Nguyễn Văn Kiệp với khát vọng nâng tầm cây sầu riêng
Nhiều năm gắn bó với cây sầu riêng, anh Nguyễn Văn Kiệp, ở thôn Nghĩa Thuận, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) luôn nuôi ý tưởng nâng tầm giá trị sản phẩm sầu riêng địa phương.
Năm 2012, anh Nguyễn Văn Kiệp từ TP. Hồ Chí Minh lên xã Đắk Nia lập nghiệp. Đối với anh lúc đó, cây sầu riêng luôn có sự lôi cuốn đặc biệt và anh quyết định chọn để phát triển kinh tế.
Anh Kiệp cho biết: “Ý định trồng sầu riêng của tôi hình thành trong một dịp đến Thái Lan. Bởi vì sầu riêng của họ cũng không có gì đặc biệt. Người trồng của họ cũng không hơn nông dân của mình, nhưng sản phẩm bán rất chạy, giá cao gấp 3 - 4 lần sầu riêng của mình”.
Chính điều này đã gợi cho anh Kiệp suy nghĩ là tại sao không khai thác lợi thế sẵn có để nâng tầm sản phẩm sầu riêng của địa phương. Ban đầu, cây sầu riêng được anh trồng xen trên diện tích 5 ha cà phê, sau đó trồng thêm cây mít Thái.
Mục đích của anh là lấy cây cà phê, mít "nuôi" cây sầu riêng. Ngay từ khi xuống giống, anh áp dụng quy trình hữu cơ, sinh học. Từ khâu chọn giống, làm đất, bón phân đến khi thu hoạch..., đều được anh thực hiện bài bản, khoa học.
Từ đó, cây sầu riêng ra hoa, đậu quả đúng thời kỳ, đạt năng suất cao và chất lượng bảo đảm. Vụ sầu riêng năm 2021, với số lượng 200 cây, anh Kiệp thu về trên 35 tấn quả.
Sản phẩm sầu riêng của anh Nguyễn Văn Kiệp được doanh nghiệp xuất khẩu thu mua với giá cao |
Với giá bán từ 35.000-45.000 đồng/kg, vườn sầu riêng đã mang về cho gia đình anh hơn 2,1 tỷ đồng. Trừ chi phí đầu tư 500 triệu đồng, anh Kiệp có lãi ròng 1,6 tỷ đồng từ vườn sầu riêng.
Theo tính toán của anh Kiệp, một cây sầu riêng nếu chăm sóc đúng quy trình sẽ cho khoảng 200 - 400 kg quả. Chi phí đầu tư chăm sóc khoảng 700 ngàn đồng/cây/vụ. Với giá bán khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg thì mỗi cây sầu riêng cho thu nhập gần 20 triệu đồng.
Từ hiệu quả thấy rõ, nhiều năm nay, vườn cây của anh được bà con trên địa bàn TP. Gia Nghĩa, Đắk R’lấp, Đắk Glong… xem là khu vườn mẫu để tham quan, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm.
Hiện anh Kiệp đang hỗ trợ kỹ thuật trên 100 ha sầu riêng cho người dân trong vùng. Nhiều vườn cây trước đây chỉ bán hàng chợ, sau khi được anh tư vấn, chất lượng quả được nâng lên, có thu nhập hàng tỷ đồng.
Cũng theo anh Kiệp, sản phẩm nông nghiệp là đặc thù, phải có sản lượng lớn, chất lượng đồng đều thì mới có thị trường tiêu thụ ổn định. Vì vậy, các hộ trồng sầu riêng phải quy tụ lại dưới hình thức tổ nhóm, câu lạc bộ hay tổ hợp tác, hợp tác xã, mới thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Anh Nguyễn Văn Kiệp luôn nung nấu nâng tầm giá trị cho cây sầu riêng |
"Hiện đa số người trồng sầu riêng đều mạnh ai nấy làm, thiếu tính cộng đồng, không chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với nhau. Vì thế sản phẩm không đồng đều, không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu", anh Kiệp cho biết.
Thời gian qua, anh đã tiến hành lập một website để bà con làm quen với công nghệ số, tăng cơ hội bán sản phẩm sầu riêng. Anh đã liên hệ với các cấp chính quyền, ngành chuyên môn hỗ trợ lập danh sách, thuyết phục người dân tham gia liên kết sản xuất sầu riêng.
Đây là cách giúp các nhà vườn sản xuất sầu riêng có diện tích nhỏ lẻ, manh mún quy tụ lại với nhau, đồng sức, đồng lòng đưa hương vị, giá trị sầu riêng địa phương bay xa.
Trước khi thực hiện ý tưởng này, anh Kiệp đã đi Thái Lan, Malaysia để học cách họ tổ chức quảng bá, xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ sầu riêng. Với kinh nghiệm đã được học hỏi, anh Kiệp đã, đang tiếp tục với khát vọng nâng tầm giá trị sản phẩm sầu riêng của địa phương.