|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ, Nhật Bản thích mua những loài nhuyễn thể này, Việt Nam thu về hàng trăm triệu USD

Năm 2021, xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của Việt Nam đạt 141,6 triệu USD, tăng 35% so với năm 2020. Trong đó, nghêu là sản phẩm chủ lực, chiếm 73% tổng kim ngạch xuất khẩu với gần 103 triệu USD, tiếp đến là sản phẩm sò điệp, hàu...

Điểm nhấn nghề nuôi ngao

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các thị trường nhập khẩu chính nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của Việt Nam là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Cụ thể, năm 2021, giá trị xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của Việt Nam vào thị trường EU đạt 88,7 triệu USD; thị trường Mỹ đạt 17,9 triệu USD; Nhật Bản 3,4 triệu USD và một số thị trường khác ở châu Á khoảng15 triệu USD.

Để đạt giá trị xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trên 141 triệu USD, trong những năm qua, các tỉnh, thành phố ven biển của nước ta đã đẩy mạnh tổ chức sản xuất, phát triển nuôi các loài nhuyễn thể. 

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), năm 2021, diện tích nhuyễn thể đạt trên 35.000ha, sản lượng 471.000 tấn. Trong đó, diện tích và sản lượng nuôi ngao chiếm khoảng 50%. Cụ thể, năm 2021, diện tích nuôi ngao trên 17.000ha, sản lượng trên 236.000 tấn.

Ở miền Bắc, Nam Định là tỉnh đứng thứ 2 về diện tích nuôi ngao (sau tỉnh Thái Bình). Theo đó, ngao đã trở thành đối tượng chủ lực trong phát triển kinh tế biển với 2 vùng nuôi hàng hóa tập trung tại huyện Giao Thủy (khoảng 1.800ha) và Nghĩa Hưng (500ha).

Ứng dụng công nghệ nuôi nhuyễn thể bền vững  - Ảnh 1.

Chế biến ngao tại Công ty Lenger Việt Nam (Lenger Seafoods Vietnam) xuất khẩu sang EU, Anh, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Ảnh: TTXVN

Ứng dụng công nghệ nuôi nhuyễn thể bền vững  - Ảnh 2.

 

Năm 2021, các vùng nuôi ngao thương phẩm của Nam Định phát triển ổn định, với diện tích nuôi là 2.350ha, sản lượng ngao đạt 43.234 tấn, tăng 4,42% so với năm 2020. 

Xuất khẩu ngao tươi sống tiểu ngạch và xuất cho các nhà máy chế biến xuất khẩu chiếm gần 70% sản lượng, tiêu thụ tại các siêu thị và thị trường trong nước chiếm khoảng 30%.

Nổi bật là năm 2020, vùng nuôi liên kết Legger Farm diện tích 500ha của các cơ sở nuôi ngao ở xã Nam Điền (huyện Nghĩa Hưng) liên kết với Công ty Lenger đã được chứng nhận nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC và ASC/CoC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới.

Tại diễn đàn Phát triển ngành nhuyễn thể bền vững do Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) phối hợp Tổng cục Thủy sản tổ chức tại Nam Định vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - Hà Lan Anh cho biết, chứng nhận nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC và ASC/CoC được ví như tấm thẻ "Visa VIP" để các sản phẩm ngao của Nam Định đi vào nhiều thị trường trên thế giới. 

Trong đó, các thị trường châu Âu, Nhật Bản và hệ thống siêu thị cao cấp tại Trung Quốc mang lại giá trị cao từ 2 - 3 lần.

Dư địa nuôi nhuyễn thể vỏ 2 mảnh còn rất lớn

Ông Nguyễn Văn Buội - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre cho biết, Bến Tre có diện tích mặt nước có nghêu giống xuất hiện trong tự nhiên hàng năm lớn, lên tới gần 500ha. Từ năm 2009, nghề nuôi nghêu Bến Tre cũng đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn MSC.

Từ thực tế tại Bến Tre, ông Buội đề xuất các nhóm giải pháp để nghề nuôi phát triển bền vững. Đó là tiếp tục duy trì và phát triển mô hình quản lý nghêu theo tiêu chuẩn phát triển bền vững MSC, ứng dụng rộng rãi công nghệ sản xuất nghêu giống nhằm đạt kích cỡ lớn trước khi xuất bán, thả nuôi ngoài tự nhiên. 

Điều tra đánh giá nguồn lợi để tiếp tục xây dựng và thực hiện nghiêm các quy định bảo tồn nguồn nghêu giống ngoài tự nhiên; quy định chế độ bảo vệ và quan trắc, kiểm soát môi trường nuôi, khai thác nghêu thương phẩm và nghêu giống; tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết bền vững nuôi nghêu...

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, nhu cầu thị trường quốc tế về các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ rất cao. Hiện sản lượng ngao ở nước ta chưa đáp ứng đủ các đơn đặt hàng từ châu Âu. "Tuy nhiên, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm này tại nước ta chưa nhiều; sản phẩm thiếu đa dạng, và ít giá trị gia tăng; khâu quảng bá, phát triển thương hiệu, thị trường còn hạn chế" - ông Tiệp nêu thực tế.

Bà Đặng Thị Lụa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, nêu thực trạng: Công tác quản lý môi trường, quản lý nuôi nhuyễn thể cũng như chất lượng con giống còn một số bất cập. Trong những năm gầy đây, thời điểm tháng 7 - 8 và từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm thường xuyên xuất hiện hiện tượng ngao chết hàng loạt, mà nguyên nhân chủ yếu do mật độ nuôi cao, kết hợp với biến động bất thường của độ mặn, thời gian phơi bãi và ngao nhiễm tác nhân gây bệnh.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nhuyễn thể của Việt Nam có tiềm năng và dư địa rất lớn. "Sản lượng nhuyễn thể tăng sẽ góp phần vào mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn thủy sản năm 2030" - ông Tiến khẳng định.

Để đạt được con số đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, Tổng cục Thủy sản tăng và các địa phương tăng cường quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý giống tự nhiên. Các viện, trường cần đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, nâng cao chất lượng giống ngao, hàu, cũng như ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin