|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Đàn dê sinh sản đến với hộ nghèo ở Khoen On

30 hộ dân nghèo người dân tộc Thái ở bản Sàng, bản Đốc, xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã được nhận hỗ trợ dê giống để phát triển sản xuất.

Niềm vui về với bản nghèo Khoen On

"Mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nghị các vật nuôi, cây trồng mới thay thế cây có chứa chất ma túy tại tỉnh Lai Châu - Mô hình chăn nuôi Dê sinh sản" do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Chi Cục phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu thực hiện. Theo đó, trong năm 2022 chương trình trao dê sinh sản không hoàn lại cho 30 hộ dân nghèo thuộc vùng III ở 2 bản Sàng và Đốc, xã Khoen On. Ngoài việc trao dê giống, các hộ dân còn được tập huấn về kĩ thuật chăn nuôi dê. 30 hộ dân nghèo đã được nhận dê sinh sản về nuôi. Sau gần một tháng triển khai, chương trình hỗ trợ dê giống như tiếp sức cho bản nghèo vườn lên. 

Bản Sàng nằm bên lòng hồ thủy điện Bản Chát đẹp như một khu nghỉ dưỡng. Non xanh, nước biếc thủy tú khiến ai lần đầu đến bản cũng phải cảm khái trước vẻ đẹp thoát tục ở nơi đây. Trái với khung cảnh hữu tình đó, cuộc sống của bà con người dân tộc Thái lại đang gặp muôn vàn khó khăn. Đất sản xuất đã chìm cả dưới lòng hồ. Do vậy, nhiều năm qua bà con phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi kiếm việc. Gia đình nào lo đủ cái ăn, không bị đói đã là một sự thành công. Việc đầu tư, mở rộng sản xuất với nhiều hộ dân nơi đây nằm ngoài khả năng của họ. Nhưng từ khi, một số hộ dân nghèo nơi đây nhận được hỗ trợ dê giống, niềm vui đến với bản nghèo được nhân lên.

Đàn dê sinh sản đến với hộ nghèo ở Khoen On  - Ảnh 1.

Gia đình anh Sự ở bản Sàng, xã Khoen On được nhận 3 con dê giống. Sau gần 1 tháng chăn nuôi, 3 con dê phát triển tốt. (Ảnh: Xuân Tuấn)

Từ hôm gia đình anh Lò Văn Sự, ở bản Sàng, xã Khoen On được nhận 3 con dê giống về chăm sóc, cả nhà anh như vui hơn. Trước đó, anh đã làm chuồng trại sạch sẽ để nuôi dê. Đầu giờ chiều, anh thả chúng lên đồi. Tối chúng tự trở về nhà, anh cho chúng ăn thêm ngô và cỏ. Anh còn cẩn thận lắp cái chuông nhỏ lên cổ con dê mẹ để chúng đi đến đâu, anh cũng tìm được. Vợ chồng anh Sự có 2 đứa con, hiện 2 cháu đang học ở trường nội trú. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên gia đình anh không có vốn đầu tư sản xuất. "Sau 2 tuần chăn thả, đàn dê lớn nhanh. 2 đứa con trai của tôi rất thích đi theo đàn dê lên đồi. Chúng coi 3 con dê này như là thành viên trong gia đình vậy", anh Sự chia sẻ.

Buổi chiều miền sơn cước vắng hoe, vắng hắt. Đâu đó bên triền đồi, tiếng mõ trâu kêu lốc cốc, tiếng leng keng của đàn dê xuống núi như sua tan cái tĩnh mịch nơi miền sơn cước. Các hộ dân được nhận dê từ chương trình coi đây là cơ hội để vươn lên trong cuộc sống. Cũng giống như gia đình anh Sự, gia đình anh Châu Văn Minh ở bản Sàng được hỗ trợ 3 con dê. Cả gia đình anh tập trung chăm sóc chúng. Ngày ngày nhìn đàn dê đi ăn trên núi, anh phấp phỏng mừng thầm. Chỉ sau 1 năm nữa thôi, 3 con dê mẹ này  sẽ sinh ra cả một đàn dê con. Ngày nắng anh thả dê lên núi. Ngày mưa vợ chồng anh không thả dê mà cắt lá cây về cho chúng ăn.

Đàn dê sinh sản đến với hộ nghèo ở Khoen On  - Ảnh 2.

Các hộ nghèo ở xã Khoen On được nhận dê giống từ chương trình hỗ trợ do Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Cục phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu thực hiện.

Đến thăm các hộ dân được hỗ trợ dê giống ở 2 bản Sàng và bản Đốc mới cảm nhận được niềm vui của bà con người Thái nơi đây. Bao năm qua, bản Thái vật lộn với việc mưu sinh và tệ nạn ma túy. Nhiều gia đình hầu như kiệt quệ, không có tiền đầu tư sản xuất. Chương trình hỗ trợ dê giống đến với bản nghèo như trao cho họ cơ hội để phát triển sản xuất. Đây cũng là món quà đầy ý nghĩa với các gia đình nghèo.  

Khoen On thêm cơ hội thoát nghèo

Khoen On là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Than Uyên. Nơi đây còn là điểm nóng về tình trạng sử dụng chất ma túy. Bà con người Thái đã từng phải nhường đất cho thủy điện Bản Chát. Hầu hết đất ruộng lúa đã chìm dưới lòng hồ. Các hộ dân đều thuộc diện di dân vén. Do vậy, trong suốt những năm qua, bà con người Thái gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất. Nhiều người đã phải bỏ xứ đi làm ăn xa. Những hộ ở lại bản Thái vốn quen với việc làm ruộng nước, nay phải chuyển sang tra lúa nương, trồng ngô trên núi gặp không ít khó khăn.

Đàn dê sinh sản đến với hộ nghèo ở Khoen On  - Ảnh 3.

Niềm vui đã đến với bản nghèo ở Khoen On. Nhiều hộ dân nhận được hỗ trợ dê sinh sản. Đây là cơ hội để họ vươn lên trong cuộc sống.

Chương trình hỗ trợ 30 hộ dân ở bản Đốc và bản Sàng là sự tiếp sức kịp thời nhằm giúp bà con có thêm công ăn việc làm. Nói như ông Châu Văn Mới, nguyên trưởng bản Sàng, đất đai ở bản Sàng còn nhiều, nhưng chủ yếu là diện tích rừng tái sinh.Trồng cây lương thực gặp nhiều khó khăn. Nó phù hợp với việc chăn nuôi gia súc hơn là trồng cấy. Do vậy, dự án hỗ trợ bà con giống dê là rất phù hợp.

Ông Mới là người có kinh nghiệm chăn nuôi dê từ nhiều năm nay. Bản thân gia đình ông có đàn dê hơn chục con. Từ khi bà con trong bản đưa dê về nuôi, ông Mới cũng rất tận tình đến từng nhà chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê cho bà con. Không dừng lại ở đó, ông còn san sẻ bãi chăn thả của gia đình cho bà con. "Con dê 1 năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con. Nếu như các hộ chịu khó chăm sóc đàn dê, chẳng mấy chốc, chúng sẽ phát triển nhanh chóng. Con dê rất dễ bán, chỉ sau 6 tháng, đến 1 năm, một con dê có thể mang lại cho người nuôi đôi triệu đồng, tương đương nửa tấn ngô", ông Mới cho biết.

Đàn dê sinh sản đến với hộ nghèo ở Khoen On  - Ảnh 4.

Mục tiêu của Chương trình hỗ trợ dê giống cho người nghèo nhằm tăng thu nhập các hộ nghèo người dân tộc thiểu số. Trang bị các kiến thức khoa học về chăn nuôi; giúp bà con thuộc hộ nghèo định hướng, mạnh dạn hơn trong đầu tư phát triển sản xuất, từng bước mang lại hiệu quả thiết thực, làm ăn có hiệu quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế và giảm nghèo bền vững và thay thế cây có chứa chất ma túy trong dài hạn và đảm bảo tính bền vững của công tác xóa bỏ cây có chứa chất ma túy tại địa phương.

Quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo nhận dê giống luôn được anh Tòng Văn Chiến, cán bộ phụ trách nông nghiệp và địa chính xã Khoen On coi là nhiệm vụ phải làm tốt. Bà con đã nhận dê về nuôi được gần một tháng, anh thường xuyên gọi điện hỏi thăm. Gia đình nào gặp khó khăn về kĩ thuật nuôi dê, cứ gọi điện đến anh đều được anh giải đáp tận tình. Anh Chiến chia sẻ: "Bàn giao dê giống cho họ xong mới chỉ hoàn thiện về thủ tục. Làm sao giúp bà con nhân đàn dê giống này lên nhiều hơn nữa mới là điều đáng bàn. Bà con nhận dê giống đều thuộc diện hộ nghèo. Bản thân tôi nỗ lực giúp bà con tận dụng tốt cơ hội này để vươn lên", anh Chiến chia sẻ.

Không chỉ hỗ trợ dê giống, chương trình còn nhắm tới mục đích sâu xa hơn, từng bước xóa bỏ tụ điểm về sử dụng ma túy. Chương trình tiếp tục hỗ trợ các hộ dân phát triển sản xuất, tiếp cận với vật nuôi mới để ổn định đời sống, tạo việc làm tăng thu nhập và thay thế cây có chứa chất ma túy trong dài hạn và đảm bảo tính bền vững của công tác xóa bỏ cây có chứa chất ma túy. Mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân ra diện rộng, từng bước chuyển đổi tư tưởng, nhận thức của người dân về sản xuất, về pháp luật, hạn chế và xóa bỏ dần việc trồng cây có chứa chất ma túy.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin