Nghề đặt lọp cua đồng giúp người dân vùng lũ ở Đồng Tháp có thêm thu nhập
Hiện nay, con nước lũ tràn về các cánh đồng ở những địa phương đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp như huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, thành phố Hồng Ngự. Nhiều người dân ở vùng lũ rất phấn khởi vì có thêm thu nhập vài trăm nghìn đồng mỗi ngày với nghề đặt lọp cua đồng.
Thời điểm này, mực nước trên nhiều cánh đồng tại vùng đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp cao hơn khoảng 20 cm so với năm ngoái, mang theo nhiều sản vật thiên nhiên; trong đó, có cua đồng. Cua đồng chế biến thành nhiều món ăn dân dã thơm ngon và bổ dưỡng như: canh cua đồng với rau mồng tơi, lẩu cua đồng, bún riêu cua, cua đồng rang muối ớt…, được nhiều người ưa thích. Người dân có nhiều cách để bắt cua đồng, chẳng hạn đặt dớn, kéo lưới nhưng phổ biến và hiệu quả nhất là đặt lọp.
Lọp cua đồng là dụng cụ đan bằng tre dài khoảng 70 cm, dùng đặt trên đồng ruộng để bắt cua. Loại thức ăn bỏ trong lọp để dẫn dụ cua vào thường dễ tìm và ít tốn chi phí, gồm: khoai mì, khoai lang, quả bắp... Hàng ngày, bà con đi thăm lọp cua từ 4 giờ sáng đến khoảng 14 giờ chiều, tùy số lượng lọp đặt nhiều hay ít. Nghề đặt lọp cua đồng được nhiều bà con vùng đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp làm quanh năm, cao điểm là mùa nước nổi, bắt đầu từ tháng 7 âm lịch hàng năm.
Anh Nguyễn Văn Mộng ở xã Bình Thạnh, thành phố Hồng Ngự đã gắn bó với công việc đặt lọp cua đồng hơn 20 năm qua. Anh Mộng cho biết, lọp cua là do anh tự làm, không tốn chi phí mua, nếu mua là gần 20.000 đồng/cái. Mùa nước lũ năm nay, anh Mộng đặt 600 cái lọp cua ở các cánh đồng trong và ngoài xã. Mỗi ngày, anh bắt được từ 50 - 60 kg cua đồng, thu nhập hơn 700.000 đồng.
Khoảng 2 năm nay, vợ chồng anh Mộng có thêm nghề mua bán cua, làm đầu mối mua lại cua của người dân trong xã. Suốt hơn 1 tháng qua, khoảng 15 giờ chiều hàng ngày, vợ chồng anh Mộng lại tất bật với việc thu mua, phân loại cua để kịp gửi lên thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Anh mua cua đồng với giá 15.000 đồng/kg, riêng cua kình càng (càng to) là hơn 35.000 đồng/kg. Mỗi ngày, vựa cua đồng của anh Nguyễn Văn Mộng thu mua được 450 đến 500 kg. “Nhờ nghề đặt lọp cua và mua bán cua đã giúp vợ chồng tôi nuôi 3 đứa con ăn học đàng hoàng, đứa lớn hiện là sinh viên một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh” - anh Mộng phấn khởi cho hay.
Ông Nguyễn Văn Mỹ (57 tuổi) cũng ngụ xã Bình Thạnh, thành phố Hồng Ngự đã hơn nửa đời người kiếm sống bằng nghề đặt lọp cua đồng. Mùa nước nổi năm nay, với 300 cái lọp, mỗi ngày ông bắt được 25 - 30 kg cua, thu nhập trên dưới 400.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Mỹ cho biết, hiện nước lũ về nhiều hơn so với năm qua nên đặt lọp cua cũng “trúng” hơn nhưng giá bán giảm. Vào mùa khô, nhất là tháng 2 và tháng 3 hàng năm, cua rất khan hiếm. Tôi chỉ bắt được 7 - 8 kg/ngày, bù lại bán có giá cao, khoảng 60.000 đồng/kg.
Hàng năm, khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, lũ lại tràn về, nước ngập trắng xóa nhiều cánh đồng. Gác lại việc đồng áng, người dân vùng đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp mưu sinh theo con nước bằng việc đánh bắt thủy sản. Với nghề đặt lợp cua đồng vừa kiếm thức ăn, cải thiện bữa cơm gia đình, vừa giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi, người dân có thêm nguồn thu nhập đáng kể trong mùa nước nổi.
Nhựt An