|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng trong năm 2023

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại của Bộ Công Thương, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 10,32 triệu tấn nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi, tiêu tốn 5,6 tỷ USD, giảm 1,1% về lượng nhưng tăng 13,6% về trị giá so với năm 2021. Dự báo năm 2023, nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi sẽ tăng nhẹ so với năm 2022, đạt khoảng 10,5 triệu tấn, trị giá 5,55 tỷ USD…

 

Trong năm 2022, có 916 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu mặt hàng  nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về Việt Nam, giảm 17 doanh nghiệp so với năm 2021. Trong đó, doanh nghiệp nhập khẩu đạt kim ngạch cao nhất là Công ty Cổ Phần Chăn Nuôi C.P Việt Nam, với 409 triệu USD; tiếp đến là Công ty Cổ phần Khai Anh – Bình Thuận đạt 344,9 triệu USD; Công ty TNHH Cargill Việt Nam với 292 triệu USD…

KHÔ ĐẬU TƯƠNG CHIẾM MỘT NỬA TRONG TỔNG NGUYÊN LIỆU NHẬP KHẨU

Trong năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 39 chủng loại thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, giảm 2 chủng loại so với năm 2021. Lượng nhập khẩu một số chủng loại chính tăng mạnh so với năm 2021 như: Bột thịt xương, bột gia cầm, bột huyết tương, bột tôm, cám ngô, khô dầu dừa… Trong khi đó, lượng nhập khẩu một số chủng loại chính giảm so với năm 2021 như khô đậu tương, khô dầu cọ, bột cá, cám gạo, cám mỳ…

Giá nhập khẩu trung bình nhiều mặt hàng thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong năm 2022 hầu hết tăng so với năm 2021. Một số mặt hàng có mức tăng dưới 10% như: Khô hướng dương, khô dầu cọ, khô dầu dừa, khô hạt cải, bột gan mực… Những chủng loại mặt hàng có giá nhập khẩu tăng từ 10% đến trên 20% gồm: Khô đậu tương, khô dầu lạc, bột thịt xương, bột gia cầm, bột cá, bột bánh mỳ, cám ngô, cám gạo, cám mỳ, bột huyết tương, bột lông vũ…

Thức ăn chăn nuôi vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại của Bộ Công thương: “Năm 2022, những chủng loại mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có giá nhập khẩu tăng từ 10% đến 20% gồm: Khô đậu tương, khô dầu lạc, bột thịt xương, bột gia cầm, bột cá, bột bánh mỳ, cám ngô… Một số mặt hàng giá nhập khẩu tăng trên 20% là cám gạo, cám mỳ, bột huyết tương, bột lông vũ…”

Riêng khô đậu tương chiếm 48,5% về lượng và 50,1% về trị giá trong tổng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong năm vừa qua. Khối lượng khô đậu tượng nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2022 đạt 5,01 triệu tấn, trị giá 2,81 tỷ USD, giảm 0,3% về lượng nhưng tăng 12% về trị giá so với năm 2021. Nguồn cung cấp chính khô đậu tương là Nam Mỹ và Hoa Kỳ. Giá nhập khẩu trung bình khô đậu tương trong năm 2022 ở mức 560 USD/tấn, tăng 12,3% so với năm 2021.

Lượng khô dầu cọ nhập khẩu trong năm 2022 đạt 591,9 nghìn tấn, trị giá 122,3 triệu USD, giảm 9,1% về lượng và giảm 1,2% về trị giá so với năm 2021. Giá nhập khẩu khô dầu cọ trong năm 2022 đạt 207 USD/tấn, tăng 8,7% so với năm 2021.

Khối lượng nhập khẩu khô hạt cải trong năm 2022 đạt 276,4 nghìn tấn, trị giá 102,7 triệu USD, giảm 4,5% về lượng và giảm 0,1% về trị giá so với năm 2021. Giá nhập khẩu trung bình mặt hàng này trong năm 2022 đạt 371 USD/tấn, tăng 4,6% so với năm 2021.

Đối với cám ngô, trong năm 2022 nước ta nhập khẩu 174,8 nghìn tấn, trị giá 51,3 triệu USD, tăng 21,5% về lượng và tăng 35,1% về trị giá so với năm 2021. Giá trung bình cám ngô nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2022 đạt 293 USD/tấn, tăng 11,1% so với năm 2021. Trong năm 2022, nhập khẩu cám mỳ đạt 391,4 nghìn tấn, giảm 15,3% so với năm 2021. Giá nhập khẩu trung bình cám mỳ năm 2022 ở mức 276 USD/tấn, tăng 21,1% so với 2021.

Trong năm 2022, lượng nhập khẩu cám gạo về Việt Nam đạt 542,9 nghìn tấn, trị giá 118,2 triệu USD, giảm 4,3% về lượng, nhưng tăng 15,3% về trị giá so với năm 2021. Giá nhập khẩu trung bình cám gạo trong năm 2022 ở mức 218 USD/tấn, tăng 20,5% so năm 2021.

Với nhóm bột protein động vật, trong năm 2022, nhập khẩu bột thịt xương về Việt Nam đạt 787 nghìn tấn, trị giá 433,7 triệu USD, tăng 18,2% về lượng và tăng 32,7% về trị giá so với năm 2021. Giá nhập khẩu trung bình bột thịt xương trong năm 2022 ở mức 551 USD/tấn, tăng 12,3% so với năm 2021. Nguồn cung cấp bột thịt xương là Mỹ và EU.

Nhập khẩu bột gia cầm trong năm 2022 đạt 238,3 nghìn tấn, trị giá 227,7 triệu USD, tăng 16,3% về lượng và tăng 28,8% về trị giá so với năm 2021. Giá nhập khẩu trung bình bột gia cầm trong năm 2022 ở mức 956 USD/tấn, tăng 10,7% so với năm 2021.

Nhập khẩu bột cá trong năm 2022 đạt 129,7 nghìn tấn, giảm 4,7% so với năm 2021. Giá nhập khẩu trung bình bột cá trong năm 2022 ở mức 1.525 USD/tấn, tăng 18,4% so với năm 2021.

Đối với nhóm Protein tổng hợp, trong năm 2022, lượng nhập khẩu dinh dưỡng gia súc đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 521,1 triệu USD, tăng 0,2% về lượng và tăng 19,1% về trị giá so với năm 2021. Giá nhập khẩu trung bình dinh dưỡng gia súc trong năm 2022 ở mức 373 USD/tấn, tăng 18,9% so với năm 2021. Ngoài ra, nhóm chất tổng hợp và bổ trợ nhập khẩu 548,4 triệu USD, tăng 0,3% so với năm 2021.

NỖ LỰC GIẢM NHẬP KHẨU

Trong năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu từ 98 quốc gia, tăng 11 quốc gia so với năm 2021. Trong đó, Achentina là nước cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam trong năm 2022, đạt 3,01 triệu tấn, trị giá 1,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với năm 2021 và chiếm 29,2% về lượng và chiếm tỷ trọng 30,4% trong tổng nhập khẩu của toàn bộ nhóm mặt hàng này.

Mặt hàng nhập khẩu chính từ Achentina là khô đậu tương, dinh dưỡng gia súc, bột thịt xương, bột lông vũ… Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu từ Achentina trong năm 2023 dự báo đạt 3,2 triệu tấn, trị giá 1,6 tỷ USD.

Braxin là nước cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu lớn thứ 2 cho Việt Nam trong năm 2022 với lượng và trị giá tăng mạnh, đạt 1,77 triệu tấn, trị giá 1,03 tỷ USD, tăng 41,4% về lượng và tăng 56,9% về trị giá so với năm 2021. Nhập khẩu từ nước này chiếm 17,2% về lượng và 18,7% về trị giá trong nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu của Việt Nam. Mặt hàng nhập khẩu chính từ Braxin là khô đậu tương, bột gia cầm, bột lông vũ…

Trong buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các nông dân chăn nuôi tại Đồng Nai mới đây, các chủ trang trại đều phản ánh tình trạng giá thức ăn chăn nuôi quá cao, trong khi giá thịt lợn hơi đang giảm, khiến chăn nuôi đang bị thua lỗ.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu, giá thành heo hơi trong nước hiện khoảng 55.000 đồng/kg, bằng giá thịt heo nhập khẩu đã pha lóc như cốt-lết, nạc vai… nên rất khó cạnh tranh.

Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi – Bộ Nong nghiệp và Phát triển nông thôn: “Lượng nhập khẩu khô đậu tương về Việt Nam trong năm 2023 dự báo tương đương năm 2022, trị giá 2,7 tỷ USD do giá nhập khẩu giảm so với năm 2022. Lượng nhập khẩu dinh dưỡng gia súc nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2023 dự báo đạt khoảng 1,5 triệu tấn, với giá nhập khẩu trung bình 365- 370 USD/tấn”.

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người chăn nuôi, ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng không riêng ở Việt Nam, mà giá heo hơi các nước cũng giảm, thậm chí mức giảm mạnh hơn Việt Nam. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, giá heo hơi hồi tháng 10/2022 là 87.000 đồng/kg, nay còn 55.000-58.000 đồng/kg, dù nước này đã mở cửa trở lại.

“Sang quý 2/2023, giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ giảm, phần nào gỡ khó cho hộ nuôi gia súc, gia cầm”, ông Dương Tất Thắng nhận định, đồng thời cho biết hiện nay, hầu hết thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã được đưa về 0%; chỉ còn riêng mặt hàng khô dầu đậu tương còn chịu mức thuế 2% và đang được kiến nghị đưa về 0%. Trong khi giá nhập khẩu một số chủng loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đã giảm so với năm 2022 như: đậu tương, lúa mỳ, ngô…

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp đã có chỉ đạo quyết liệt trong việc phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Tây Nguyên (bắp, khoai mì) để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục xuất khẩu. Mới đây, Công ty CP Ba Huân đã xuất khẩu thành công trứng gà tươi sang Hồng Kông – Trung Quốc với khối lượng 1 container/tuần.

“Để nâng cao năng lực cạnh tranh, người chăn nuôi phải liên kết, đầu tư sản xuất cho khâu giống; phương thức chăn nuôi cũng phải thay đổi, tiếp cận công nghệ mới khép kín, tự động hóa; xử lý được vấn đề môi trường. Ngành chăn nuôi cũng phải quan tâm đầu tư sơ chế, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm gắn với chuỗi phân phối để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khuyến cáo.

CHU KHÔI

Tạp chí Kinh Tế Việt Nam

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin