|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà máy nghiền đậu tương của Trung Quốc đóng cửa hàng loạt

Hàng chục nhà máy nghiền đậu tương đã được lệnh đóng cửa và tạm dừng sản xuất giữa lúc nhu cầu ngày càng tăng do giá than tăng và mục tiêu trung hòa carbon.

Hàng loạt nhà máy chế biến đậu tương lớn tại Trung Quốc, nơi sản xuất thức ăn chăn nuôi và dầu ăn đã buộc phải dừng hoạt động khiến giá các sản phẩm tăng mạnh. Ảnh: Getty

Theo các nguồn tin, các nhà máy nghiền đậu tương (đậu nành) ở nhiều địa phương được cho là đã được lệnh cắt hoặc tạm dừng hoạt động, bao gồm cả một số nhà máy công suất lớn.

Tuy nhiên các chuyên gia cho biết, việc tạm dừng hoạt động các cơ sở chế biến đậu tương sẽ không ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thị trường và nhập khẩu đậu tương.

Một nhân viên của một nhà máy chế biến đậu tương làm thức ăn chăn nuôi và dầu thực vật lớn ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, xác nhận tin đóng cửa do hạn chế sử dụng điện tại nhà máy hoặc nhận được lệnh tạm dừng một phần sản xuất tương tự như các nhà máy khác trên khắp đất nước.

Sản lượng giảm đã ngay lập tức đẩy giá các sản phẩm như dầu đậu nành và khô dầu đậu nành tăng cao. Hợp đồng dầu đậu nành giao tháng 11 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đã tăng gần 0,52% trong phiên hôm thứ Sáu.

Giới phân tích cho rằng, sự tăng giá này là điều tất yếu bởi giá khô đậu tương trung bình trên toàn quốc đã tăng 23 nhân dân tệ lên 3.788 nhân dân tệ (586 USD)/tấn vào thứ Sáu, tăng 0,58% so với một ngày trước đó.

Theo ông Jiao Shanwei, tổng biên tập của trang tin cngrain.com, trang web chuyên về tin tức ngũ cốc, nói: “Mặc dù sẽ có một đợt tăng giá ngắn hạn, nhưng nguồn cung trên thị trường nói chung sẽ sớm được ổn định do các doanh nghiệp có một lượng hàng tồn kho nhất định”.

Nguồn tin từ các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc lớn cũng cho biết, một số nhà máy sản xuất khô dầu đậu tương theo đơn đặt hàng nên việc họ tạm dừng sản xuất gián đoạn là điều bình thường.

Dự kiến ​​lượng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc sẽ đạt mức cao mới trong năm nay, do nhu cầu được thúc đẩy bởi sự phục hồi của ngành chăn nuôi lợn trong nước và mối quan hệ thương mại bùng nổ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Jiao cho biết: “Quý 4 thường là mùa cao điểm tiêu thụ dầu ăn, và nguồn nhập khẩu đậu nành sẽ tương đối lớn”.

Ngoài ngành công nghiệp đậu tương, tác động của đợt thiếu hụt này còn ảnh hưởng rộng rãi đến hầu hết các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, sau khi chính quyền cấp tỉnh ban hành nhiều thông báo về việc hạn chế sử dụng điện.

Theo một tài liệu của chính phủ, Cục Công nghệ Thông tin và Công nghiệp Thiên Tân cũng đã được lệnh cắt giảm điện trong một tuần kể từ hôm thứ Năm.

Ông Lin Boqiang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn cho biết, sự thiếu hụt điện xảy ra do các đơn đặt hàng sản xuất – xuất khẩu tăng sau khi Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phục hồi sau đại dịch cũng như giá than tăng mạnh.

Nhờ sự phục hồi kinh tế nhanh chóng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mức tiêu thụ điện của Trung Quốc đã tăng 16,2% trong nửa đầu năm nay.

Theo một thông báo của Ủy ban kế hoạch nhà nước đưa ra hồi tháng 8, để giải quyết tình trạng thiếu hụt điện và đáp ứng mục tiêu trung hòa cacbon, 8 tỉnh thành ở Trung Quốc đã đạt đến giới hạn phát thải bao gồm Giang Tô, Quảng Đông, Phúc Kiến đã được yêu cầu giảm mức tiêu thụ năng lượng và cắt giảm khí thải cacbon.

Giới quan sát thị trường kỳ vọng, việc hạn chế sử dụng điện sẽ là một tiêu chuẩn mới trong thời gian tới. “Sản lượng của nhà máy nhiệt điện than không thể theo kịp nhu cầu điện ngày càng tăng, và năng lượng sạch không thể thay thế hoàn toàn cho nhà máy nhiệt điện than. Do đó, việc cắt điện sẽ là trạng thái bình thường trong khoảng từ một đến hai năm”, chuyên gia Han Xiaoping nói.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết