Nông dân Mường Thải kỳ vọng cam được mùa, được giá
Về xã Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La trong những ngày đầu tháng 11, ấn tượng với chúng tôi là những vườn cam của người dân nơi đây đang vào mùa sai trĩu quả vàng rực, hứa hẹn một mùa bội thu.
Khắp các dọc đường quốc lộ 37 đi qua địa phận xã Mường Thải, hỏi đâu, bà con ai cũng bảo vụ cam năm nay được mùa, được giá.
Dừng tay xếp những quả cam trưng bày mời chào bán cho khách, ông Nguyễn Ngọc Yên, bản Văn Phúc Yên, dẫn chúng tôi lên vườn cam Vinh của gia đình. Ông Yên, phấn khởi: Năm 2012, gia đình tôi bắt đầu trồng cam, đến nay tôi có 2,8 ha cam Vinh, cam Đường Canh. So với mọi năm, vụ cam năm nay, do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cam Vinh giá thấp hơn từ 1 - 3 nghìn đồng. Tuy nhiên, cam Đường Canh hiện tại giá lại cao hơn mọi năm. Nếu như niên vụ năm 2020, giá bán 28 nghìn đồng/kg thì vụ đầu mùa năm nay đã lên tới 35 nghìn đồng/kg.
Cũng theo ông Yên, với diện tích hơn 2 ha cam đã cho thu hoạch, trong đó, 1 ha cam Vinh, đến thời điểm này gia đình ông đã thu được gần 1 tấn quả, với giá bán, 7 nghìn đồng/kg, thu về 7 triệu đồng, dự kiến hết vụ sẽ thu 15 tấn, thu về hơn 100 triệu đồng từ bán cam Vinh.
Còn 1 ha cam Đường Canh cũng sai quả nhiều lắm, gia đình ông Yên phải lấy cột chống để cây không bị đổ. Hiện cam Đường Canh cũng đang bắt đầu cho thu, với giá ổn định như bây giờ, gia đình sẽ thu 30 tấn quả, thu về gần 1 tỷ đồng.
Cách vườn ông Yên không xa, là vườn cam của gia đình ông Nguyễn Văn Ngân. Gia đình ông Ngân trồng 3 ha chủ yếu cam Đường Canh. Toàn bộ diện tích cam của gia đình được sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ nên năng suất, sản lượng cao hơn. Dự kiến vụ năm nay, sẽ cho thu 50 tấn quả, mang lại doanh thu cho gia đình hơn 1,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi 1 tỷ đồng.
Xã Mường Thải hiện có hơn 200 ha cam, chủ yếu là cam Đường Canh, cam Vinh, V2, cam Sen… được trồng tập trung ở các bản Thải, Khe Lành, Văn Phúc Yên. Với sản lượng hằng năm đạt trên 2.000 tấn quả, doanh thu hàng tỷ đồng, mang lại thu nhập ổn định, giúp người dân xóa nghèo.
Từ lâu cam Mường Thải đã trở thành thương hiệu riêng cho vùng đất Mường Thải nói riêng, huyện Phù Yên nói chung, được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Cam bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 10 - 12, tùy thuộc vào từng loại cam chín sớm hay muộn. Cây cam cho những quả to đều, mỏng vỏ và ngon ngọt.
Để nhân rộng diện tích cam, những năm qua, xã Mường Thải đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây lương thực ngắn ngày sang trồng các loại cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao hơn. Trong đó, cây cam phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây nên được lựa chọn trồng thay thế các loại cây trồng khác.
Bên cạnh đó, để cây cam phát triển ổn định, năng suất chất lượng cao, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ trồng cam. Hướng dẫn người dân tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh và đốm tỉa những cây già...
Đồng thời, tổ chức cung ứng giống, phân bón cho các hộ đăng ký trồng mới. Khuyến khích bà con thành lập HTX, tổ hợp tác, phát triển sản xuất theo quy trình VietGAP và hữu cơ, hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam, sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Cũng theo người dân trồng cam nơi đây, năm nay, do mưa nhiều, chịu ảnh hưởng một thời gian dài của dịch Covid-19 nên việc thăm vườn, chăm sóc cho cây cam không được thường xuyên. Bởi vậy, cam cũng bị rụng nhiều, thối nhũn… song giá cả cũng không chênh lệch nhiều so với các năm khác.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, ông Đinh Đức Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Thải, cho hay: Cây cam đã trở thành cây chủ lực mang lại thu nhập chính, góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến dịch Covid-19 hiện nay đang còn diễn biến phức tạp, do đó, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành địa phương trong việc bảo quản, quảng bá và tiêu thụ nông sản cho bà con.
Với khí thế phấn khởi của đầu vụ cam, tin rằng, vụ cam năm nay, người nông dân Mường Thải sẽ được mùa, được giá.