Ninh Thuận chủ động ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản
Để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh xảy ra trên gia súc, gia cầm và thủy sản, tỉnh Ninh Thuận đang chủ động các phương án, nguồn nhân lực, vật tư… để xử lý khi có phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm; qua đó nhằm ứng phó kịp thời nguy cơ lây nhiễm các bệnh mới xuất hiện, có khả năng lây truyền từ động vật sang người, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người và động vật nuôi.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Trương Khắc Trí, giải pháp chủ yếu từ bước đầu để phòng chống hiệu quả dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đó là tập trung triển khai công tác tuyên truyền; đồng thời tăng cường tiêm phòng, giám sát, phát hiện dịch bệnh để có biện pháp xử lý, nhất là tập trung triển khai tiêu độc khử trùng, tránh lây lan ra diện rộng, giảm thiểu tối đa thiệt hại xảy ra cho người chăn nuôi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản xây dựng kế hoạch lấy mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh để dự tính, dự báo sớm dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản; đặc biệt lưu ý một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò… và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên tôm nuôi như đốm trắng (WSD), hoại tử gan tụy cấp (AHPND), hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (IHHNV), vi bào tử trùng (EHP)…
Bên cạnh đó, tổ chức các đợt giám sát sau tiêm phòng để xác định mức độ bảo hộ của vaccine phòng bệnh; thường xuyên lấy mẫu nước môi trường tại các vùng nuôi trọng điểm để kiểm tra các chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa trong môi trường nuôi phục vụ cảnh báo sớm dịch bệnh động vật thủy sản. Đồng thời tăng cường kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền chia sẻ, mặc dù tỉnh chưa xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm… nhưng tỉnh đã đưa ra tình huống giả định đó là khi các tỉnh giáp ranh xảy ra dịch bệnh và có nguy cơ lây sang tỉnh thì các hoạt động phòng, chống dịch bệnh vẫn được triển khai như trong tình huống khi chưa có dịch; thực hiện tiêu hủy gia súc, gia cầm ngay khi phát sinh ổ dịch đầu tiên và tiêm phòng khẩn cấp cho gia súc, gia cầm vùng bị uy hiếp.
Khi có dịch bệnh xảy ra, UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp phải tập trung thực hiện đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các biện pháp để xử lý triệt để ổ dịch theo quy định của Luật Thú y, Luật Thủy sản, Luật Chăn nuôi; quy định của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn của cơ quan thú ý.
Ngoài các biện pháp trên, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng yêu cầu chính quyền các địa phương trong tỉnh phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện quy hoạch chăn nuôi tập trung trên địa bàn quản lý; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh và cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật. Đồng thời, tổ chức kiểm ra, đánh giá định kỳ đối với các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, đến nay, mặc dù tỉnh chưa xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm nhưng các mầm bệnh truyền nhiễm vẫn tồn tại trong môi trường, có thể phát sinh và gây ra các ổ dịch, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục… còn tiềm ẩn yếu tố nguy cơ khó lường, trong khi tỷ lệ tiêm phòng các bệnh chưa đạt 100% kế hoạch, chưa đủ mức bảo hộ cho vật nuôi an toàn với dịch bệnh.
Việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi chưa thường xuyên ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật kiểm soát chưa chặt chẽ, đặt biệt là động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc… Hơn nữa sự biến đổi bất lợi của thời tiết ngày càng phức tạp, tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Do vậy, nguy cơ phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm trong thời gian tới là rất cao.
Riêng đối với dịch bệnh thủy sản, do tác động bất lợi của yếu tố môi trường và diễn biến khí hậu cực đoan đã dẫn đến mối nguy dịch bệnh thủy sản tăng cao. Từ đầu năm đến nay, tổng diện tích tôm nuôi ở Ninh Thuận bị bệnh là 18 ha do bệnh đốm trắng (WSD) và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND).
Công Thử