Lai Châu: Bàn giải pháp cho vùng nguyên liệu chè
Ngày 12/7, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức cuộc họp bàn giải pháp quản lý, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Kết quả và thực trạng phát triển vùng nguyên liệu chè
Trong những năm vừa qua, UBND tỉnh Lai Châu cùng các sở, ngành, địa phương quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu chè , thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến.
Chủ động, tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè; kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm kiếm đối tác đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm chè… qua đó đã góp phần ổn định, cải thiện đời sống của người dân trồng chè, nhiều sản phẩm chè có chất lượng, đã từng bước khẳng định được thương hiệu trong và ngoài nước.
Tuy nhiên thời gian qua trên địa bàn tỉnh ở một số vùng chè, công tác chăm sóc, thâm canh theo quy trình, kỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức; một số vùng thiếu liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân trong khâu quản lý, sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ chè; thu mua sản phẩm chè không thực hiện các hợp đồng liên kết...
Qua đó gây ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè trên địa bàn tỉnh. Để có giải pháp khắc phục những bất cập trên, UBND tỉnh tổ chức làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để bàn giải pháp quản lý, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè tỉnh Lai Châu trong thời gian tới.
Nhiều giải pháp phát triển vùng nguyên liệu chè
Theo báo cáo tại cuộc họp, toàn tỉnh có 8.888 ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 6.931 ha, sản lượng từ đầu năm đến nay khoảng 32.500 tấn, đạt 67,7% Kế hoạch. Diện tích chè tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 5.700 ha, chiếm khoảng 64% tổng diện tích. Tỉnh có 211 ha chè đã được cấp giấy chứng nhận theo các quy trình kỹ thuật an toàn, chiếm 2,4% tổng số diện tích chè toàn tỉnh, trong đó có 60 ha được chứng nhận VietGAP; 25,96 ha chè được chứng nhận hữu cơ và 125,57 ha chè được chứng nhận RA.
Toàn tỉnh có 92 cơ sở chế biến chè, trong đó có 23 công ty doanh nghiệp, hợp tác xã và 69 cơ sở chế biến nhỏ lẻ tập trung nhiều ở thành phố Lai Châu và huyện Tân Uyên. Một số doanh nghiệp (Công ty Cổ phần trà Tam Đường, Công ty Cổ phần trà Than Uyên...) đã đầu tư công nghệ chế biến sâu, với các sản phẩm đóng gói tiêu thụ trực tiếp ra thị trường như: Trà Ô long, Matcha, Sencha, Đông Phương Mỹ Nhân, Hồng trà, trà xanh... (chiếm khoảng 5% tổng sản lượng toàn tỉnh), còn lại là sản phẩm trà xanh sao lăn chủ yếu chế biến thô, xuất bán cho đơn vị khác ngoài tỉnh để đóng gói, chế biến, tiêu thụ.
Về công tác quản lý vùng nguyên liệu, thời gian qua các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương giải pháp kỹ thuật để quản lý vùng nguyên liệu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị chè.
Trong điều kiện giá vật tư nông nghiệp tăng cao, đã phối hợp tuyên truyền và hướng dẫn nông dân sản xuất kỹ thuật sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, tăng sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ bằng các phụ phẩm nông nghiệp để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản và sản phẩm chè. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, tập huấn; thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh buôn bán vật tư nông nghiệp, tổ chức lấy mẫu phân tích chất lượng thuốc bảo vệ thực vật; đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm, đặc biệt các trường hợp buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng...
Phát biểu tại cuộc họp, các đồng chí tham dự dành nhiều thời gian để lắng nghe thành viên Chi hội chè Lai Châu báo cáo về công tác hoạt động trong thực hiện quy chế, hỗ trợ đầu tư, phát triển, quản lý trong xây dựng, phát triển sản phẩm chè, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị.
Đồng thời, UBND các huyện, thành phố Lai Châu báo cáo về diện tích chè hiện có, kết quả thực hiện năm 2022; các tổ chức, cá nhân đang thu mua, chế biến chè trên địa bàn; việc tuân thủ các cơ sở pháp lý; thực hiện hợp đồng liên kết; công tác hỗ trợ chăm sóc, quản lý, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, đề xuất các giải pháp. Đại diện lãnh đạo các sở, ngành cũng đã đề xuất với UBND tỉnh Lai Châu về các giải pháp trong quản lý, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè, xây dựng các tiêu chuẩn thực hiện; định hướng phát triển các sản phẩm chè trong thời gian tới đảm bảo tiếp cận được các thị trường trong và ngoài nước; đảm bảo các quy định của pháp luật và phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: Cây chè là sản phẩm có lợi thế, có dư địa và tiềm năng để phát triển thành sản phẩm có giá trị của tỉnh Lai Châu; bên cạnh những chính sách dẫn dắt của tỉnh Lai Châu, các hộ trồng chè đã gắn bó rất thủy chung, đồng hành với tỉnh Lai Châu để cây chè phát triển một cách bền vững, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tạo nên nét văn hóa rất riêng cho Lai Châu. Ông ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các tổ chức, cá nhân đã góp phần quan trọng vào sự hình thành và phát triển cây chè trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của một số tỉnh có vùng nguyên liệu lớn để quản lý và nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè, quản lý thâm canh theo hướng an toàn.
Lập đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra tổng thể lại quá trình phát triển cây chè trên địa bàn tỉnh về: Toàn bộ quy trình, tiêu chuẩn, kỹ thuật sản xuất, thâm canh; tổ chức liên kết hình thành vùng nguyên liệu; hợp đồng liên kết, thu mua, chế biến; công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
Đối với Chi hội chè Lai Châu phối hợp với chính quyền địa phương mở rộng thành viên tham gia. Các sở, ngành tăng cường phối hợp hướng dẫn các địa phương, các doanh nghiệp chè của tỉnh đẩy mạnh áp dụng và tuân thủ quy trình kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm vào sản xuất, chế biến chè (VietGap, hữu cơ...); xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ chuyển giao ứng dụng, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường…