Nông thôn Tây Bắc: Than Uyên giữ rừng để giảm nghèo
Ý thức giữ rừng của người dân Than Uyên (Lai Châu) đang ngày một nâng lên, giúp những cánh rừng ở vùng Nông thôn Tây Bắc này thêm xanh, thêm giàu...
Ý thức giữ rừng của người dân huyện Than Uyên được nâng lên
Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) nhận thức của người dân huyện Than Uyên về khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng không ngừng nâng lên. Nhờ đó, diện tích rừng của huyện ngày càng phát triển xanh tốt, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân, nhất là với hộ nghèo trên địa bàn.
Đến các xã: Hua Nà, Mường Cang, Mường Than, Phúc Than... của huyện Than Uyên, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến những khu đất trồng, đồi núi trọc trước đây, giờ đã phủ kín màu xanh của những cánh rừng tươi tốt. Kết quả đó có được là nhờ có sự tham gia tích cực của người dân các xã, bản trong công tác khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng. Nhận thực được giá trị to lớn của rừng, người dân huyện Than Uyên đã coi rừng như báu vật, từ đó chung sức bảo vệ, phát triển rừng.
Nói như anh Lò Thanh Tùng – Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Than Uyên, thì chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động trực tiếp đến ý thức, trách nhiệm giữ rừng của người dân trong huyện. Được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân các xã, bản trong huyện hăng hái hơn, tích cực hơn trong việc bảo vệ, phát triển rừng.
"Xác định mất rừng là mất tiền, giữ rừng xanh tốt là có tiền, có cuộc sống ấm no, người dân ở các bản, khu dân cư trong huyện tự giác bảo vệ rừng. Các bản, khu dân cư đều thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng, với sự tham gia người dân. Mỗi gia đình cử một người tham gia tổ chuyên trách bảo vệ rừng. Tổ chuyên trách bảo vệ rừng ở các bản, khu dân cư hoạt động khá tích cực và hiệu quả, góp phần bảo vệ tốt vốn rừng" – anh Tùng nhấn mạnh.
Huyện Than Uyên hiện có hơn 23.529ha rừng, trong đó diện tích rừng phòng hộ hơn 11.357ha, rừng sản xuất hơn 12.172ha. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Than Uyên và UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với diện tích rừng được giao quản lý. Những năm qua, công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng, nhất là thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng luôn được cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm, chú trọng.
Hằng năm, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Than Uyên chủ động phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và đủ diện tích. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Than Uyên chỉ trả tiền dịch vụ môi trường rừng tới từng hộ dân. Cách làm này được bà con các dân tộc trong huyện đồng thuận, nhất trí cao.
Than Uyên giảm nghèo nhờ giữ rừng xanh tốt
Bên cạnh đó, công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật Lâm nghiệp, phòng cháy, chữa cháy rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Than Uyên phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện hiện tốt. Ngoài tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Than Uyên, các xã, thị trấn còn tổ chức họp bản tuyên truyền trực tiếp đến các hộ dân về: Tầm quan trọng của rừng, mục đích, ý nghĩa của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng... Qua công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày một nâng lên.
Không dừng lại ở đó, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được huyện Than Uyên đặc biệt chú trọng. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Than Uyên phối hợp với các xã, thị trấn đôn đốc các tổ chuyên trách bảo vệ rừng và các hộ nhận khoán thường xuyên tuần tra, canh gác, bảo vệ rừng, nhất là vào những tháng cao điểm mùa khô hanh.
"Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đem lại là rất lớn. Nhờ chính sách này mà những cánh rừng trên địa bàn huyện được bảo vệ, phát triển ngày càng xanh tốt. Thêm vào đó là người dân trong huyện có thêm nguồn thu nhập ổn định từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, các hộ dân trong huyện có điều kiện trang trải cuộc sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh qua các năm một phần cũng nhờ vào chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng" – anh Tùng thông tin.