Loài gà trong sách đỏ có thịt thơm, ngon, người dân vô tư nuôi và buôn bán
Gà Móng là niềm tự hào cũng như sinh kế của nhiều hộ dân tại xã Tiên Phong (nay là xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Dù nằm trong sách đỏ nhưng gà Móng là loài vật không bị cấm nuôi, buôn bán, vận chuyển theo quy định về bảo tồn theo cách mới.
Gà Móng gắn liền với người dân Tiên Phong (nay thuộc xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam) từ xa xưa. Sở dĩ có tên là Móng vì giống gà này là “bản địa”, được người dân nơi đây phát hiện và nhân giống từ thôn Móng. Cũng nhờ đó, gà Móng được gìn giữ và bảo tồn gen quý và thuần chủng cho đến bây giờ.
Trao đổi với phóng viên Trang Trại Việt, ông Lê Đức Thủy - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tiên Phong, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gà Móng Tiên Phong (nay là xã Tiên Sơn) cho biết, đàn gà Móng bố mẹ tại Tiên Phong phát triển rất mạnh, cao điểm lên đến 30.000 con.
“70% hộ dân tại Tiên Phong đều nuôi gà Móng, nhà nhiều nhất khoảng 7000 con. Một hộ chỉ cần nuôi 200 - 300 gà Móng bố mẹ đã có nguồn thu nhập tốt. Tuy nhiên năm vừa qua, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nên việc quảng bá, cũng như tiêu thụ sản phẩm gà Móng chưa được như kế hoạch đề ra. Thời điểm trước tết, nhiều hộ gia đình đã xuất chuồng để phục vụ nhu cầu của người dân.
Kế hoạch năm 2022 chúng tôi cố gắng tăng số lượng gà, đồng thời tổ chức nhân rộng mô hình, mở rộng đàn và chú trọng việc quảng bá. Thị trường tiêu thụ của các hộ gia đình chủ yếu là trong và ngoài tỉnh (như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nội…)”, ông Thủy nói.
Phóng viên tìm về trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Thắm (SN 1962) - người nuôi gà Móng nhiều và có kinh nghiệm nhất vùng này.
Gần 12h trưa, nhưng ông Thắm vẫn lúi húi ngoài trại gà. Bà Tuyết vợ ông Thắm gọi mãi ông mới chịu thả tay để vào ăn cơm. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thắm cho biết, gà Móng là giống gà bản địa có nguồn gen quý hiếm. Trước kia, loài gà này chưa có tên gọi, sau này người dân đặt tên là gà Móng (lấy luôn tên làng Móng).
"Gà Móng dễ nuôi, cũng chỉ ăn lúa, ngô, khoai, sắn nghiền như các loại gà khác. Cái đặc biệt của gà Móng là thịt chắc, thơm, da giòn nên rất được ưa thích, nhất là vào các dịp lễ Tết.
Tiếp xúc với gà Móng nhiều năm nên tôi hiểu rất kỹ đặc tính của giống gà đặc sản này. Tôi chọn lọc giống tốt nhất để phát triển rộng rãi. Đây là loại thả vườn nên việc bắt hay tiếp xúc gần rất khó. Cũng vì đặc trưng thả trại, không gian rộng nên chất lượng thịt thơm, ngon", ông Thắm chia sẻ.
Ông Thắm bảo, với giống này, gà trống màu đỏ tía, chân to, vảy thẳng hàng không xù xì như gà Đông Tảo (Hưng Yên), gà mái lông trắng nhạt (1 năm đẻ 6 – 7 lứa, mỗi lứa khoảng 12 quả trứng). Gà con khi mới nở bao giờ màu lông cũng trắng, chân vàng. Kẽ chân có đường viền đỏ, vảy thẳng hàng.
Gà Móng có lớp vảy khá giống gà Đông Tảo, nhưng lớp vảy của gà Móng màu đỏ, vảy cứng và xếp thằng hàng với nhau. Đây là giống gà rất thích nghi với môi trường Việt Nam, có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, phù hợp với chăn thả tự do.
"Hiện chúng tôi đang nuôi khoảng 4.000 con gà Móng. Trong đó có khoảng 1.000 con gà bố mẹ (nhằm bảo tồn gen gốc quốc gia); 3000 con thương phẩm để cung ứng thị trường. Với giá bán 140 - 160 nghìn đồng/kg, gà Móng vẫn là sự lựa chọn của nhiều người, nhiều nhà bởi chất lượng thịt ngon, thơm da giòn.
Để có chất lượng thịt tốt, ngon, việc bảo tồn nguồn gen là nhiệm vụ tôi đặt hàng đầu. Giống tốt, giống khỏe mới có sản phẩm tốt nhất. Tôi đã phải làm trại riêng, chọn kĩ gà trống và gà mái và khi có lứa gà con, tôi cũng xem xét cận thận”, ông Thắm thông tin.
Gà Móng được nuôi từ 6 đến 7 tháng mới có thể bán, trọng lượng mỗi con trung bình là 3,5 kg. Nếu chăm sóc tốt gà Móng có thể đạt 4 kg. Loại gà trống trưởng thành, có dáng đẹp, chân to, vảy xếp đều…có giá tới cả triệu đồng.
Ông N.V.D một chủ hộ nuôi gà Móng tại Tiên Phong chia sẻ, gia đình ông nuôi khoảng 200 con để chuẩn bị cung ứng cho dịp tết, tuy nhiên đến khoảng cuối năm thương lái đặt hàng gần hết. Số còn lại, gia đình ông để ăn và làm quà biếu.