|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng tầm muối Việt

Muối là một nghề truyền thống có từ lâu đời ở Việt Nam. Nó là sản phẩm quan trọng, thiết yếu trong đời sống hàng ngày, nhưng nghề này lại ngày một bị co hẹp, diêm dân ngày càng muốn bỏ nghề. Do vậy, để nâng tầm muối Việt, thì việc đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, giúp người tiêu dùng hiểu đúng về các sản phẩm muối… là những giải pháp được các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra.

Nang tam muoi Viet hinh anh 1

Diêm dân xã Nhơn Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) đóng bao muối đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Theo thống kê đến nay, cả nước có 73 cơ sở chế biến muối tinh, muối trộn i-ốt, muối sạch xuất khẩu... Trong số đó, 13 sơ sở chế biến muối (chiếm 19,7%) đã đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công suất 15.000 - 22.000 tấn/năm và 1 cơ sở đã đầu tư 2 dây chuyền thiết bị đồng bộ nhập khẩu của Tây Ban Nha có công suất 200.000 tấn/năm.

Các cơ sở này có hạ tầng tương đối đồng bộ, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nên chất lượng muối chế biến được nâng cao và mang lại hiệu quả trong sản xuất chế biến muối.

Ông Lục Mạnh Tùng, Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Agritech cho biết, doanh nghiệp đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự án hỗ trợ cho diêm dân. Vấn đề đầu tiên doanh nghiệp nhận thấy cần phải làm là nâng cao năng lực dự trữ muối cho nông dân, hợp tác xã.

Hiện công ty đang cùng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn xây dựng quỹ hợp tác xã. Nguồn vốn từ quỹ này sẽ cho các hợp tác xã vay vốn, bởi các hợp tác xã hiện nay khó khăn nhất là tiếp cận các nguồn tài chính, các khoản vay vốn.

Về thị trường muối hiện nay, ông Hồ Xuân Vinh, Giám đốc công ty TNHH ABACA Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam đang đánh đồng các sản phẩm muối mà chưa biết rõ đến chất lượng của từng loại. Nhiều doanh nghiệp sản xuất muối đã đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại để đưa ra sản phẩm muối đa dạng với nhiều giá trị mang lại lợi ích khác nhau cho người tiêu dùng. Nhưng để người tiêu dùng tìm hiểu và chọn lựa những sản phẩm chất lượng vẫn đang là một bài toán khó.

Theo các chuyên gia, phát triển các sản phẩm muối cần đa dạng hơn như muối hầm, muối cho người ăn kiêng, muối làm đẹp… Hiện tại sản phẩm muối biển sạch giàu vi lượng có lợi sức khỏe của Việt Nam đã xuất khẩu sang một số nước như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... nhưng số lượng chỉ ở vài chục nghìn tấn mỗi năm. Các doanh nghiệp đang thúc đẩy, tìm kiếm thị trường nước ngoài để xuất khẩu muối nhằm đem lại giá trị kinh tế cao hơn.

Nang tam muoi Viet hinh anh 2

Sản phẩm chế biến từ muối bày bán tại Hợp tác xã tổng hợp nông nghiệp 3 Hưng (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ông Vinh mong muốn trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ là đầu mối kết nối với các doanh nghiệp với các dự án muối để tiếp cận và phát triển nghề muối, xây dựng chuỗi giá trị nhằm ồn định thu nhập cho người nông dân. Qua đó cũng đẩy mạnh truyền thông, quảng bá những sản phẩm chất lượng, an toàn tới người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ông Vinh cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển có những hỗ trợ trong xây dựng và hoàn thiện các quy định, tiêu chí để đảm bảo chất lượng muối.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, để phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối; nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người dân làm muối, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1325/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030.

Triển khai để án trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng Đề án nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị ngành hàng muối Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, Đề án được thực hiện trên địa bàn của 7 tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu.

Với các dự án như: đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng; xây dựng mô hình khuyến diêm, thúc đẩy liên kết và cơ giới hóa; chế biến đa dạng hóa sản phẩm gắn với xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại nhằm đảm bảo phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của diêm dân. Ngành muối Việt Nam từng bước tiến lên hiện đại ngang tầm các nước khu vực, thỏa mãn nhu cầu muối trong nước, từng bước thay thế lượng muối nhập khẩu.

Không chỉ tạo giá trị kinh tế, hương vị muối còn chứa đựng hồn của đất vàng biển bạc. Tích hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất gắn với tập quán canh tác, mang đậm bản sắc dân tộc của mỗi vùng miền vào giá trị sản phẩm, hay những trải nghiệm du lịch trên các cách đồng muối trắng tạo nên những giá trị, nét đẹp riêng có của muối Việt Nam trên thị trường thế giới.

Nang tam muoi Viet hinh anh 3

Sản xuất muối công nghiệp tập trung tại cánh đồng muối Quán Thẻ (xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Với vị trí địa lý, Việt Nam được đánh giá là một nước có thể phát triển mạnh nghề muối. Tuy nhiên, việc sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, phương pháp sản xuất chủ yếu thủ công, quy mô phân tán theo hộ diêm dân dẫn đến năng suất, chất lượng muối thấp. Chất lượng và số lượng muối tại các đồng muối công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp hóa chất. Do vậy, bên cạnh sự dư thừa muối sản xuất trong nước thì Việt Nam vẫn phải nhập khẩu muối công nghiệp.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, diện tích sản xuất muối năm 2022 là trên 11.000 ha, giảm khá nhiều so gần 13.160 ha của năm 2017. Diện tích sản xuất muối giảm giảm dần trong những năm gần đây bởi thu nhập từ sản xuất muối thấp. Người dân đã dần chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy hải sản hoặc chuyển sang làm nghề khác nên một số diện tích sản xuất muối bị bỏ hoang.

Ông Phạm Thanh Chương, Giám đốc Công ty Muối xã Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định cho biết, sản xuất muối của đơn vị ngày càng bị co hẹp do khó phát triển sản xuất cũng như sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng cao. Hiện sản phẩm của doanh nghiệp vẫn chủ yếu bán các sản phẩm muối thường và muối i-ốt. Sản phẩm muối chất lượng cao chưa có, bởi doanh nghiệp sẽ phải đầu tư về trang thiết bị, vốn và cả nhân lực làm thương mại. Nhưng để đầu tư việc này là sự quá sức với doanh nghiệp.

Bích Hồng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin