Ngành chăn nuôi gia cầm: Cần được “tiếp sức” để vượt cơn bĩ cực
Nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi gia cầm đang có nguy cơ phá sản, hàng ngàn cơ sở chăn nuôi phải giảm quy mô sản xuất, thậm chí phải tạm ngừng hoạt động… Ngành chăn nuôi gia cầm đang rất cần những chính sách đủ mạnh để cứu ngành qua khỏi cơn “bĩ cực”, cũng như phát triển ổn định, bền vững!
Bức tranh tối nhiều hơn sáng của ngành gia cầm Việt Nam
Mọi năm, dịp lễ 30/4 thường là cơ hội đẩy mạnh sức tiêu thụ các mặt hàng thịt gia cầm như gà ta thả vườn, thịt vịt…Nhưng dịp lễ năm này, giá các loại gia cầm hầu như không biến động do sức tiêu thụ của thị trường chậm hơn cùng kỳ mọi năm. Riêng mặt hàng gà công nghiệp tiếp tục có đợt giảm giá mới; giá bán tại trại chỉ còn khoảng 25.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 4.000 đồng/kg so với giá thành sản xuất. Từ doanh nghiệp đến trang trại, hộ chăn nuôi gia cầm buộc phải giảm quy mô sản xuất, thậm chí phá sản vì suốt nhiều tháng qua, các sản phẩm gia cầm liên tục bán dưới giá thành sản xuất.
Ông Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thủy cầm lớn thứ hai thế giới. Giai đoạn từ năm 2018 – 2022, đàn gia cầm tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm.
Trong quý I-2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, giá gia cầm liên tục giảm, nguyên nhân do sức sản xuất rất là lớn, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu gần 3,4 triệu con gia cầm giống nên đàn gia cầm tăng nhanh về đầu con. Trong khi đó, sức tiêu dùng trong nước lại có hạn, đều này dẫn tới cung lớn hơn cầu.
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, sản phẩm thịt, trứng gia cầm không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ cho gần 100 triệu dân trong nước, mà bước đầu đã có xuất khẩu chính ngạch. Ước tính, giá trị sản xuất của ngành gia cầm năm 2022 đạt khoảng 165 ngàn tỷ đồng, tương đương 7,0 tỷ USD.
”Trong giai đoạn 2018-2022, đầu con tăng 6% nhưng sản lượng thịt tăng 18,5%, không có quốc gia nào tăng trưởng cao như vậy. Cho đến nay, năng lực sản xuất gia cầm thừa đáp ứng tiêu thụ trong nước”, TS Nguyễn Thanh Sơn khẳng định.
Bên cạnh phương thức chăn nuôi truyền thống, đã hình thành và phát triển các phương thức sản xuất gia cầm công nghiệp, trang trại quy mô lớn với công nghệ sản xuất tiên tiến và hiện đại, vì vậy, cac chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật cũng được cải thiện đãng kể. Nếu xét về tổng thể, năng suất và chi phí sản xuất gia cầm của nước ta đang thuộc nhóm trunng bình, nhưng nếu tính riêng ở khu vực chăn nuôi công nghiệp thì các chỉ tiêu này của Việt Nam xấp xỉ với các nước phát triển trong khu vực. Đặc biệt, ngành gia cầm Việt Nam tự hào đã chọn lọc, lai tạo được một số bộ giống gà lông màu xuất phát từ gà bản địa có năng suất chất lượng cao, không những nổi tiếng mà còn được đánh giá cao ở nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, đó là tỷ suất lợi nhuận trong ngành gia cầm đang ngày càng giảm dần và thậm chí còn bị lỗ. “Hai năm qua, lợi nhuận của người chăn nuôi đều âm. Giá bán gà ta suốt cả năm 2022 và quý 1-2023 đều thấp hơn giá thành sản xuất từ 6.000 – 8.000 đồng/kg, còn giá thành sản xuất gà công nghiệp khoảng 29.000 đồng/kg nhưng chỉ bán ra 23.000 – 24.000 đồng/kg, vậy thì còn đâu lợi nhuận” – ông Sơn nói.
Tăng trưởng nhập khẩu thịt cao hơn tăng trưởng sản xuất trong nước, sự cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm thịt gà nhập khẩu giá rẻ khiến sản xuất trong nước ngày càng khó khăn. Mảng tối” tiếp theo đó là hai năm trở lại đây, tăng trưởng về nhập khẩu sản phẩm thịt gà đông lạnh tăng lên rất nhiều lần (tăng 60%) so với tăng trưởng sản xuất trong nước (tăng 6%).
Năm 2021, Việt Nam nhập khoảng 225.000 tấn thịt gà. Năm 2022, nhập khoảng 246.000 tấn. Bốn tháng đầu năm nay, nhập khẩu 51.000 tấn. Chưa kể số lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới với số lượng tương tự.
“Như vậy, tỉ lệ gà, thịt gà nhập khẩu vào nước ta so với tổng sản lượng tiêu thụ thịt trong nước chiếm 20-25%. Điều này rất lo lắng cho thị trường tiêu thụ trong nước” – ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, thị trường tiêu thụ bấp bênh, gà thịt phả trở thành thành gà đẻ, giải cứu trứng để ép người nông dân thường xuyên xảy ra. Sản phẩm tiêu thụ nội địa là chính, nhưng ở mức độ thấp so với nhu cầu; sản phẩm chế biến, nhất là chế biến sâu chưa nhiều.
Bên cạnh đó, dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra bệnh rụt mỏ ở vịt, bệnh marek ở gà, dẫn đến rủi ro rất cao, nhất là khu vực chăn nuôi nông hộ. Những yếu tố nêu trên đã dẫn đến sự phát triển của ngành gia cầm, dù ở mức tăng trưởng tương đối cao, nhưng kém bền vững.
Đặc biệt là thời gian gần đây, các doanh nghiệp nội đang bị lép vế trước các doanh nghiệp FDI và nông dân sản xuất chăn nuôi nhỏ đang bị loại dần khỏi cuộc chơi.
Trong khi đó, số lượng nông hộ chăn nuôi giảm mạnh do thua lỗ trong thời gian qua, và hiện đã áp đảo về sản lượng lợn thịt, gà thịt xuất chuồng. Các tập đoàn FDI đã và đang có những dự án đầu tư mới với số lượng vốn rất lớn vào hoạt động sản xuất thịt lợn và thịt gà. Bên cạnh một số doanh nghiệp FDI đã nhiều năm đồng hành dẫn dắt người nông dân thì rất tiếc có một số doanh nghiệp FDI lại đang giành giật miếng bánh thị phần gà lông màu và gà ta của nông dân.
Theo các chuyên gia, bi kịch khốn cùng là khô cạn nguồn vốn cùng với giá thị trường xuống sâu đã đánh gục các cơ sở chăn nuôi của người Việt trong 2 năm qua. Việc tham gia gia công cho các doanh nghiệp FDI chính là cách để nhiều người nông dân lựa chọn để hồi sức trong bối cảnh hiện nay. Khi các hộ nuôi tập trung làm gia công thì việc quyết định giá bán lại nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Doanh nghiệp gia cầm kiến nghị nhiều chính sách cho ngành
Bà Chu Thị Hồng Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tafa Việt cho biết, mục tiêu của doanh nghiệp là đến năm 2030 sẽ nâng quy mô lên 2-3 triệu con gà đẻ/năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp đi theo con đường chăn nuôi theo công nghệ cao thì sẽ được hỗ trợ từ chính sách như thế nào?
Đáng lo ngại, về thị trường, vị đại diện Tafa Việt kiến nghị, Bộ NN&PTNT cần có khuyến cáo gì cho người tiêu dùng về việc lựa chọn sản phẩm chất lượng. “Hiện nay, sản phẩm gia cầm và trứng gia cầm chất lượng vẫn phải cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm”, bà Thủy cho biết.
Ông Phạm Văn Lượng, Giám đốc Công ty CP Giống gia cầm Lượng Huệ cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp, gia trại chăn nuôi gia cầm cố gắng tồn tại đến hôm nay đã là một nỗ lực rất lớn. Bởi nuôi một con gà hiện này ngoài chuyện giá bán thấp hơn giá thành còn phải gánh chịu rất nhiều vướng mắc. Ngân hàng ngoảnh mặt không cho vay vốn hoặc vay với lãi suất cao đã đành, phí kiểm dịch, phí kiểm nghiệm, phí vận chuyển, chế biến… cộng tất cả vào quả thật khó sống chứ đừng nói lớn.
“Chúng tôi vận chuyển một lô hàng khoảng 10- 15kg chịu phí kiểm dịch 100.000 đồng, trong khi các doanh nghiệp lớn vận chuyển một container, một tàu hàng cũng chịu mức phí tương đương, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển thị trường ở các tỉnh. Rồi phí kiểm dịch trong ngày, một con gà nhập về giết mổ mất 200 đồng, một năm mất 72.000 đồng, nếu cộng cả chi phí đầu tư, lãi suất ngân hàng, phí xét nghiệm 200-300 nghìn đồng/mẫu liên tục hàng tháng trời thì không thể nào sống nổi”, ông Lượng phàn nàn.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam nêu đề xuất có nên xem xét xây dựng đề án trồng lúa phục vụ làm thức ăn chăn nuôi không. Hiện ở Thái Lan đã có chương trình sản xuất thức chăn nuôi, các giống lúa này không cần chất lượng gạo cao, nhưng năng suất rất cao, tới 8,8 tấn/ha, qua đó sẽ cho sản phẩm gạo giá thành thấp phù hợp làm thức ăn chăn nuôi.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ với người chăn nuôi bởi 3 năm qua giá bán gia cầm thường xuyên dưới giá thành sản xuất.
Trước những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội, ông Tiến cho biết bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập trung giải quyết theo thẩm quyền. Nếu các kiến nghị vượt thẩm quyền sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ cho ngành chăn nuôi gia cầm
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, các địa phương cần nâng cao sức cạnh tranh ngành hàng, phát triển chăn nuôi giống bản địa, đặc sản có giá trị cao, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp chú trọng vào giết mổ, chế biến, chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm chăn nuôi gia cầm để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu; tăng cường chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng. Trên cơ sở đó có cơ sở dữ liệu để đánh giá, dự báo thị trường gắn với phát triển sản xuất cho phù hợp tình hình mới…
Ghi nhận khó khăn và những đề xuất của doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ sẽ đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp gỡ khó và đề xuất lên Chính phủ những chính sách hỗ trợ kịp thời cho ngành chăn nuôi gia cầm.
Cũng theo Thứ trưởng, khó khăn là khó khăn chung, đề nghị các doanh nghiệp FDI, cộng đồng doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm và gia trại, hợp tác xã, bà con nông dân đoàn kết, đồng hành cùng Bộ NN&PTNT thúc đẩy ngành chăn nuôi vượt qua thách thức