Lão nông vùng cao làm theo lời Bác
Không chấp nhận đói nghèo, nỗ lực tìm hướng phát triển kinh tế để làm giàu là học và làm theo lời Bác. Với tâm niệm đó, ông Cà Văn Thành, bản Pú Luông, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) đã năng động trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo chân Hội Nông dân xã Mường Bú, chúng tôi đến trang trại nuôi bò sinh sản và vỗ béo của gia đình ông Cà Văn Thành - một trong những nông dân tiêu biểu được tuyên dương trong việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" của xã Mường Bú.
"Là hội viên nông dân, hàng năm được tham dự các hội nghị triển khai, quán triệt các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tôi nhận thức được việc học tập và làm theo Bác không khó, phải bằng những hành động cụ thể. Từ đó, tôi xác định phải quyết tâm tạo ra giá trị cao nhất trên mảnh đất sản xuất của gia đình bằng sự lao động sáng tạo của mình", ông Thành nói.
Kể về buổi đầu lập nghiệp, ông Thành cho biết: Năm 2000, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của xã, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi gần 1 ha đất ruộng không hiệu quả sang trồng cỏ voi để phục vụ chăn nuôi. Với số vốn ban đầu của gia đình cùng vốn vay từ ngân hàng, người thân, bạn bè, ông đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò sinh sản, vỗ béo kết hợp cải tạo, trồng cây ăn quả trên đất dốc.
Những năm đầu do vốn ít, lại chưa có kinh nghiệm nên lời lãi chẳng được bao nhiêu. Vừa làm vừa tích lũy, ông Thành học hỏi kinh nghiệm từ những gia đình làm ăn có hiệu quả trong xã và các vùng lân cận, đồng thời nghiên cứu, tham khảo qua các tài liệu để áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt.
"Nhận thấy việc nuôi bò vỗ béo và bò sinh sản dễ đạt kết quả và đem về hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, năm 2014, từ số vốn tích góp được, gia đình tôi đầu tư mở rộng chuồng trại, nuôi bò sinh sản và vỗ béo với quy mô thường xuyên 12 bò đực giống lai Sind và 5-6 bò cái sinh sản", ông Thành nói.
Theo kinh nghiệm của ông Thành, để nuôi bò vỗ béo đạt kết quả thì việc chọn con giống và cách chăm sóc là yếu tố quyết định. Khi chọn bò giống, phải chọn bò đực giống khoảng 10 - 12 tháng tuổi, mập mạp, lưng bò rộng để nuôi, khi lớn bò mới có thịt bán giá cao, nuôi thời gian khoảng 6 - 8 tháng sẽ xuất bán.
Còn đối với bò sinh sản, để đạt hiệu quả cao ông có phương pháp chăn nuôi khác, ông Thành Cho biết: Muốn chăn nuôi bò sinh sản có hiệu quả thì phải chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh. Trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phải chú ý đến khẩu phần ăn của bò, định kỳ tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn bò.
"Mỗi tháng chi phí đầu tư cho một con bò ăn khoảng 500.000 đồng. Sau 6 – 8 tháng nuôi, mỗi con bò xuất bán ở mức 20 – 25 triệu đồng/con. Sau khi trừ các chi phí, con giống, thức ăn, còn lãi khoảng 7–8 triệu đồng mỗi con. Bò sinh sản mỗi năm gia đình tôi xuất bán 5 con bê với giá từ 10-12 triệu đồng/con. Nhờ nuôi chăn nuôi bò số lượng lớn, khoa học, mỗi năm gia đình tôi thu lãi từ 120 đến trên 150 triệu đồng" - ông Thành nói.
Toàn bộ chất thải từ chăn nuôi, gia đình ông ủ hoai mục, làm phân bón cho hơn 600 gốc cây ăn quả và diện tích trồng cỏ của gia đình. Mỗi năm, vườn cây ăn quả cho gia đình ông thu nhập từ 30-40 triệu đồng.
Nhờ có kinh nghiệm, ông Thành cùng nhiều hộ dân trên địa bàn thường xuyên hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ kỹ thuật tỉa cành, bón phân, chăm sóc từng loại cây ăn quả theo từng giai đoạn, chiết ghép cây giống chất lượng để mở rộng diện tích trồng đến việc hỗ trợ nhau tiêm phòng, khử trùng, phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi tránh dịch bệnh lây lan.
Ông Lò Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) cho biết: Những đóng góp của ông Cà Văn Thành không chỉ phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, mà còn tạo chuyển biến tích cực trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Ông Thành xứng đáng là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn.