Một số kinh nghiệm trồng hoa từ hạt giống bạn nên biết
Hầu hết các bạn khi mua hạt giống hoa đều băn khoăn không biết các loại hoa này có nảy mầm hay không? Có ra hoa được đẹp như trong hình không? Rất nhiều người yêu hoa muốn tự tay ươm trồng nâng niu cây hoa từ hạt giống đến lúc trưởng thành cây kết nụ đơn hoa – hạnh phúc thật bình dị mà ý nghĩa.
Và các bạn có thể mới trồng lần đầu nên vẫn chưa có kinh nghiệm trồng hoa từ hạt giống? Bài viết sau đây tổng hợp hướng dẫn kinh nghiệm trồng hoa từ hạt giống giúp các bạn không còn bỡ ngỡ và chăm bón cho những chậu hoa mình một cách đẹp nhất.
Các “nguyên tắc” bên dưới áp dụng cho đa số các giống phổ biến, dễ trồng. Dĩ nhiên có nhiều giống cây “khó chịu” cần kỹ thuật riêng biệt.
Kiến thức chung nhất cho tất cả các loại hạt (được áp dụng cho những người chơi hoa hộ gia đình hoặc những người mới làm quen với cây cối)
Chuẩn bị đất gieo hạt
Nguyên tắc chung của tất cả các loại hạt khi nảy mầm là cần đất tơi xốp (để rễ có thể phun ra dễ dàng), nhiều mùn ( có nhiều chất để cây làm thức ăn).
– Thông thường có thể trộn đất màu (nên phân biệt đất màu, đất sét, đất cát) + trấu hun, trấu trắng hoặc các loại hữu cơ ủ hoai + phân hữu cơ vi sinh.
– Đất thịt sẽ cung cấp vi lượng cho cây, trấu và các chất trộn sẽ cung cấp độ phốp, thoáng và chế độ điều hòa độ ẩm thích hợp cho rễ cây phát triển. Phân hữu cơ nhớ phải để hoai mục không nên dùng phân hữu cơ tươi sống vì dễ làm cho cây bị bệnh,
– Hiện tại trên thị trường có những loại đất chuyên dùng để gieo hạt như: Tribat hoặc Sài gòn.
Ngâm ủ hạt (tác dụng phá ngủ nghỉ, kích thích hạt nảy mầm) có các cách sau:
– Đối với những hạt dễ nảy như một số hạt rau cải chỉ cần vãi ra ruộng, tưới nước đủ ẩm là hạt tự nảy
– Đối với một số loại hạt khó nảy hơn có thể ngâm ủ hạt trong nước một thời gian để hạt hút no nước rồi mang ủ đến khi hạt nảy mầm thì đem gieo.
Gieo hạt giống
– Với các hạt dễ lên như một số loại hạt rau có thể rãi trực tiếp xuống đất.
– Hạt giống các loại rau gia vị như hành, ngò, hẹ, cần tây…..chúng ta cần xử lý để tăng tỉ lệ nảy mầm của hạt bằng cách, ngâm hạt trong nước có nhiệt độ khoảng 30oC-35oC ( hay là 2 sôi + 3 lạnh) trong 4-5 giờ, sau đó vớt ra trải đều hạt trên khăn giấy đã thấm nước.
Chăm sóc sau khi gieo hạt giống
– Nhiệt độ: tùy loại mà hạt cần nhiệt độ khác nhau để nẩy mầm, tuy nhiên dao động từ khoảng 20-30 độ C thích hợp cho đại đa số hạt giống. Không cần quá chú trọng đến vấn đề này vì chỉ cần che lưới là ổn.
– Độ ẩm của đất trồng: chú ý luôn đảm bảo độ ẩm cho đất, không được để đất bị khô. Bao lâu phun 1 lần thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố nơi gieo hạt (nhiệt độ, sức gió…)
– Đặt chậu hoặc khay uơm ở nơi có ánh sáng khuyếch tán (che lưới lan màu đen loại 50%), vì hạt giống cần ánh sáng để nẩy mầm, nhưng nếu cường độ quá mạnh sẽ đốt cháy hạt và làm khô chất trồng nhanh chóng.
– Thay chậu hoặc chuyển vào đất trồng: khi cây con đã lớn đến mức độ nào đó (thân đủ cứng cáp, rễ mạnh…), chúng ta có thể chuyển qua chậu to hơn hoặc chuyển xuống đất trồng trực tiếp. Nếu trước đó đã gieo hạt trong chậu to thì có thể trồng tiếp mà không cần sang chậu. Chú ý bón lót phân hữu cơ vào đất trồng.
– Bón phân: đối với cây con, hệ rễ vẫn chưa đủ mạnh để hấp thụ phân có nồng độ cao, cho nên việc dùng phân bón lá là thích hợp nhất. Thông thường chỉ nên tưới phân bón lá bằng 1/2 hoặc 2/3 nồng độ trên bao bì hướng dẫn. ( sau khi tưới phân phải tưới lại bằng nước thường). Các bạn có thể dùng lân vi sinh bón gốc khi cây cây được 3 tuần tuổi.
– Sâu bệnh: giai đoạn cây con phải chú ý quan sát thường xuyên vì rất dễ bị sâu ăn lá tấn công, ta nên phun ngừa thuốc trừ nấm, trừ sâu (dạng vi sinh) 1 tuần 1 lần. Ngoài ra cũng chú ý đất trồng không được để úng tránh cây bị thối.
Thú vui trồng hoa, cây cảnh trong gia đình thường được nhiều người lựa chọn bởi nó khiến tâm hồn họ trở nên thanh nhẹ và yên ả hơn. Tuy nhiên nếu lựa chọn những loài hoa có kỹ thuật chăm sóc quá cao là điều không thể bởi nó chiếm quá nhiều thời gian do đó việc lựa chọn những loại hạt giống hoa dễ trồng cũng như có kinh nghiệm trồng hoa từ hạt giống thường được nhiều người yêu thích.
Theo vuonlan.net