Nnh Thuận cải tạo, tăng năng suất, chất lượng bò thịt
Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có điều kiện tự nhiên thích hợp cho phát triển chăn nuôi bò đàn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, tính đến tháng 10/2023, tỉnh có tổng đàn bò 121.270 con, tăng 0,4% so với cùng kỳ. Cùng với việc tập trung ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Ninh Thuận còn chú trọng phát triển đồng cỏ phục vụ chăn nuôi, hướng tới nâng tỷ lệ cải tạo giống (sind hóa) đàn bò đạt 55% vào năm 2025.
Chăn nuôi bò lai sind vỗ béo tại xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Ảnh: Công Thử - TTXVN
Cải tạo đàn bò sinh sản hướng thịt
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận, số lượng tổng đàn bò thống kê trên chủ yếu là giống bò vàng ở địa phương, có tầm vóc nhỏ, năng suất, chất lượng và tỷ lệ thịt xẻ thấp; tỷ lệ sind hóa đàn bò mới chỉ đạt khoảng hơn 50%.
Ông Nguyễn Văn Khương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận cho biết, để nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học và nâng cao hiệu quả kinh tế, từ năm 2020 trung tâm đã tổ chức triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình cải tạo để nâng cao năng suất đàn bò thịt địa phương”.
Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận đã xây dựng 3 mô hình cải tạo đàn bò sinh sản hướng thịt với 122 hộ tham gia và được thực hiện với 5 điểm trình diễn, quy mô 500 con bò cái nền được phối giống tại các xã Quảng Sơn, Lương Sơn (huyện Ninh Sơn), xã Phước Sơn, Phước Hải (huyện Ninh Phước), xã Bắc Sơn (huyện Thuận Bắc). Phương pháp thụ tinh nhân tạo đàn bò (sử dụng tinh bò Brahman và tinh bò BBB) được áp dụng rộng rãi đến từng hộ chăn nuôi, giúp người nông dân nắm bắt và áp dụng được kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho đàn bò.
Qua hơn 3 năm thực hiện, từ 500 con bò cái nền được thuật thụ tinh nhân tạo và đã tạo ra 500 con bê lai (350 con lai Brahman và 150 con lai BBB) khỏe mạnh, phát triển tốt, bước đầu cho hiệu quả kinh tế rõ nét thông qua năng suất, chất lượng thịt được xuất bán. Đơn cử như bê lai Brahman nuôi 6 tháng tuổi (trọng lượng bình quân 114 kg/con) của hộ bà Trần Thị Thủy (ở xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn) đã bán với giá trên 8,5 triệu đồng; bê lai BBB nuôi 6 tháng tuổi (trọng lượng bình quân 132 kg/con) của hộ ông Nguyễn Viết Xuân (ở xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước) bán với giá trên 10 triệu đồng.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận, nếu so với bê nội nuôi cùng tuổi khoảng 6 tháng thì chỉ bán được với giá trên 6 triệu đồng/con, còn với con bê lai Brahman và bê lai BBB được bán với giá cao hơn từ 3 - 4 triệu đồng/con. Điều đó cho thấy việc ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, sind hóa đàn bò đang mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho người chăn nuôi.
Hướng đến tăng năng suất
Ông Thái Văn Thành (Trưởng phòng kỹ thuật Khuyến nông - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận), Chủ nhiệm dự án Xây dựng mô hình cải tạo để nâng cao năng suất đàn bò thịt địa phương cho biết, dự án khi triển khai đã tạo ra những tác động tích cực đến nghề nuôi bò của địa phương. Nó không chỉ giúp nâng cao năng suất và chất lượng bò nuôi mà còn giúp thay đổi tập quán chăn nuôi từ thả rông sang xây dựng chuồng nuôi đúng kỹ thuật, có quản lý và kiểm soát được các yếu tố lây lan mầm bệnh.
Để hiểu rõ hơn về những tác động của dự án, chúng tôi tìm đến xã vùng sâu Bắc Sơn (huyện Thuận Bắc). Là xã thực hiện dự án, Bắc Sơn đã chú trọng phát triển nuôi bò thịt theo một hướng mới và đến nay đã nâng tổng đàn lên hơn 3.790 con, trở thành địa phương phát triển mạnh nghề chăn nuôi bò của huyện.
Ông Tôn Long Dũng, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết, nhờ tham gia dự án, áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo vào mô hình nuôi bò vỗ béo nên hiệu quả bước đầu mang lại rất đáng khích lệ. Điển hình như hộ chị Mai Thị Nở ở làng Chăm Bỉnh Nghĩa. Chị Nở cũng là cán bộ nông nghiệp của xã, hiện đang nuôi trong chuồng 19 con bò.
Hằng năm chị bán trung bình 10 con bò thịt với giá 30 triệu đồng/con và đã tăng thu nhập đáng kể cho gia đình. Hiện nay, nhiều hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Chăm và Raglai ở địa phương đều được tạo điều kiện vay vốn, đầu tư chăn nuôi bê lai Brahman hoặc BBB theo hướng thịt để tăng nguồn thu so với nuôi bò vàng địa phương trước đây.
Không chỉ ở các địa phương thực hiện dự án trên, thời gian qua mô hình nuôi bò hướng thịt còn được thực hiện ở một số địa phương khác ở tỉnh Ninh Thuận. Đơn cử như ở xã An Hải (huyện Ninh Phước), ngoài việc phát triển trồng rau an toàn, xã còn phát triển nghề chăn nuôi bò hướng thịt. Anh Trần Hợi, Bí thư Chi bộ thôn Nam Cương, xã An Hải cho biết, bà con ở đây nuôi bò lai sind từ khi triển khai dự án Hỗ trợ Tam nông trước đó nên việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi được triển khai khá tốt.
Hiện nay 45% số hộ ở thôn Nam Cương có đất sản xuất khoảng từ 3 - 5 sào đều kết hợp nuôi thêm từ 10 - 15 con bò, hộ nuôi nhiều nhất từ 30-55 con, hộ nuôi ít nhất cũng 7 con bò. Nhờ phát triển mô hình chăn nuôi bò hướng thịt, có nguồn thu nhập cao nên số hộ nghèo có thu nhập trung bình khá và giàu có đã tăng lên đáng kể.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận, từ quy mô ban đầu nuôi 500 con với 122 hộ tham gia, đến nay dự án Xây dựng mô hình cải tạo để nâng cao năng suất đàn bò thịt địa phương đã tiếp tục được triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh, với số lượng 152 con bò được 74 hộ nuôi, cao hơn yêu cầu của dự án 75 con. Điều đó cho thấy, tác động tích cực của dự án mang lại và hoàn toàn có khả năng nhân rộng, tạo tiền đề hình thành các làng nghề chăn nuôi bò ở các địa phương của tỉnh, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng vùng, miền, tạo sản phẩm mang thương hiệu riêng biệt có tính cạnh tranh, phù hợp với bối cảnh khắt khe của thị trường hiện nay.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, với kết quả có được trên, đồng thời để giữ vững “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 xây dựng được 5 vùng chăn nuôi bò tập trung tại các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc, với quy mô 44.000 con, chiếm khoảng 44,37% tổng đàn bò; trong đó, tỷ lệ nuôi nhốt tối thiểu đạt 10% tổng đàn.
Công Thử