả có múi chiếm 5% diện tích cả nước. Đến năm 2021, diện tích cây ăn quả có múi của tỉnh đạt 9.687 ha, sản lượng 166,7 nghìn tấn. Tỉnh đã hình thành được vùng sản xuất hàng hóa; trong đó, vùng sản xuất cam tại huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, vùng sản xuất bưởi tại Tân Lạc, Yên Thủy, Lương Sơn… Giá trị trồng cây có múi đạt từ 300-350 triệu đồng/ha/năm. Diện tích và sản lượng tăng nhanh ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, phá vỡ quy hoạch của tỉnh.
Thanh Hải