Nông thôn Tây Bắc: Bao trái cho cây ăn quả trước khi thu hoạch
Nhiều nông dân ở Thành phố Sơn La (Sơn La) đã tìm tòi, học hỏi và ứng dụng bọc túi cho cây ăn quả, bảo đảm quyền lợi cho người tiệu dùng và môi trường.
Bao trái cho cây ăn quả, giúp nông dân đạt năng xuất cao
Nhiều năm nay, vườn xoài Đài Loan của gia đình anh Lò Văn Pản, bản Híp, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La (Sơn La) được nhiều thương lái tìm đến tận nơi để thu mua. Xoài của gia đình anh Pản quả to, ít hạt, không bị sâu bệnh tấn công, mẫu mã đẹp.
Anh Pản chia sẻ: Gia đình ông bắt đầu trồng xoài Đài Loan từ năm 2016, với 200 gốc. Nhận thấy việc bao trái xoài lại hiệu quả, 3 năm trở lại đây, khi xoài đậu quả non, gia đình ông đã tiến hành bao trái cây. Cách làm này, không chỉ giúp quả xoài không bị rám nắng mà còn hạn chế được tỷ lệ bị hỏng, bị thối do ảnh hưởng của thời tiết và côn trùng gây ra. Hiện nay môi vụ xoài gia đình anh xuất ra thị trường khoảng 12 tấn quả.
"Khi cây cho quả to bằng ngón tay cái thì phải dùng túi để bọc quả, tránh côn trùng gây hại, cũng như giúp cho quả đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nhờ áp dụng kỹ thuật bọc túi cho quả nên từ khi bọc đến khi cho thu hoạch gia đình không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật, vừa bảo vệ sức khỏe cho người trồng, vừa đảm bảo an toàn cho người sử dụng", anh Pản Chia sẻ
Còn đối với gia đình bà Cà Thị Hoa, bản Phường, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La (Sơn La). Đầu năm 2020, gia đình bà cũng đã bắt đầu tìm hiểu và ứng dụng thành công việc bọc túi giữ quả nhãn của gia đình. Nếu như trước đây, mỗi cây nhãn tỷ lệ giữ được quả là 60%, thì đến nay tỷ lệ này đã tăng lên đến trên 90%, trong khi đó túi bọc quả lại giá rẻ. Với vườn nhãn trên 200 gốc, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác, vườn nhãn gia đình chị cho thu hoạch hơn 7- 9 tấn, quả to, chín đều, năng suất cao được thương lái đến thu mua tận vười, với mức giá ổn định từ 10.000-15.000 đồng/kg.
"Trước đây, môi khi ra quả, gia đình chưa biết phương pháp bọc quả bằng túi nên nhiều quả bị ảnh hưởng của sâu hại và bọ xit, quả lép nên phải cắt bỏ đi những chùm hỏng, dẫn đến sản lượng giảm đi một phần. Sau khi được cán bộ khuyến nông thành phố tuyên truyền gia đình tôi đã áp dụng phương pháp bọc túi cho quả. Tôi thấy phương pháp hiệu quả rất tốt, tránh được thời tiết và côn trùng gây hại. Đồng thời quả không bị lép, trông đẹp và bắt mắt, dễ bán hơn", bà Hoa nói.
Xác định việc bao trái cây, khâu quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La (Sơn La) cho biết: Thành phố có tổng diện tích 4.120 ha cây ăn quả, trong đó, 883 ha xoài, 2.251 ha mận, 478 ha nhãn và một số cây ăn quả khác như cam, quýt, bưởi, thanh long.
Trong những năm qua, cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách để đầu tư, hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển; các cấp, các ngành đã vào cuộc sát cánh để hỗ trợ, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, trong đó có phương pháp bao trái cây.
Hiện nay, trên địa bàn đã có một số mô hình hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều mô hình HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đã giúp cho việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản hàng hóa ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, việc tiêu thụ và xuất khẩu các mặt hàng nông sản của thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là các sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường về chất lượng sản phẩm, mẫu mã.
Xác định việc bao trái cây là một trong những khâu quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm, thành phố Sơn La đã đẩy mạnh công tác truyền tuyên truyền, vận động nông dân hiệu về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả về kinh tế, môi trường, sức khỏe con người của việc bao trái cây, từ đó nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân để mọi người dân tự giác tham gia thực hiện phong trào bao trái cây phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu. Thành phố sẽ phấn đấu thực hiện bao trái cây bảo đảm theo quy trình kỹ thuật, qua đó, để phong trào bao trái cây thực sự trở thành việc làm thường xuyên.
"Bọc trái trước khi thu hoạch là một trong những kỹ thuật tiên tiến, dễ thực hiện và đem lại hiệu quả cao cho người sản xuất. Biện pháp này, có ưu điểm: Giá thành rẻ, ngăn được sâu bệnh, hạn chế nắng nóng và mưa, quả có mẫu mã đẹp đồng đều, giảm tỷ lệ quả bị rụng do bị sâu bệnh gây ra, giảm thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất cây trồng", ông Phương nói.