|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông dân Tây Bắc: Từ bỏ ma tuý, lão nông người Mông viết lại cuộc đời

Nhờ cải tạo tốt, sau 11 năm chấp hành án tù vì tội buôn bán trái phép ma tuý, ông Vừ Giống Của, sinh năm 1967, bản Nong Mòn (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) được đặc xá trở về địa phương đoàn tụ với gia đình. Ông Của đã viết lại cuộc đời của mình và trở thành một nông dân làm kinh tế giỏi.

Một thời bị đồng tiền từ ma tuý làm mờ mắt

Năm 1991, gia đình ông Của cùng nhiều hộ dân di cư từ xã vùng cao Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La về định cư bản Nong Mòn, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, với mong muốn duy nhất đẩy lùi được đói nghèo.

Cứ nghĩ ở vùng đất mới Nong Mòn bằng phẳng, có thừa tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, gia đình ông Của sẽ nhanh chóng bứt phá đi lên. Nhưng nơi đây lại chính là vùng đất dữ khiến ông Của vướng vào vòng lao lý.

Từ bỏ ma tuý, lão nông người Mông viết lại cuộc đời - Ảnh 1.

Nhờ tích cực lao động sản xuất, đến nay cuộc sống của gia đình ông Của đã bước sang một trang mới. Ảnh: Mùa Xuân.

Tâm sự với chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 mới được xây dựng khang trang, ông Của nhớ lại: Khi mới về Nong Mòn, tôi là chàng thanh niên trai tráng mới 24 tuổi. Tôi mong muốn sẽ sớm cùng gia đình đánh thức vùng đất mới để có cuộc sống ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, là dân di cư tự do nên cuộc sống thiếu thốn trăm bề.

Xuất phát từ khó khăn đó cộng với tính bồng bột của tuổi trẻ, tôi đã bị lợi nhuận tức thời từ buôn bán ma tuý làm mờ mắt. Tôi bắt đầu buôn ma tuý từ năm 1994, đến năm 2000 thì bị công an bắt. Sau đó, tôi bị kết án 15 năm tù giam về tội buôn bán trái phép chất ma tuý.

Từ bỏ ma tuý, lão nông người Mông viết lại cuộc đời - Ảnh 2.

Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng của gia đình ông Của. Ảnh: Tuệ Linh.

Trong thời gian ở tù, ông Của cải tạo tốt nên được giảm 4 năm tù, từ 15 năm xuống còn 11 năm. "Có tội, ở tù mới thấu hiểu và trân trọng cuộc sống hơn bao giờ hết. Tôi luôn tâm niệm phải cố gắng cải tạo thật tốt để được khoan hồng, sớm về đoàn tụ với gia đình. Tôi thương những đứa con của mình đã thiếu vắng đi tình thương của một người cha…", ông Của nói với chúng tôi với đôi mắt đỏ hoe.

Viết lại cuộc đời từ 2 bàn tay trắng

Ngày bước chân rời khỏi trại giam Yên Hạ (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La), ông Của ngước nhìn lên ánh nắng mặt trời và quyết tâm viết lại cuộc đời của mình bằng việc tích cực sản xuất. "11 năm ở tù, tôi hiểu ra rằng chỉ có cần cù lao động mới mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mình và gia đình", ông Của nói.

Ngày về đoàn tụ với gia đình, ông Của không cầm được nước mắt trước căn nhà cũ kỹ, rách nát - nơi mà vợ con ông đang sống nương tựa vào nhau trong thời gian 11 năm ông ở tù.

Từ bỏ ma tuý, lão nông người Mông viết lại cuộc đời - Ảnh 3.

Gia đình ông Của liên kết trồng mía với Công ty Cổ phần mía đường Sơn La. Ảnh: Tuệ Linh.

Không chỉ vậy, những ánh mắt dị nghị của hàng xóm, láng giềng khiến ông Của tự ti về quá khứ, không biết phải bắt đầu làm lại cuộc đời từ đâu. Nhưng chính từ tình yêu thương của gia đình, sự giúp đỡ chính quyền địa phương đã tạo động lực giúp ông Của quyết tâm làm lại cuộc đời từ 2 bàn tay trắng.

Năm 2012, ông Của mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mai Sơn để phát triển kinh tế gia đình. Với số tiền 40 triệu đồng vay được, ông Của mua 2 con bò giống sinh sản về nuôi. Đến nay, gia đình ông Của có hơn 10 con bò, dê, 7 con lợn.

Bên cạnh đó, gia đình ông Của trồng thêm ngô, liên kết trồng 1,5 ha mía với Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, gia đình ông Của thu nhập trên 100 triệu đồng.

Từ bỏ ma tuý, lão nông người Mông viết lại cuộc đời - Ảnh 4.

Giờ đây, ông Của đã đánh thức vùng đất dữ Nong Mòn bằng cây ngô, cây mía. Ảnh: Mùa Xuân.

Trời không phụ lòng người, sau nhiều năm cần cù lao động sản xuất, đến nay cuộc sống gia đình ông Của đã bước sang một trang mới. Điều khiến ông Của vui nhất là ông đã xây được một ngôi nhà cấp 4 khang trang, với diện tích 90 m2 cho vợ con ở.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vàng A Nụ, Trưởng bản Nong Mòn, cho biết: Sau khi được đặc xá trở về địa phương, ông Của luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy ước, hương ước của bản. Từ bàn tay trắng, ông Của đã vươn lên thành một nông dân làm kinh tế giỏi ở bản và trở thành một công dân tốt. Ông Của là bằng chứng sống để tuyên truyền, vận động người dân trong bản tránh xa ma túy.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin