|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người góp phần nâng tầm cho ca cao Đắk Nông

Nhiều năm qua, anh Vũ Văn Nghĩa, ở xã Tân Thành (Krông Nô) luôn đặt mục tiêu trồng, chăm sóc, chế biến ca cao thành những sản phẩm thương mại. Với những thành công bước đầu, anh đang từng bước nâng tầm loại nông sản này ở Đắk Nông.

“Phải lòng” với ca cao

Anh Vũ Văn Nghĩa sinh ra và lớn lên ở vùng đất Nam Định. Những năm 90 của thế kỷ trước, anh Nghĩa lần đầu tiên được thưởng thức bột ca cao nhờ người nhà đưa từ nước ngoài về. Hương vị của ca cao đã khiến cho chàng thanh niên đôi mươi khi ấy ấn tượng mãi.

Năm 1995, anh Nghĩa vào xã Tân Thành để lập nghiệp. Làm thuê nhiều nghề, anh Nghĩa tích lũy được vốn mua được vài ha đất để trồng cà phê, tạo nguồn thu nhập.

Năm 2007, anh Nghĩa được mời tham gia một lớp tập huấn về cây ca cao. Ấn tượng về ca cao thuở thanh niên của anh Nghĩa trỗi dậy mạnh mẽ. Anh Nghĩa quyết định bàn với vợ trồng xen cây ca cao trong vườn cà phê.

Theo anh Nghĩa, ý định ban đầu của anh là trồng xen ca cao để tận dụng quỹ đất trống, tăng thu nhập. Nhưng sau 3 năm chăm sóc, anh thấy ca cao khá dễ trồng, ít tốn công chăm sóc.

Cây cho trái quanh năm, thu hoạch rải rác trong thời gian 8 - 9 tháng. Chỉ cần trị được bệnh thối trái và côn trùng (bọ xít, muỗi…) chích, quả ca cao sẽ phát triển đều, chín đẹp.

Vườn ca cao của anh Vũ Văn Nghĩa phát triển tốt, cho năng suất cao

Từ hiệu quả bước đầu, anh Nghĩa vận động người dân trên địa bàn cùng mở rộng diện tích trồng ca cao. Thay vì trồng xen, anh đã chuyển đổi 2 ha cà phê để trồng thuần toàn bộ ca cao.

Mỗi ha đất, anh trồng khoảng 1.100 cây ca cao. Sau mấy năm chăm sóc, cây bắt đầu vào thời kỳ cho thu hoạch, với năng suất bình quân từ 2 - 2,5 tấn quả/ha.

Năm 2016, anh Nghĩa thành lập HTX Nông nghiệp Krông Nô (do anh làm Giám đốc) nhằm hỗ trợ người trồng ca cao kỹ thuật chăm sóc vườn cây, đầu ra sản phẩm.

Nhờ có HTX của anh, nên sản phẩm ca cao trên địa bàn có đầu ra ổn định. Hiện nay, mức giá hạt ca cao đang được HTX bán trung bình từ 69.000 - 87.000 đồng/kg tùy loại.

 HTX Nông nghiệp Krông Nô đầu tư máy móc chế biến ca cao

Hiện thực hóa giấc mơ

Sau một thời gian đứng ra làm đầu mối, anh Nghĩa thấy việc liên kết tiêu thụ ca cao phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp, tập đoàn. Giá ca cao thô so với ca cao thành phẩm cũng chênh lệch “một trời một vực”.

Từ đó, anh Nghĩa xuất hiện ý tưởng chế biến ca cao thành những sản phẩm thương mại. Ý tưởng này của anh được gia đình và các thành viên HTX ủng hộ. Các thành viên HTX quyết định góp vốn xây nhà xưởng rộng 300m2 và đầu tư mua trang thiết bị về chế biến ca cao.

Các sản phẩm từ ca cao của HTX Nông nghiệp Krông Nô được xếp hạng OCOP 3 sao

Nhờ có kinh nghiệm chăm sóc, thu hái, ủ, lên men và bảo quản, nên HTX Nông nghiệp Krông Nô có lợi thế khi bắt đầu chế biến ca cao. Sau khi nhập máy móc về, HTX làm thử và điều chỉnh để chọn gu (sở thích) phù hợp nhất.

Lúc đầu, HTX chỉ sản xuất bột ca cao đơn thuần. Nhưng từ đầu năm 2021, HTX nhập thêm máy móc để chế biến thêm 3 sản phẩm từ ca cao gồm chocolate nguyên chất 100%, chocolate 65% và chocolate sữa 40%.

 

Năm 2021, cả 2 sản phẩm bột ca cao và chocolate Duy Nghĩa của HTX Nông nghiệp Krông Nô được công nhận đạt OCOP hạng 3 sao. Hiện nay, HTX được UBND huyện Krông Nô hỗ trợ máy móc, kinh phí để thiết kế, in bao bì, làm tem nhãn cho sản phẩm ca cao.

 

Cũng theo anh Nghĩa, nguyên liệu ca cao của HTX đạt chất lượng tốt, nên sản phẩm được khách hàng đánh giá khá cao, không kém gì hàng nhập khẩu. Hàm lượng ca cao nguyên chất trong các sản phẩm của HTX cao, nên giá bán cũng cao hơn so với một số đơn vị trên thị trường.

Hướng đi sắp tới của HTX là tập trung vào việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa các sản phẩm, gửi tới khách hàng thông điệp về chất lượng. Chúng tôi tin rằng trong tương lai gần, khách hàng sẽ thay đổi gu thưởng thức, đặt chất lượng lên hàng đầu như nhiều mặt hàng nông sản khác", anh Nghĩa chia sẻ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết