Nông dân Cò Nòi giàu lên nhờ trồng mía
Với nghị lực, sự cần cù, chịu khó, hàng nghìn hộ dân ở vùng đất anh hùng - xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu bằng trồng cây mía.
Bản Mòn, xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn) được mệnh danh là một trong những vùng trồng nhiều mía nhất của xã. Bao quanh bản là những quả đồi bát úp với màu xanh ngút của cây mía đang trong thời kỳ sinh trưởng.
Người dân nơi đây bắt đầu trồng mía từ những năm 2000. Ban đầu chỉ có 30 hộ trồng, diện tích hơn 20 ha. Từ khi được Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ký kết thu mua, người dân đã yên tâm nhân rộng diện tích trồng mía, đến nay cả bản đã có 190 hộ trồng, diện tích tăng lên hơn 200 ha.
“Trước đây toàn bộ những diện tích mía bạt ngàn của bản Mòn là cây ngô, cây sắn, năng suất thấp, mỗi vụ chỉ thu được 6 tấn/ha, nên cuộc sống người dân khó khăn lắm. Bây giờ thì khác rồi, nhờ trồng cây mía mà đời sống của người dân trong bản đã đổi thay, nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững, có thu nhập khá, hiện bản chỉ còn 9 hộ nghèo”, ông Lèo Văn Trựa, trưởng bản Mòn, bảo vậy.
Gia đình anh Lò Văn Chung, bản Bó Hặc, hiện có hơn 2 ha mía được trồng từ năm 2006, vụ năm vừa qua, gia đình anh thu được hơn 200 tấn, với giá 850 đồng/kg, thu về gần 200 triệu đồng. Thu nhập từ trồng mía đã giúp gia đình anh có của ăn, của để, xây dựng được ngôi nhà kiên cố, khang trang, các con được học hành chu đáo. Bên cạnh đó, trồng mía còn được thu nhập kép, cây bán cho được Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (Công ty); ngọn và lá mía được gia đình anh ủ chua làm thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông.
Còn gia đình anh Ly A Súa, bản Nong Mòn, năm 2016, gia đình anh chuyển gần 1,5 ha đất nương trồng ngô sang trồng mía, trung bình mỗi năm gia đình anh Súa thu nhập hơn 100 triệu đồng từ bán mía. Anh Súa, chia sẻ: Do điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi phát triển trồng cây mía, bởi vậy năm nay, gia đình tôi đã trồng thêm hơn 1,5 ha mía nữa. Từ khi trồng mía, người dân chúng tôi đã được cán bộ của Công ty hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, chỉ đầu tư giống trồng năm đầu, những năm sau chỉ cần chăm sóc nên không tốn nhiều chi phí. Thời gian thu hoạch cây mía bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
Có thể thấy cây mía đã bén rễ trên đồng đất Cò Nòi đã lâu, nên người trồng mía có kinh nghiệm trong sản xuất. Đồng thời, hằng năm, Công ty còn tạo điều kiện cho các hộ dân có ký cam kết trồng mía nguyên liệu vay để đầu tư phục vụ sản xuất, với nhiều chính sách hỗ trợ như, cung ứng trả chậm giống mía, phân bón, hỗ trợ làm đất trồng mía, tổ chức mở các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác cho nông dân.
Khi đến mùa thu hoạch, Công ty đều sửa chữa đường đi lối lại vào khu sản xuất cgho thuận lợi hơn. Công ty còn cử cán bộ nhà máy xuống phổ biến lịch cho bà con, đồng thời hướng dẫn bà con thu hoạch đúng thời vụ, xếp lịch thu mua, vận chuyển, bảo đảm công tác thu hoạch không bị gián đoạn. Thu mua đến đâu, Công ty thanh toán cho bà con đến đó, nhờ vậy bà con rất yên tâm với cây mía.
Đến nay, toàn xã Cò Nòi có hơn 2.100 ha cây mía được trồng tập trung ở các bản Mòn, Bó Hặc, Nong Te, Mu Kít, Nong Mòn, Quỳnh Tiến, Hin Thoại… Trong đó, sản lượng ước đạt hơn gần 170.000 tấn/năm phục vụ cho Công ty. Cùng với đó, Công ty đã đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, đưa công suất nhà máy từ 3.000 tấn mía/ngày lên 5.000 tấn mía/ngày, bảo đảm tiêu thụ hết mía nguyên liệu cho nông dân.
Có thể nói, cây mía đang là một trong những cây trồng chủ lực được người dân xã Cò Nòi lựa chọn trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhờ liên kết trồng mía với Công ty, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Cò Nòi năm 2020 chỉ còn 2,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 35,5 triệu đồng/người/năm. Điều này chính là động lực giúp người dân Cò Nòi tích cực hăng say lao động, sản xuất, vươn lên trở thành những nông dân làm kinh tế giỏi ở địa phương.