|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành chăn nuôi: Rất cần không gian để phát triển bền vững

Là ngành kinh tế – kỹ thuật với giá trị lên tới 23,7 tỷ USD (năm 2022), tăng trưởng 5-6%/năm, đóng góp 26,7% tỷ trọng giá trị sản xuất của toàn ngành Nông nghiệp, tạo sinh sinh kế cho gần 10 triệu hộ, nhưng, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn chưa có quỹ đất riêng cho mình trong Luật đất đai. Và cuộc đại di dời của ngành chăn nuôi bắt đầu tại tỉnh Đồng Nai, đặt ra nhiều thách thức về không gian cho chăn nuôi Việt Nam về mặt địa lý và thương mại trong thời kỳ hội nhập!

Từ câu chuyện di dời các cơ sở chăn nuôi khởi đầu là Đồng Nai

Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ năm 2020 nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Như vậy, hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi trên cả nước sẽ phải di dời ra khỏi các khu dân cư. Việc di dời một trang trại chăn nuôi không hề đơn giản, vì liên quan đến quy hoạch, quỹ đất, hạ tầng và vốn đầu tư.

Như tại Đồng Nai, hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi, bao gồm cả các nông hộ tại nhiều huyện của tỉnh này – nơi được xem là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, chuẩn bị di dời ra khỏi khu vực dân cư và những nơi không được phép chăn nuôi, theo quy định của Luật chăn nuôi hiện hành. Việc di dời các cơ sở chăn nuôi là thực hiện theo quy định của Luật chăn nuôi, lần đầu tiên được ban hành vào cuối năm 2018, với mục đích là bảo vệ môi trường.

Theo quy định của Luật, các địa phương có 5 năm kể từ khi Luật có hiệu lực, tức là đến ngày 1/1/2025 các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư sẽ phải di dời. Luật Chăn nuôi được ban hành từ năm 2018, có nghĩa là chính quyền các địa phương có gần 7 năm để thực hiện quy định này. Đã hơn 3 năm trôi qua, đến nay những thủ phủ chăn nuôi như Đồng Nai mới bắt đầu chuẩn bị.

“Vốn liếng vay ngân hàng đã đầu tư hết vào đây. Đã là luật thì không thể cưỡng chế nhưng rất mong muốn là nhà nước thể cho hộ dân chúng tôi có thể kéo dài quá trình sản xuất. Hoặc nếu phải di dời thì cho chúng tôi biết di dời đi đâu”, chị Nguyễn Thị Xuân Linh, Xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam đánh giá quy định di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư như là một cuộc đại “di dời” của ngành nông nghiệp. Ông Dương đánh giá việc di dời các cơ sở chăn nuôi trong 3 năm qua là chậm.

“Nhiều địa phương vẫn đang bàng quan, vẫn đang lo giải quyết giá thức ăn thế nào, vấn đề thị trường ra sao. Tuy nhiên việc di dời các sơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi là vấn đề vô cùng lớn. Vấn đề này một mình ngành nông nghiệp không thể giải quyết được. Nhìn chung các địa phương chưa ý thức hết được khó khăn của vấn đề này”, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định.

Cũng theo ông Dương, theo Luật Chăn nuôi thì các sở chăn nuôi không đủ điều kiện có 5 năm và đang ở vùng không được phép chăn nuôi phải di chuyển. Nhà nước đã giao cho các địa phương ban hành quy định khu nào không được phép chăn nuôi.

“Khoảng năm 2021, 63 tỉnh thành đã đưa ra quy hoạch khu vực không được phép chăn nuôi. Như vậy còn thời gian khoảng 4 năm để người chăn nuôi chuyển đi. Nếu chúng ta quyết tâm làm thì thời gian này không phải quá ngắn”, ông Dương đánh giá.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đồng Nai chia sẻ: “Hiện nay, Đồng Nai của chúng tôi đang chịu sự tổn thương lớn nhất, là tỉnh đi đầu với khoảng trên 3000 cơ sở di rời. Hiện tại Đồng Nai đã có kiến nghị buộc phải rà soát lại, bởi vì chính sách hỗ trợ chỉ có 01 tỷ cho 01 cơ sở sản xuất, trong khi đó phải cần ít nhất 10 tỷ cho 1 cơ sở. Đó là một sự thiệt hại rất lớn cho các cơ sở, cho người chăn nuôi”

Đến không gian địa lý và thương mại cho chăn nuôi ngày càng hẹp hơn…

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Dương, không gian chăn nuôi của đang hẹp và ngày càng hẹp dần. Nếu xét về mật độ dân số và mật độ vật nuôi (hay đơn vị vật nuôi/diện tích đất nông nghiệp) thì Việt Nam hiện nay đang thuộc tốp cao nhất của thế giới (với dân số trên 290 người/km2 và 1,2 đơn vị vật nuôi/ha đất nông nghiệp, bình quân thế giới là 1,0). Là một nước nhỏ mà Việt Nam có số đầu lợn đứng hàng thứ 7 và đàn thủy cầm đứng thứ 2 trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, nguồn nguyên liệu, nhất là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN), vốn đã khan hiếm, ngày càng khan hiếm hơn do áp lực cạnh tranh của các lĩnh vực kinh tế khác, như nguyên liệu cho công nghiệp, đất trồng cây ăn trái, cây dược liệu…Hiện nay, Việt Nam đang phải nhập khẩu trên 70% nguồn nguyên liệu TACN cho nhu cầu tổng thể của vật nuôi và thủy sản; trong đó, chiếm tới 90% nguồn nguyên liệu cho nhu cầu chế biến TACN công nghiệp và con số này chưa có dấu hiệu sụt giảm.

Không gian thương mại của chăn nuôi Việt Nam đang được thu hẹp ngày càng nhanh bởi áp lực cạnh tranh của các dòng sản phẩm nhập khẩu ngày càng khốc liệt. Với lợi thế giá thành rẻ và sự quản lý nhập khẩu lỏng lẻo, nhất là trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19 đã làm cho khối lượng nhập khẩu vật nuôi sống và thịt đông lạnh, đặc biệt là thịt lợn nhập khẩu tăng lên phi mã, chóng mặt, tới 1600% (16 lần) chỉ trong vòng 2 năm (từ 2019-2020) và ngày càng gia tăng.

Năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm sản phẩm chăn nuôi (gia súc, gia cầm sống; thịt và phụ phẩm dạng thịt) đạt 3,29 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chỉ đạt 409 triệu USD.

Cần có quỹ đất riêng cho chăn nuôi

“Chúng ta có khoảng 27 triệu ha đất nông nghiệp nhưng không có quỹ đất nào dành cho đất chăn nuôi. Chúng tôi đang kiến nghị phải có một chương nói về đất dành cho chăn nuôi. Đất cho trang trại cho chăn nuôi tập trung phải chỉ ra được. Phải có một quỹ đất dành cho chăn nuôi”, ông Dương nhấn mạnh.

Góp ý cho dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025) tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan nêu một thực tế, đất nông nghiệp sử dụng cho chăn nuôi có quy mô nhỏ so với quy hoạch quốc gia nên không thể hiện trên bản đồ. Trong Luật Đất đai hiện nay không đề cập đến đất cho chăn nuôi.

“Quy hoạch đất sử dụng cho chăn nuôi cần được đề cập đến để có định hướng cho các quy hoạch địa phương, vấn đề này liên quan đến vấn đề môi trường, tình hình phòng chống dịch bệnh, cân đối giữa các vùng sản xuất nông nghiệp” – bà Lan nói.

Còn ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, trong Luật Đất đai hiện nay, không có một từ nào nói đến đất cho chăn nuôi.

“Luật Đất đai đang tồn tại bất cập về phân loại đất nông nghiệp. Theo đó, tại khoản 1 Điều 10, Luật Đất đai về phân loại đất không có mục riêng về đất chăn nuôi mà thay vào đó chỉ có quy định là đất “xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm và vật nuôi khác …” được ghép vào điểm h, khoản 1 là đất nông nghiệp khác.

Trong hoạt động chăn nuôi đất không chỉ cần để xây dựng chuồng trại mà còn nhiều công trình phụ trợ khác, đặc biệt là đất để sản xuất cây thức ăn chăn nuôi, đất xây dựng nhà máy chế biến giết mổ… Điều này vô hình chung đã coi nhẹ đất giành cho ngành chăn nuôi trong quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương, đồng thời làm giảm vai trò của một ngành kinh tế hết sức quan trọng này trong lĩnh vực nông nghiệp” – ông Sơn nói.

Năm 2020, người đứng đầu một tập đoàn lớn về sản xuất thép, bất động sản công nghiệp và nông nghiệp từng chia sẻ: “Tìm đất để xây dựng trại lợn, trại bò rất khó, khó hơn xin đất làm trại hủi”. Nhận định này của vị này có căn cứ, bởi thực tế ở nhiều địa phương, việc xin dự án, xin đất để làm trang trại chăn nuôi thực sự rất khó.

Như vậy, chiến lược phát triển chăn nuôi hiện đại – công nghiệp và chuyên nghiệp đã có. Vấn đề là cách thức tổ chức triển khai thực hiện. Di dời không chỉ đơn thuần là chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Mà đây cũng là cơ hội để chính quyền các địa phương xác định rõ đặc trưng, lợi thế cạnh tranh của từng vùng để điều chỉnh, tập trung nguồn lực và để bắt đầu hình thành nên ngành chăn nuôi bền vững, qua đó nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi để từ đó mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho người chăn nuôi.

TÂM AN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin