Kinh tế vườn - rừng đổi thay Tiên Phước
Tiên Phước là huyện trung du nằm ở phía tây tỉnh Quảng Nam, cách TP.Tam Kỳ khoảng 25km. Tuy còn nhiều khó khăn, song với sự đoàn kết, đồng lòng và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Tiên Phước đang phấn đấu xây dựng đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2024.
Quyết tâm về đích huyện nông thôn mới
Ông Nguyễn Hùng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: "Hơn 12 năm qua, huyện Tiên Phước nhất quán quan điểm xây dựng NTM vì sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Từ đó nhận được sự đồng thuận cao từ phía nhân dân, chung tay cùng với Đảng bộ, chính quyền khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành các tiêu chí đề ra.
Đến tháng 6/2023, huyện có 11/14 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng 8 xã so với năm 2015), không còn xã dưới 16 tiêu chí; 2 xã Tiên Lập, Tiên Ngọc được Hội đồng thẩm định tỉnh thống nhất trình UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM năm 2022; xã Tiên Lãnh đã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí xã NTM, đang lập hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2023".
Bình quân mỗi xã đạt 18,3 tiêu chí NTM (tăng 17 tiêu chí so với năm 2011) và có 14 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu (tăng 14 thôn so với năm 2015). Thu nhập bình quân tăng từ 6,7 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 42,6 triệu đồng/người/năm vào năm 2021.
Đến nay, huyện đã huy động 2.332 tỷ đồng xây dựng các hạng mục công trình, hoàn thiện các tiêu chí NTM, trong đó có 40 tỷ đồng đóng góp của nhân dân. Ngoài ra, bà con cũng đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để tu sửa các công trình, dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm.
Từ đó kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có những thay đổi vượt bậc, bộ mặt nông thôn khang trang, hiện đại. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, an ninh trật tự được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có để xây dựng Tiên Phước trở thành huyện trọng điểm phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái
ông Nguyễn Hùng Anh.
Trong xu thế hội nhập để phát triển, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng NTM thông minh. Năm 2022, huyện Tiên Phước xếp thứ 5/18 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam về xếp hạng chỉ số cải cách hành chính và là 1 trong 10 huyện được tỉnh xếp loại tốt về chuyển đổi số.
Đặc biệt, UBND huyện Tiên Phước đã được UBND tỉnh tặng bằng khen dẫn đầu khu vực miền núi thấp trong phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới" trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
Phát huy lợi thế kinh tế vườn - rừng
Tiên Phước phát huy tối đa hiệu quả từ kinh tế vườn - rừng.
Ông Nguyễn Hùng Anh cho biết, nhằm phát huy tối đa lợi thế kinh tế vườn - rừng, huyện đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 12/4/2021 về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái gắn với xây dựng bản sắc văn hóa thuần Việt giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện thuận lợi để nhiều hộ dân đầu tư phát triển kinh tế.
Điển hình như hộ ông Đoàn Kim Thiệt (thôn 7A, xã Tiên Cảnh), được sự hỗ trợ từ địa phương, ông mạnh dạn trồng thêm một số loại cây có giá trị kinh tế cao như măng cụt, sầu riêng, bưởi da xanh trên diện tích 2ha. Đến nay, vườn của ông có hơn 1.300 cây ăn trái các loại, đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng.
Khai thác lợi thế dòng nước chảy từ nguồn suối trên cao, ông Kiệt đào ao nuôi cá chép, cá trê và xây dựng sân vườn theo kiến trúc bờ đá xanh - sạch - đẹp, thu hút du khách gần xa đến tham quan. Nhờ đó, khu vườn của ông đã đoạt giải Nhì cuộc thi "Vườn đẹp" của tỉnh Quảng Nam năm 2023.
Hay như mô hình vườn ứng dụng công nghệ vi sinh, kết hợp công nghệ 4.0 của ông Phạm Hồng Sơn (thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà) cho vườn cây ăn trái 1,5ha. Ông đã khai thác nguồn nước tưới từ giếng khoan và lắp đặt hệ thống tưới nước chủ động vào từng gốc cây, ứng dụng công nghệ 4.0 điều khiển nước tưới mọi lúc, mọi nơi.
Đồng thời, sử dụng các loại chế phẩm vi sinh, phân bón hữu cơ nhằm mục đích vừa cung cấp dinh dưỡng an toàn cho cây, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến nay, vườn đã cho thu hoạch với doanh thu 128 triệu đồng/năm và có khả năng tăng thêm trong thời gian tới.
Theo ông Hùng Anh, xác định Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) là bước đi mới trong công cuộc xây dựng NTM, 5 năm qua, huyện Tiên Phước đã tập trung nguồn lực, hỗ trợ các chủ thể cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, Tiên Phước là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP, với 35 sản phẩm đạt 3-4 sao cấp tỉnh. Trong đó có 15 sản phẩm 4 sao, 20 sản phẩm đạt 3 sao, thuộc nhóm các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương như: Thảo dược, trầm hương, dầu gấc, dầu mè, dầu phộng, mì bún, trái cây..., góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.
Để nâng cao xây dựng NTM, huyện Tiên Phước đang triển khai quy hoạch xây dựng vùng huyện giai đoạn đến năm 2030, đã được HĐND huyện và UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó có quy hoạch xây dựng khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn; xây dựng hạ tầng khu sơ chế, chế biến, trung chuyển nguyên liệu, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện; xây dựng cơ sở hạ tầng thị trấn Tiên Kỳ hướng đến đô thị loại IV...
"Riêng giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu, định hướng là xây dựng huyện Tiên Phước đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp đồng bộ, cơ cấu kinh tế và hình thức sản xuất hợp lý, áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch.
Đặc biệt, phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có để xây dựng Tiên Phước trở thành huyện trọng điểm phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng Trung du xứ Quảng và vùng Duyên Hải miền Trung, góp phần chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp" - ông Anh nhấn mạnh.