|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Người dân có việc làm, thu nhập ổn định từ cây cao su

Diện tích cây cao su khai thác mủ năm sau cao hơn năm trước, Công ty CP.Cao su Lai Châu đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động ở Lai Châu.

Phát triển cao su cả về khối lượng và chất  lượng

Cây cao su bắt đầu được đưa vào trồng ở Lai Châu từ năm 2008 và tăng dần diện tích qua các năm. Đến nay, toàn tỉnh Lai Châu có khoảng 13.000ha cao su, trong đó diện tích của Công ty CP Cao su Lai Châu lên đến hơn 6700ha. Qua hơn 10 năm bén rễ trên đồng đất Lai Châu, cây cao su đã góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Lò Văn Thương – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Lai Châu, cho biết: "Trải qua nhiều thăng trầm, cây cao su đã dần khẳng định được vị thế trên đồng đất Lai Châu và trong đời sống của đồng bào các dân tộc thuộc vùng trồng cao su. Năm 2018, Công ty bắt đầu đưa vào khai thác mủ đối với diện tích cây cao su trồng năm đầu tiên.

Lai Châu: Người dân có việc làm, thu nhập ổn định từ cây cao su - Ảnh 1.

Công ty CP Cao su Lai Châu quản lý hơn 6700ha cao su, trong đó có gần 5500ha đã đưa vào khai thác mủ. (Ảnh: Thanh Ngân)

Và cũng từ đó đến nay, diện tích cao su đưa vào khai thác mủ của Công ty năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, đã có gần 5500ha cao su được đưa vào khai thác mủ. Diện tích cao su đưa vào khai thác mủ tăng lên, kéo theo lượng lớn lao động trong vùng trồng cao su có việc làm và thu nhập ổn định. Hiện Công ty CP cao su Lai Châu có gần 1000 công nhân, chủ yếu là người dân tộc".

Về các xã: Nậm Tăm, Ma Quai, Noong Hẻo... của huyện Sìn Hồ (Lai Châ) chúng tôi được "mục sở thị" những đồi cao su tươi tốt, đang trong kỳ khai thác mủ. Từng chiếc ca nhựa được buộc ngay ngắn trên thân cây cao su, lặng lẽ hứng từng dòng mủ trắng chảy vào. Thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh những người nông dân tất tả chở những bao mủ trắng về điểm tập kết.

Lai Châu: Người dân có việc làm, thu nhập ổn định từ cây cao su - Ảnh 2.

Công ty CP Cao su Lai Châu tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. (Ảnh: Thanh Ngân)

Khệ nệ bê bao mủ tươi từ trên xe máy xuống bãi tập kết, chị Tẩn Thị Dậu, dân bản Nậm Ngập (xã Nậm Cha, huyện Sìn Hồ) hồ hởi nói: "Năm 2012, tôi xin vào làm công nhân Nông trường Cao su Nậm Tăm, thuộc Công ty CP Cao su Lai Châu. Thời điểm đó, công việc chính của tôi là chăm sóc vườn cây, bón phân, làm cỏ. Lương hàng tháng của tôi trong những năm đó khá thấp, vì ít việc làm. Năm 2018, tôi bắt đầu được giao một phần cây cao su để cạo mủ. Từ khi chuyển sang cạo mủ cao su, tôi được Công ty trả lương cao hơn. Hiện nay, tôi được giao cạo mủ ở 3 phần cây cao su. Đi cạo mủ cao su tuy phải dậy sớm, song thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa, trồng ngô. Bình quân mỗi tháng tôi được trả lương khoảng 6 triệu. Nhờ làm cao su mà đời sống của gia đình tôi khá giả hơn".

Cây cao su tạo việc làm, tăng thu nhập

Không giống như chị Dậu, anh Lý A Sảng, bản Nậm Cha (xã Nậm Cha) xin vào làm công nhân Nông trường Cao Su Nậm Tăm mới được hơn 1 năm nay. Anh Sảng vui vẻ cho biết: "Gia đình tôi góp hơn 5ha đất trồng cao su. Năm 2020, tôi mới xin vào làm công nhân Nông trường cao su Nậm Tăm, thuộc Công ty CP Cao su Lai Châu và được giao 4 phần cây cao su để cạo mủ. Cạo mủ cao su khá nhàn, chủ yếu là cạo vào sáng sớm. Ngày nào tôi cũng dậy sớm để đi cạo mủ cao su. Làm công nhân cạo mủ cao su, tôi được Công ty trả lương theo sản phẩm, mỗi tháng cũng được từ 6 – 7 triệu đồng".

Lai Châu: Người dân có việc làm, thu nhập ổn định từ cây cao su - Ảnh 3.

Lương bình quân của công nhân Công ty CP Cao su Lai Châu đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trò chuyện với phóng viên, anh Võ Trọng Giáp – Giám đốc Nông trường Cao su Nậm Tăm cho hay: "Nông trường Cao su Nậm Tăm được giao quản lý hơn 1300ha cao su, trong đó có hơn 700ha đã cho mủ. Nông trường có tổng số hơn 220 công nhân, trong đó có 177 công nhân khai thác mủ. Bất kỳ công nhân nào trước khi được giao phần cây cạo mủ cũng được tập huấn kĩ thuật. Cán bộ kĩ thuật của Nông trường thường xuyên lên đồi kiểm tra, nhắc nhở công nhân cạo đủ nhát, đúng kĩ thuật. So với công nhân chăm sóc diện tích cao su thời kì kiến thiết cơ bản, thì công nhân khai thác mủ có mức lương cao hơn, bình quân khoảng 7,5 triệu đồng/tháng. Nông trường Cao su Nậm Tăm luôn đứng đầu Công ty CP Cao su Lai Châu về sản lượng mủ và mức lương của công nhân".

Lai Châu: Người dân có việc làm, thu nhập ổn định từ cây cao su - Ảnh 4.

Người dân Lai Châu có việc làm, thu nhập ổn định từ cây cao su. (Ảnh: Thanh Ngân)

Theo ông Thương, ngoài tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm công nhân, Công ty CP Cao su Lai Châu cũng đã thực hiện chi trả 10% giá trị sản phẩm cao su cho người dân góp đất trồng cao su. Năm 2021, công ty bắt đầu mở cạo mùa cạo mới toàn bộ diện tích khai thác từ ngày 1/4. Trước đó, Công ty đã tiến hành chia phần cạo cho công nhân các nông trường, thiết kế miệng cạo, trang bị vật tư cho vườn cây mở mới và cây cạo dặm. Sản lượng ước thực hiện trong 9 tháng đầu năm đạt 3600 tấn mủ quy khô, đạt 60% kế hoạch Tập đoàn giao. Mức lương bình quân của công nhân trong Công ty CP Cao su Lai Châu đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin