Khuyến khích dùng phân hữu cơ giảm chi phí sản xuất nông nghiệp ở Trà Vinh
Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang khuyến khích nông dân mạnh dạn sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trong trồng trọt để giảm chi phí sản xuất trước tình hình giá vật tư phân bón hóa học tăng cao. Hiện một số hợp tác xã nông nghiệp kết hợp với doanh nghiệp hướng dẫn thành viên và nông dân sử phân bón hữu cơ vi sinh cùng giống lúa chất lượng cao để sản xuất cho vụ lúa Hè Thu 2022.
Ông Trần Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành cho biết, vụ lúa Đông Xuân vừa qua, hợp tác xã đã phối hợp cùng Công ty cổ phần Âu Lạc (Hà Nội) thực hiện thí điểm sử dụng phân hữu cơ vi sinh kết hợp phân bón hóa học trong sản xuất với diện tích 20ha lúa. Kết quả năng suất lúa vẫn đạt cao trên 6,5 tấn/ha như sản xuất trước đây, nhưng chi phí về phân bón giảm được hơn 20%.
Ở vụ lúa Hè Thu này, hợp tác xã đang vận động nông dân và thành viên mở rộng diện tích sản xuất các giống lúa chất lượng cao đạt chuẩn xuất khẩu, như: OM5451, OM18, Om 4900, Đài thơm 8, ST25, ST24…và sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để tăng lợi nhuận.
Công ty TNHH Thuận Thiên ở xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, cũng đang phối hợp Công ty Phân bón hữu cơ sinh học Long An liên kết sản xuất 800ha lúa giống ST25 sử dụng chế phẩm phân hữu cơ ở vụ lúa Hè Thu này. Công ty Phân bón hữu cơ sinh học Long An cùng Công ty TNHH Thuận Thiên hỗ trợ cho hộ nông dân sản xuất bằng phương cách đầu tư phân bón hữu cơ đến cuối vụ thu hồi với giá bán phân bằng giá giao cho đại lý cấp I.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, việc sử phân hữu cơ trong trồng trọt ngoài giúp nông dân giảm chi phí còn có nhiều lợi ích về cải tạo đất luôn duy trì trạng thái của các vi sinh vật có lợi, kích thích khả năng sinh trưởng cây trồng, nâng cao chất lượng hạt gạo hữu cơ phục vụ xuất khẩu.
Theo Lê Văn Đông, tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến mời gọi doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết hỗ trợ nông dân trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, các biện pháp canh tác tiên tiến để sản phẩm đạt các tiêu chí hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP. Riêng về cây lúa, ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường các hoạt động hỗ trợ nông dân trồng lúa đạt các tiêu chuẩn lúa hữu cơ quốc tế, như: EU, USDA, JAS.
Hiện tại, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại – Du lịch Minh Trung và Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại dịch vụ Châu Hưng đã ký kết hỗ trợ đầu tư và bao tiêu 348ha lúa hữu cơ tại địa bàn xã Mỹ Chánh, Hưng Mỹ, Long Hòa và Hòa Minh của huyện Châu Thành. Hai đơn vị này ký kết hỗ trợ đầu tư đầu vào cho nông dân về giống, phân bón đến cuối vụ và bao tiêu thu mua lúa với giá 10.200 đồng/kg.
Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, chi nhánh tại Cần Thơ cũng đã liên kết hỗ trợ nông dân sản xuất 1.000ha lúa chất lượng cao ở vụ Hè Thu 2022. Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân được trả vào cuối vụ và thu mua hết sản phẩm theo giá thị trường với định mức giá trước khi thu hoạch 14 ngày.
Tỉnh Trà Vinh định hướng đến năm 2025 sẽ ổn định diện tích trồng lúa mỗi năm 200.000 ha, đạt sản lượng từ 1-1,2 triệu tấn/năm. Tỉnh quy hoạch phát triển vùng lúa hữu cơ đạt 2.000- 3.500ha, tại các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú và Duyên Hải; vùng sản xuất lúa sạch đạt diện tích 20.000 - 30.000ha, tập trung tại các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Càng Long và Cầu Kè.
Việc trồng lúa được tỉnh khuyến khích áp dụng các quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), theo hướng tiết kiệm nước, tăng hiệu suất sử dụng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm.
Phúc Sơn