Khoai sọ nương ở Trạm Tấu - sản vật được thiên nhiên ban tặng
Khác hẳn với các sản phẩm khoai khác dù là khoai lệ phố tiến vua hay khoai nương tím ở các nhiều tỉnh trong Nam, ngoài Bắc, khoai sọ Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) khó có loại khoai nào sánh được, bởi đây là sản vật được thiên nhiên ban tặng.
Bà Hoàng Thị Vui ở phương Đồng Tâm, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) cho hay, bà là người dân tộc thiểu số sinh ra và lớn lên ở bản làng của một huyện vùng cao Yên Bái. Nấu ăn là thú vui, niềm đam mê của bản thân nên khi nói tới sản vật vùng cao bà Vui biết khá nhiều. Nhất là các món ăn được chế biến từ củ khoai, củ sắn rất đỗi quen thuộc với bà.
"Nhiều người cho rằng khoai lệ phố ở huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái, hay ở huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai (hai huyện này trước kia là một huyện của tỉnh Yên Bái) là sản phẩm quá nổi tiếng vì là sản phẩm được dùng để tiến vua lẽ dĩ nhiên là rất ngon rồi. Thế nhưng, đối với khoai sọ Trạm Tấu sau khi chế biến ngoài các vị như dẻo, thơm, bùi béo ngậy ra thì vẫn có một nét đặc thù riêng mà chỉ cảm nhận được khi thưởng thức chứ không thể nào tả nổi", bà Vui chia sẻ.
Còn bà Hoàng Thị Hoa ở phường Mỹ Đình, Quận Cầu Giấy (Hà Nội) mỗi lần về Yên Bái là tìm mua bằng được khoai sọ nương Trạm Tấu để mang về. Bà Hoa chia sẻ: "Tôi là người con của huyện Lục Yên nên quá quen với khoai Lệ phố tiến vua - một sản phẩm quá đỗi nổi tiếng rồi, nhưng mọi người trong gia đình tôi vẫn thích ăn khoai sọ nương ở Trạm Tấu hơn bởi, sản phẩm này có cái gì đó vừa thấy quen lại thấy lạ. Hơn nữa, mỗi khi về Yên Bái, bàn bè tôi ở Hà Nội đều nhắc nhớ mua hộ khoai sọ Trạm Tấu nên tôi phải tìm mua bằng được dù không phải lúc nào cũng có để mua".
Kỹ sư nông nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Vũ Lê Chung Anh cho biết, khoai sọ nương Trạm Tấu được trồng từ giữa tháng 3 và cho thu hoạch từ cuối tháng 9 đến hết tháng 11. Thời gian này thời tiết ở Trạm Tấu rất đặc thù, trong một ngày có đủ cả bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Cùng với đó, đất đai ở núi rừng Trạm Tấu có rất nhiều mùn, khoáng chất nên các nhà khoa học nông nghiệp cho rằng khoai sọ Trạm Tấu đã chắt lọc từ những tinh túy của đất, trời cùng gắn với văn hóa trồng khoai của đồng bào dân tộc Mông, Thái vùng Tây Bắc nên mới trở thành đặc sản có một không hai ở vùng núi cao hẻo lánh này".
Cũng theo Chủ tịch Vũ Lê Chung Anh, trước đây, người dân trồng khoai sọ mang nặng tính tự cung tự cấp. Sản phẩm khoai sọ chủ yếu nấu canh và chăn nuôi, năm nào mất mùa người dân dùng khoai sọ làm lương thực nên hiệu quả kinh tế thấp, nhưng những năm gần đây do nhận thấy giá trị hàng hóa của của khoai sọ nên huyện xác định phát triển các sản phẩm chủ lực đặc sản của địa phương gắn với xây dựng thương hiệu bảo hộ nhãn hiệu, từng bước tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm. Huyện ủy đã ban hành Chương trình hành động số 09-CTr/HU ngày 28/12/2020 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Trạm Tấu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển sản xuất nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Để cây khoai sọ nương Trạm Tấu phát triển bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo cho người dân, huyện đã thành lập Hợp tác xã Kinh doanh sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hưng Thùy với mục tiêu tư vấn, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực giúp đỡ nông dân trồng, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn hợp tác xã xây dựng thành công sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), đến nay sản phẩm khoai sọ nương của hợp tác xã được công nhận OCOP 3 sao. UBND huyện còn chỉ đạo các ngành của huyện phối hợp các đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ đề nghị và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu đối với sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu.
Riêng Dự án "Xây dựng mô hình liên kết sản xuất khoai sọ năm 2021" với chủ trương chỉ đạo đẩy mạnh trồng khoai sọ trên đất nương rẫy, chuyển diện tích đất đồi trồng cây hàng năm khác có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng Khoai sọ, nhằm từng bước phát huy cây trồng chủ lực đặc sản của huyện, góp phần xóa đói giảm nghèo. Cây khoai sọ của huyện đã từng bước hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm khoai sọ nương, phát triển một số vùng sản xuất tập trung, bền vững với diện tích lớn như xã Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ... bảo đảm sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, có năng suất, chất lượng cao.
Chị Nguyễn Thị Thùy - Chủ nhiệm Hợp tác xã Hưng Thùy cho biết, nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, các ngành chức năng trong huyện nên diện tích trồng khoai sọ ở Trạm Tấu ngày một tăng nhanh: Năm 2021, đã trồng được 212 ha, tăng 132 ha so với năm 2020; năm 2022 trồng được 401 ha. Đặc biệt, khoai sọ Trạm Tấu hiện nay rất dễ tiêu thụ trên thị trường.
Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích cho người dân thì chính quyền địa phương cần vận động nhân dân thu hoạch khoai đúng tuổi và lựa chọn những ngày thời tiết nắng ráo để thu hoạch cũng như vận động người dân sơ chế nhặt rễ, sạch đất, phân loại khoai có chất lượng, đều củ để mang xuống bán, vừa đảm bảo giá cao vừa giúp tư thương tiết kiệm được rất nhiều thời gian, đem lại sự hài lòng cho khách hàng. Hiện nay hợp tác xã đang hoàn thiện giấy tờ cung cấp khoai sọ cho chuỗi siêu thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Hòe - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, khoai sọ Trạm Tấu đã được xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, vì vậy với 401 ha dự kiến cho thu hoạnh khoảng 4.000 tấn vào cuối năm nay với giá chừng 15.000 đồng/kg sẽ đem về thu nhập cho ngươi dân 60 tỷ đồng. Đây là nguồn thu đáng kể đối với đồng bào các dân tộc huyện vùng cao Trạm Tấu.
Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát việc mở rộng diện tích trồng khoai sọ nương tại các xã: Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Trạm Tấu, Túc Đán, phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 1.000 ha/năm; xây dựng chuỗi tiêu thụ và xây dựng sản phẩm khoai sọ nương được xếp hạng OCOP 4 - 5 sao...
Đức Tưởng