|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm đống nghề, một nông dân ở Sơn La thu tiền tỷ

Làm đống nghề, nhưng một nông dân ở Sơn La vẫn bỏ túi tiền tỷ mỗi năm. Đó là ông Trần Như Kiên, hội viên chi hội nông dân bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu (Sơn La).

Cũng như nhiều hộ nông dân khác, trước đây, gia đình ông Kiên trồng ngô, khoai, sắn để xoá đói - giảm nghèo. Tuy nhiên, canh tác giống cây lương thực này vừa vất vả mà hiệu quả kinh tế lại chẳng được bao nhiêu. 

Nhận thấy cuộc sống gặp nhiều khó khăn, ông Kiên nhiều đêm trăn trở hướng làm kinh tế. Năm 2006, nghe nhiều người bảo muốn giàu thì nuôi lợn. Sau đó, ông Kiên mua 2 con lợn nái cao sản về nuôi. Nhưng do không nắm được kỹ thuật chăn nuôi nên đàn lợn cứ chết dần, chết mòn. Không nản chí, ông Kiên tiếp tục tìm mua lợn của người dân địa phương về nuôi, nhưng cũng chỉ được một thời gian, đàn lợn lại lăn ra chết. Ông Kiên trắng tay và lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Làm đống nghề, một nông dân ở Sơn La thu tiền tỷ - Ảnh 1.

Hiện, ông Kiên có 7ha nhãn chín muộn Miền Thiết đang cho thu hoạch. Ảnh: Tuệ Linh.

Qua tìm hiểu, ông Kiên nhận ra nguyên nhân thất bại trong nuôi lợn là do chưa học đã hành. Nghĩa là chưa nắm được kỹ thuật chăn nuôi lợn mà vẫn lao đầu vào nuôi lợn. Để có kiến thức và kinh nghiệm, ông Kiên quay về Hà Nam học hỏi kỹ thuật làm chuồng trại, phòng bệnh, cách thức cho ăn cho đàn lợn tại một số trang trại lớn.

"Tôi đi học mất đúng một tháng. Trong thời gian học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi lợn, tôi quên hết cả bố mẹ, người thân. Mang tiếng trở về quê nhưng trong suốt thời gian đó tôi ăn, ngủ, nghỉ, chơi với anh em ở các trại lợn. Bố mẹ, vợ con bực bội và bảo đi đâu suốt cả tháng trời mà không liên lạc. Nhưng họ có hiểu được mình đang nghĩ gì đâu", ông Kiên thổ lộ.

Ông Kiên cho biết: Năm 2008, sau khi trau dồi được kiến thức, kinh nghiệm, tôi tìm đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Yên Châu vay 300 triệu đồng. Thời điểm đó, vay 300 triệu là cả một vấn đề. Tôi như ngồi trên đống lửa vì sợ lại thất bại một lần nữa. Tuy nhiên, với kiến thức có được đã củng cố thêm niềm tin cho tôi.

Làm đống nghề, một nông dân ở Sơn La thu tiền tỷ - Ảnh 2.

Nhờ nuôi lợn, mỗi năm, ông Kiên bỏ túi cả tỷ đồng. Ảnh: Tuệ Linh.

Ông Kiên đầu tư xây dựng lại chuồng trại, mua 10 con lợn nái và gần 100 con lợn thịt về nuôi. Nhờ được chăm sóc theo hướng an toàn sinh học, đàn lợn của vợ chồng ông Kiên luôn sinh trưởng và phát triển rất tốt. Tin vui là khi 10 con lợn nái đẻ lứa đầu tiên cũng là lúc ông Kiên xuất bán lứa lợn thịt ra thị trường. Năm 2009, sau khi trừ chi phí, ông Kiên lãi gần 700 triệu đồng.

Tiếp đà thắng lợi, ông Kiên dùng số tiền lãi tái đầu tư để tăng đàn lợn nái lên 40 con và lợn thịt lên 500 con. Năm 2010, ông Kiên lãi 1,5 tỷ đồng. Năm 2013, ông Kiên có 150 con lợn nái và trên 1000 con lợn thịt.

Để nâng cao thu nhập cho gia đình, ngoài nuôi lợn, ông Kiên còn trồng 7ha nhãn chín muộn Miền Thiết và hơn 1ha xoài tượng da xanh theo hướng hữu cơ và hàng trăm con gà Đông Tảo. 

Làm đống nghề, một nông dân ở Sơn La thu tiền tỷ - Ảnh 3.

Không chỉ nuôi lợn, trồng cây ăn quả, ông Kiên còn nuôi hàng trăm con gà Đông Tảo. Ảnh: Tuệ Linh.

Trong quá trình sản xuất, ông Kiên luôn tự nhắc nhở mình làm sao phải tạo ra sản phẩm an toàn ra thị trường, có như vậy mới bền vững được. Đối với diện tích nhãn và xoài, ông Kiên chăm sóc theo phương thức hữu cơ. Đó là dùng hạt ngô, hạt đỗ tương, lõi ngô nghiền và sử dụng phân chuồng ủ hoai mục bằng men vi sinh để bón cho cây trồng. Lưu ý, phân chuồng phải ủ thấp nhất là 60 ngày trở ra mới sử dụng được.

Theo ông Kiên, qua tìm hiểu, lá khô giữ độ ẩm rất tốt cho cây. Năm tháng qua đi, lá phân huỷ tạo ra nguồn phân hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho cây. Vì vậy, vườn cây ăn quả của gia đình luôn phủ đầy lá cây quanh gốc.

Làm đống nghề, một nông dân ở Sơn La thu tiền tỷ - Ảnh 4.

Mỗi năm, đàn gà Đông Tảo đem lại thu nhập khoảng 50 triệu đồng cho gia đình ông Kiên. Ảnh: Tuệ Linh.

Ông Kiên cho biết thêm: Nếu không biết tận dụng những thứ có sẵn thì chi phí đội lên rất lớn. Ví dụ, ra ngoài mua 1kg phân hết 10.000, nhưng mình sản xuất ra chỉ hết 3.000. Trong khi đó nguồn nguyên liệu ở địa phương như lõi ngô, mùn ngô bà con đổ đầy ra đường không biết sử dụng, rất lãng phí. Phân gia súc đầy, công việc của mình chỉ cần mua một ít men vi sinh về ủ là có phân hữu cơ sử dụng.

Năm 2020, số tiền lãi từ chăn nuôi lợn, gà Đông Tảo và vườn cây ăn quả của ông Kiên đạt trên 12 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, ông Kiên thu được 2,5 tỷ đồng từ bán lợn và hơn 100 triệu đồng từ bán xoài.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu, cho biết: Hội viên Hội Nông dân Trần Như Kiên không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn giúp đỡ các hộ gia đình hội viên nông dân khó khăn khác trong bản, xã về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Bên cạnh đó, ông Kiên còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với mức lương từ 4,5 triệu/tháng và từ hàng chục đến hàng trăm lao động thời vụ.

Bằng sự nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi của mình trong phát triển kinh tế, nhiều năm liền ông Kiên được các cấp, các ngành tặng Bằng khen, Giấy khen về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp đỡ hội viên nông dân xoá đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động địa phương.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin