Ninh Thuận hỗ trợ thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn; thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, UBND tỉnh Ninh Thuận trích kinh phí hơn 9,4 tỷ đồng để hỗ trợ các huyện, thành phố trong tỉnh phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ninh Thuận đang tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm đặc thù. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, với nguồn kinh phí trên, tỉnh sẽ phân bổ và hỗ trợ cho 7 huyện, thành phố với kinh phí gần 245 triệu đồng để đầu tư thực hiện xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây trồng; đồng thời hỗ trợ kinh phí hơn 290 triệu đồng cho các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam, Thuận Bắc và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm chuyển đổi các loại cây trồng như nho, táo và một số cây trồng cạn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích và hỗ trợ kinh phí trên 885 triệu đồng cho các địa phương để phát triển hợp tác, hỗ trợ giống, vật tư và liên kết sản xuất cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ nông sản; đồng thời hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng cho 5 dự án là: Dự án trồng trọt của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung; Dự án trồng bưởi da xanh ứng dụng công nghệ cao tại xã Phước Ninh; Dự án trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại xã Nhị Hà; Dự án trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Dự án cây trồng mới ứng dụng công nghệ cao tại xã An Hải, huyện Ninh Phước.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, với kinh phí được hỗ trợ, sở sẽ tổ chức tập huấn cho nông dân và cán bộ hợp tác xã tham gia liên kết theo đề nghị của các huyện, thành phố; đồng thời lựa chọn xây dựng các mô hình khuyến nông tại các dự án liên kết. Đồng thời hỗ trợ các địa phương xây dựng các dự án VietGAP đã được tỉnh phê duyệt danh mục đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện các chính sách về đất đai, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, cây ăn quả gắn với bảo vệ môi trường; đặc biệt xây dựng bản đồ đối với diện tích chuyển đổi từ vùng đất trồng lúa nước kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây trồng cạn để phát huy hiệu quả tài nguyên đất, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, tiết kiệm được nước tưới, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Vì vậy, tỉnh đang tập trung nguồn lực, cơ chế chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương; trong đó chú trọng phát triển các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn trong lĩnh vực nông nghiệp ngoài tỉnh tham gia đầu tư.
Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng các tiêu chí công nhận đó là: Vùng sản xuất nho ứng dụng công nghệ cao Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải; vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao; vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải, huyện Ninh Phước và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phước Tiến, huyện Bác Ái với diện tích sản xuất đạt trên 1.000 ha vào năm 2025.
Công Thử