Liên kết phát triển nuôi cá vùng lòng hồ thủy điện Sơn La
Xã Mường Trai có gần 1.300 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La. Người dân trong xã liên kết thành lập HTX, Tổ hợp tác đầu tư phát triển nuôi cá...
Liên kết người chăn nuôi cá để tạo thành sức mạnh
Chúng tôi đến thăm Tổ hợp tác nuôi cá lồng xã Mường Trai khi các thành viên đang bận rộn chăm sóc đàn cá.
Ông Lù Văn Khánh, thành viên Tổ hợp tác nuôi cá lồng Mường Trai, chia sẻ: Tôi tham gia Tổ hợp tác nuôi cá lồng từ nhiều năm nay. Hiện gia đình tôi có 6 lồng cá, chủ yếu nuôi cá rô, tre, trắm, chép… Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu từ 3-4 tấn cá các loại. Ngoài nuôi cá lồng, gia đình tôi còn nuôi 2 lồng ếch trên lồng cá, với hơn 1.5000 con. Nhờ vậy, đã góp phần mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình.
“Trước đây, khi mới tích nước lòng hồ, bà con chỉ nuôi quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chủ yếu là để phục vụ sinh hoạt gia đình, chưa chú trọng đến việc nuôi cá theo hướng hàng hóa. Bây giờ tham gia tổ hợp tác, các thành viên trong Tổ hợp tác chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ tìm đầu ra sản phẩm nên rất yên tâm”. Ông Khánh nói.
Được biết, năm 2019, cả 22 hộ dân đã liên kết để thành lập Tổ hợp tác nuôi cá lồng xã Mường Trai. Hiện Tổ hợp tác có 80 lồng cá, sản lượng đạt trên 100 tấn cá/năm. Các thành viên trong Tổ hợp tác chủ yếu nuôi cá trắm, lăng, chép, rô phi… Để có kinh nghiệm nuôi cá, các thành viên của Tổ hợp tác đã đi tham quan các mô hình nuôi cá ở các địa phương khác và tham gia các lớp tập huấn về nuôi cá lồng do huyện, tỉnh tổ chức.
Từ đó, giúp các thành viên trong Tổ hợp tác có thêm kiến thức, kỹ năng cách chăm sóc, nhận biết các loại bệnh ở cá, có biện phòng bệnh cho cá hiệu quả. Giúp các thành viên biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên đàn cá sinh trưởng phát triển tốt, nhiều thành viên thu nhập ổn định.
HTX, tổ hợp tác phát huy sức mạnh chăn nuôi cá
Anh Lò Văn Phương, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cá lồng xã Mường Trai, cho biết: việc thành lập Tổ hợp tác nuôi cá lồng xã Mường Trai, không chỉ giúp các thành viên có đầu ra ổn định mà trong quá trình nuôi cá lồng các thành viên còn được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Nhờ vậy, cá luôn phát triển tốt, năng suất, chất lượng cao và được nhiều người ưa chuộng.
Để cá sinh trưởng phát triển tốt, các thành viên chủ yếu tận dụng thức ăn có sẵn như cỏ, ngô, sắn, cây chuối nên thịt cá săn chắc, thơm ngon và được khách hàng ưa chuộng, được các thương lái đến tận nơi để thu mua.
Ông Lèo Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Mường Trai, cho biết: Những năm qua, UBND xã đã tập trung chỉ đạo các hội, đoàn thể xã tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác tiềm năng lợi thế lòng hồ thủy điện Sơn La để phát triển nuôi cá lồng. Trong đó, 6 bản ven sông trên địa bàn xã Mường Trai đã phát triển nuôi trồng thủy sản, với 550 lồng cá. Trong số này, Công ty cá tầm có 273 lồng; còn lại là của HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Trai và các hộ dân trên địa bàn xã.
Bên cạnh đó, xã đã vận động các hộ gia đình liên kết thành lập tổ hợp tác, HTX nuôi trồng thủy sản và HTX chăn nuôi, nhằm giúp đỡ nhau phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Có thể thấy việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La đã và đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống và sản xuất bền vững, lâu dài cho người dân vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.