|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông dân xã biên giới ở Lai Châu làm giàu từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ

Những năm qua, nhờ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, nhiều hội viên phụ nữ ở xã Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu có điều kiện xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, cho thu nhập ổn định, thoát cảnh nghèo khó.

Phụ nữ Mường So sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi

Chia sẻ với báo Nông thôn ngày nay / Dân Việt / Trangtraiviet điện tử, bà Đèo Thị Khương, Chủ tịch Hội LHPN xã Mường So (huyện Phong Thổ, Lai Châu) cho biết: Hội LHPN xã Mường So, huyện Phong Thổ hiện có hơn 1.000 hội viên sinh hoạt tại 11 chi hội.

Những năm qua, hội LHPN xã Mường So luôn xác định nguồn tín dụng chính sách xã hội là nguồn lực quan trọng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Theo bà Khương, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ. Được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này, hội viên phụ nữ Mường So đã vượt qua nghèo khó, làm giàu chính đáng và góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Nông dân xã biên giới ở Lai Châu làm giàu từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ - Ảnh 2.

Hội LHPN xã Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu nhiều năm qua đã trở thành cầu nối giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua Ngân hàng CSXH. Ảnh: Tuấn Hùng

Bản Vàng Pheo, xã Mường So là bản du lịch cộng đồng mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Bản mang trong mình những nét đặc trưng, độc đáo riêng biệt, vì thế hàng năm thu hút đông đảo du khách đến thăm quan. Nhờ đó, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ vươn lên làm giàu chính đáng.

Nhắc đến chị Vàng Thị Nghín, ở bản Vàng Pheo không ai là không khâm phục sự nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế của chị Nghín.

Trước đây, gia đình chị rất khó khăn, thu nhập bấp bênh. Quyết tâm thoát nghèo, từ nguồn vốn ưu đãi, chị Nghín mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo mô hình tổng hợp. Nghĩ là làm, từ nguồn vốn vay, chị sửa sang lại chuồng trại, mua gia súc, gia cầm về chăn nuôi.

Từ sự cần cù lao động, sự nhạy bén với thị trường và sự tìm tòi học hỏi về kỹ thuật chăm sóc, đến nay gia đình chị có khoảng 200 con gà, vịt, đàn lợn hơn 10 con. Mỗi năm từ hoạt động chăn nuôi, chị Nghín "đút túi" gần 50 triệu đồng.

Chăn nuôi phát triển, có vốn chị Nghín xoay ra mở quán ăn phục vụ du khách đến thăm quan trải nghiệm tại bản với những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc Thái. Chia sẻ với chúng tôi, chị Nghín hồ hởi tâm sự: Trước đây kinh tế của gia đình rất khó khăn, tôi rất muốn thoát nghèo và làm giàu nhưng ngặt nỗi không có công cụ sản xuất lại thiếu vốn. 

Nông dân xã biên giới ở Lai Châu làm giàu từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ - Ảnh 3.

Chị Vàng Thị Nghín (bên phải ảnh) ở bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và trở thành hộ có thu nhập khá ở địa phương. Ảnh: Tuấn Hùng

Sau khi được vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện thông qua chi hội LHPN xã, tôi đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, đầu tư vào chăn nuôi. Như các anh chị thấy đó, giờ gia đình tôi đã có của ăn của để, con cái được học hành đầy đủ, tôi cũng có điều kiện hơn để chăm sóc cho bản thân và gia đình.

Nguồn lực quan trọng giúp phụ nữ Mường So làm giàu

Thực tế cho thấy, thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, nhiều hội viên phụ nữ ở bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu) đã vận dụng nguồn vốn, xây dựng các mô hình kinh tế cho hiệu quả.

Bản Vàng Pheo hiện có 2 tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó bà Lò Thị Thín là tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn của 56 hộ dân. Chia sẻ với phóng viên, bà Thín cho biết, bà đã gắn bó làm cầu nối giữa Ngân hàng CSXH với hội viên phụ nữ trong bản gần 20 năm. Bà luôn đau đáu nỗi lo về những khó khăn của hội viên, bà Thín thấu hiểu cái đói, cái nghèo đeo bám chị em bấy lâu, vì thế bà Thín luôn gần gũi, sát sao, đồng hành với các hộ gia đình trong việc vay vốn và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.

Nông dân xã biên giới ở Lai Châu làm giàu từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ - Ảnh 4.

Có vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, hội viên phụ nữ ở xã Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nhờ đó có thu nhập ổn định, nhiều hội viên đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ảnh: Tuấn Hùng

Theo bà Thín, nhờ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã giúp nhiều người dân có nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế như trồng cây lâu năm, chăn nuôi trâu bò, lợn. Từ các mô hình đó, nhiều hội viên đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Được biết, đến nay tổng số dư nợ do Hội LHPN xã Mường So đứng ra tín chấp cho hội viên vay đạt gần 20 tỷ đồng tại 8 tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong quá trình hỗ trợ, xét duyệt nguồn vốn, hội LPHN xã luôn bám sát vào hướng dẫn của Phòng giao dịch Ngân hàng NHCS huyện Phong Thổ thực hiện công khai, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích.

Đồng thời hội cũng phối hợp với các ban, ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát các chị em đã được tiếp nhận nguồn vốn vay để kịp thời đôn đốc nhắc nhở đóng lãi, tham gia gửi tiền tiết kiệm tổ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng vốn…

Chia sẻ thêm với chúng tôi, bà Đèo Thị Khương, Chủ tịch Hội LHPN xã Mường So cho hay: Phát huy những kết quả đã đạt được, Hội LHPN xã Mường So sẽ chủ động đổi mới trong cách làm, tiếp tục tăng cường khai thác các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH.

Nông dân xã biên giới ở Lai Châu làm giàu từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ - Ảnh 5.

Ngoài trở thành cầu nối giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, Hội LHPN xã Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu còn thường xuyên thăm hỏi, động viên, khích lệ chị em phụ nữ vượt khó phát triển kinh tế, góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương. Ảnh: Tuấn Hùng

Tập trung tuyên truyền phổ biến Nghị định số 28 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 - 2030.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ nỗ lực phát huy phong trào hội viên phụ nữ giúp nhau trong sản xuất, đời sống, tạo điều kiện giúp chị em vượt qua những khó khăn ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương Mường So ngày càng phát triển.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin