|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng

(QBĐT) - Thời gian gần đây, nhờ có nhiều nỗ lực trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng (QL, BV, PTR), nên diện tích và chất lượng rừng thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực; số vụ việc xâm hại, lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp, khai thác rừng trái phép được ngăn chặn, hạn chế đáng kể…

 
BQLRPH huyện Quảng Ninh được giao QL, BV, PTR với diện tích 52.545,43ha (trong đó, đất rừng phòng hộ hơn 41,6 nghìn ha, đất rừng sản xuất gần 11 nghìn ha). Với diện tích rừng lớn, phân bố ở địa giới hành chính 4 xã Vĩnh Ninh, Hàm Ninh, Trường Xuân, Trường Sơn, BQLRPH huyện Quảng Ninh xác định: Đây là khu vực có nhiều núi cao, vực sâu, sông, suối và nhiều tuyến đường giao thông quan trọng, như: Đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông và nhánh Tây), Quốc lộ 9E, 9B…; địa hình hiểm trở, một số diện tích giáp với nước bạn Lào; nhiều tiểu khu trong lâm phần của đơn vị hiện có trữ lượng gỗ rất lớn; nhu cầu của người dân về đất để trồng rừng rất cao; vẫn còn nhiều hộ dân sống phụ thuộc nhiều vào săn bắt, đốt rừng làm nương rẫy, thậm chí khai thác gỗ trái phép…
 
Chính những yếu tố này đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động xấu đến công tác QL, BV, PTR của đơn vị. Trước thực tế đó, BQLRPH huyện Quảng Ninh thường xuyên triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nạn xâm hại rừng trái phép.

Kiểm tra, thăm hỏi lực lượng ở các chốt bảo vệ rừng.

Kiểm tra, thăm hỏi lực lượng ở các chốt bảo vệ rừng.

Ngay từ đầu năm 2024, BQLRPH huyện Quảng Ninh đã chủ động xây dựng phương án bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) với nhiều giải pháp trọng tâm, sát với thực tiễn của từng vị trí, địa bàn.
 
Cụ thể, đối với công tác BVR, đơn vị đã “khoanh vùng” các tiểu khu có khả năng xảy ra tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, như: Khu vực khe Môn, khe Quân Giới, đường Đá Nhún…, giáp ranh với Lâm trường Vĩnh Long; các tiểu khu nằm dọc tuyến sông Long Đại, giáp với rừng trồng của các hộ dân ở bản Lâm Ninh, Khe Dây (xã Trường Xuân), Hôi Rấy, Nước Đắng (xã Trường Sơn); các tiểu khu giáp với rừng trồng của các hộ dân ở bản Chân Trôộng, Đá Chát, Bến Đường, Cây Cà, Trung Sơn thuộc (xã Trường Sơn)… Bên cạnh đó, đơn vị còn chủ động “khoanh vùng” các địa điểm có khả năng xảy ra khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, như ở các tiểu khu (TK) 335, 333B, 346…
 
Đối với công tác PCCCR, BQLRPH huyện Quảng Ninh đã xây dựng phương án PCCCR năm 2024 với 7 vùng trọng điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, gồm các khu vực: Lèn Oong; TK 389A, 545; TK 540, 541; TK 542; khu vực khe Lùi thuộc TK 311, 312; khu vực Khe Liệt thuộc TK 330; TK 309, 310. Mặt khác, đơn vị còn chủ động triển khai xử lý thực bì, lau lách, cỏ tranh dễ gây ra cháy rừng; tu sửa chòi canh và các phương tiện PCCCR; thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết và phân công công việc hàng ngày trên bảng trực, sổ trực PCCCR; giao nhận địa điểm, diện tích rừng rõ ràng cho từng cá nhân, bảo đảm nhiệm vụ canh trực báo cháy 24/24 giờ.
 
BQLRPH huyện Quảng Ninh đã thực hiện kiện toàn Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Ban Chỉ đạo có 25 thành viên, 7 tổ, trạm BVR trực thuộc. Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cũng được điều chỉnh nhằm phù hợp hơn với thực tiễn công tác. Hiện nay, đơn vị đã phối hợp triển khai, duy trì 11 chốt BVR cố định, dã chiến nằm sâu trong rừng và tại những tuyến đường trọng điểm nhằm ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng trái phép.

Giám đốc BQLRPH huyện Quảng Ninh Đỗ Minh Cừ cho biết, đơn vị cũng đã thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ cần thiết trong công tác BVR và PCCCR, như: Ký kết quy chế phối hợp giữa BQLRPH huyện Quảng Ninh với Hạt Kiểm lâm và Công an huyện Quảng Ninh, Đồn Biên phòng Làng Mô, UBND các xã Trường Xuân, Trường Sơn, Vĩnh Ninh, Hàm Ninh và chi nhánh các lâm trường Trường Sơn, Khe Giữa, Phú Lâm, Vĩnh Long…; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác BVR và PCCCR; tổ chức triển khai thực hiện nhiều phương án tuần tra, kiểm tra, truy quét tại những vùng trọng điểm để ngăn chặn kịp thời các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép; kịp thời họp bàn, đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ từng tháng, quý để đúc rút kinh nghiệm, sớm khắc phục những hạn chế, thiếu sót…

Nhờ chủ động bám nắm thông tin, “tăng dày” nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, sử dụng lực lượng hợp đồng lao động BVR hiệu quả, làm tốt công tác QL, BV,  PTR…, năm 2023, lực lượng BVR của BQLRPH huyện Quảng Ninh đã phát hiện, lập biên bản xử lý 13 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ 4,247m3 gỗ các loại..., lập hồ sơ chuyển giao cho Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh xử lý theo quy định. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với đoàn liên ngành ở huyện lập biên bản xử lý 3 vụ, thu giữ 1,915m3 gỗ các loại và 1 máy cưa xăng, 1 xe gắn máy. Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác QL, BV, PTR ở BQLRPH huyện Quảng Ninh cơ bản ổn định, không có vụ vi phạm lâm luật nghiêm trọng và cháy rừng xảy ra.
V.Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết