|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mở rộng đầu ra cho sản phẩm vùng dân tộc thiểu số

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), bên cạnh những hỗ trợ kịp thời để triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sinh kế và thu nhập ổn định, bà con rất mong muốn được giúp sức để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Và một trong những giải pháp thiết thực chính là các lớp tập huấn, bồi dưỡng về marketing, bán hàng trực tuyến ngay tại chỗ, “bắt tay chỉ việc”, giúp đồng bào mở rộng đầu ra của sản phẩm.

Hợp tác xã (HTX) sản xuất dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn do chị Võ Thị Thi (xã Trường Sơn, Quảng Ninh) làm Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT được thành lập từ tháng 8/2023 với 14 thành viên. Trước đây, với mong muốn chuyển đổi cây trồng phù hợp, mang lại năng suất, sản lượng tốt, chị mạnh dạn thử nghiệm trồng cây sâm Bố Chính. Tự tìm tòi, tích lũy và học hỏi kinh nghiệm cùng sự hỗ trợ từ người thân, chị đã trồng thành công giống cây quý này, mang lại thu nhập ổn định và đặc biệt, các chị em khác cũng đã học hỏi, nhân rộng mô hình.
 
Đến nay, HTX được thành lập đã mang lại nhiều cơ hội hơn cho các hộ gia đình tham gia trồng cây sâm Bố Chính. Ngoài ra, HTX còn trồng các cây dược liệu khác, như: Gừng, rau má, tía tô…
 
Trăn trở lớn nhất của HTX chính là đầu ra của sản phẩm. Do thiếu máy móc chế biến nên sản phẩm thường được bán dạng thô. Riêng với sản phẩm viên sâm Bố Chính mật ong là phải đi nhờ máy móc ở nơi khác để sản xuất. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là thị trấn Nông trường Việt Trung và thị trấn Quán Hàu. HTX rất mong muốn được hỗ trợ thêm về máy móc, thiết bị để sản xuất tập trung cũng như trưng bày sản phẩm.

Một lớp tập huấn về thương mại điện tử cho HTX vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi.

Một lớp tập huấn về thương mại điện tử cho HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chị Võ Thị Thi chia sẻ: “Cuối năm 2024, HTX tham gia lớp tập huấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh về tư vấn hỗ trợ kỹ thuật chế biến sâm Bố Chính. Lớp tập huấn được tổ chức ngay tại xã Trường Sơn nên các thành viên HTX đều có thể tham gia và trực tiếp trao đổi, chia sẻ với chuyên gia. Bên cạnh được học hỏi các kỹ thuật chế biến sâm Bố Chính hiện đại, thành viên HTX còn được giới thiệu về cách thức bán hàng trực tuyến, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Những kiến thức, kỹ năng được học rất cần thiết và bổ ích, nhất là trong mở rộng thị trường, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử sau này”.
 
Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn Nguyễn Thị Mỹ Duyên cho hay, tại xã Trường Sơn đã có 2 lớp tập huấn của dự án 8 “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 dành cho các HTX trên địa bàn cuối năm 2024. Ngoài ra, còn có lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử cho các thành viên HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn.
 
Đặc biệt, HTX này còn được tham gia tập huấn cách thức thu thập thông tin và xây dựng câu chuyện thay đổi về hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong khuôn khổ thực hiện dự án 8 tại Thủ đô Hà Nội. Các lớp tập huấn đã góp phần hỗ trợ HTX thích ứng với sự đổi thay của thị trường, cập nhật kiến thức về thương mại điện tử và tăng nhận diện, thêm cơ hội mở rộng thị trường.
 
Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân-phụ nữ tỉnh Nguyễn Tiến Thành, thời gian qua, trung tâm đã phối hợp triển khai các lớp dạy nghề, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho ĐBDTTS và miền núi. Tuy nhiên, cái khó của đồng bào là sản phẩm còn nhỏ lẻ, chưa thực sự có sản phẩm tiêu biểu, có câu chuyện hấp dẫn; việc phát triển chuỗi sản xuất ở vùng ĐBDTTS và miền núi còn gặp nhiều thách thức, nhất là ở khâu đầu ra. Vì vậy, mặc dù có sự tập huấn, bồi dưỡng về quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.
 
Các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho ĐBDTTS và miền núi về quảng bá, marketing sản phẩm là rất cần thiết, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho bà con, nhất là thông qua thương mại điện tử. Thời gian tới, vẫn cần có sự quan tâm hơn đến thời gian “hậu tập huấn”, bởi việc ứng dụng vào thực tiễn không hề đơn giản, đòi hỏi cần sự hỗ trợ tích cực cho bà con, nhất là trong việc nhân rộng cách làm hay, mô hình điểm, thúc đẩy quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
M.N

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin