Nông thôn Tây Bắc: Tuần Giáo, cà phê được mùa, được giá.
Huyện Tuần Giáo (Điện Biên) đang vào vụ thu hoạch cà phê. Năm nay, người trồng cà phê được mùa lại được giá...
Nông dân Tuần Giáo vui vào vụ thắng lợi
Những ngày này, trên khắp các sườn đồi, khe núi, bà con nông dân huyện cửa ngõ Tuần Giáo (Điện Biên) tích cực thu hái vụ chính cà phê. Những cây cà phê trĩu quả khiến người dân ai cũng phấn khởi bởi năm nay được mùa, được giá. Mùa cà phê như mang lại nguồn thu nhập cao, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho nông dân.
Chúng tôi có mặt tại bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), dù sương sớm vẫn còn bủa vây nhưng trên khắp các sườn đồi bà con người Mông đang khẩn trương thu hái cà phê chín rộ.
Anh Giàng A Sình cho biết: Tận dụng diện tích đất nương bạc màu, từ năm 2010 nhà tôi đã cải tạo đất, trồng 1ha cà phê. Nếu như năm 2020 năng suất chỉ đạt từ 4 - 5 tấn/ha, giá dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/kg thì năm nay năng suất ước đạt từ 7 - 8 tấn/ha, giá tăng từ 11.000 - 13.000 đồng/kg. Cà phê được mùa, được giá nên bà con ai nấy rất phấn khởi. Nhà tôi cũng phải huy động thêm người thân, họ hàng khẩn trương thu hái cà phê đúng khung thời vụ từ tháng 10 đến tháng 12.
Ông Lê Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Tỏa Tình chia sẻ: Dù khí hậu ở xã Tỏa Tình thường lạnh vào mùa đông, mùa hè nóng, mưa nhiều, nhiệt độ không khí bình quân năm là 23oC; nhưng cây cà phê trồng ở đây được đánh giá khá phù hợp với thổ nhưỡng, trở thành vùng nguyên liệu cà phê chất lượng.
Năm 2021, xã trồng mới 10ha, nâng tổng diện tích toàn xã lên 354ha, chiếm hơn 90% diện tích toàn huyện. Qua khảo sát, năm nay cà phê Tỏa Tình trúng mùa, được giá, sản lượng ước đạt từ 7 - 8 tấn/ha (một số bản năng suất cao hơn), giá thành dao động từ 11.000 - 13.000 đồng/kg. Cà phê có đầu ra ổn định, người dân chỉ việc thu hái, tập kết ở gần đường là thương lái trong và ngoài huyện đến tận nơi thu mua, đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân.
Theo thống kê, hiện tổng diện tích cây cà phê trên địa bàn huyện Tuần Giáo là 370,6ha, tập trung ở các xã: Tỏa Tình, Quài Cang, Quài Nưa... Ông Phạm Hữu Chiến, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Những năm gần đây, việc phát triển cây cà phê luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro trước sự biến đổi của khí hậu, thời tiết và thị trường tiêu thụ không ổn định; sản xuất chưa gắn với bảo vệ môi trường, sức cạnh tranh chưa cao; chưa xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất cà phê.
Thêm nữa, nông dân chăm sóc theo kinh nghiệm phổ biến, chưa áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt, nhất là việc tưới ẩm phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên và độ ẩm không khí... dẫn tới việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả gặp nhiều khó khăn.
Tuần Giáo quan tâm phát triển nông nghiệp hàng hoá
Để phát triển Nông lâm nghiệp, Huyện ủy Tuần Giáo đã ban hành Nghị quyết về "Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp đến năm 2020 định hướng đến năm 2025". Trong đó, duy trì và chăm sóc tốt 370,6ha cây cà phê hiện có. Đồng thời, chỉ đạo các phòng chuyên môn trực tiếp xuống cơ sở, bám nắm địa bàn hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất phù hợp nhằm mang lại năng suất cao.
Tiếp tục rà soát chủ thể quản lý các loại đất trên diện tích quy hoạch trồng cà phê tại địa bàn các xã. Huy động, lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng vùng trồng cà phê; chú trọng công tác bảo vệ môi trường, ưu tiên đầu tư hệ thống thủy lợi tưới ẩm, giao thông nội vườn.
Đặc biệt, xây dựng mô hình, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ dân tạo cơ sở phát triển sản xuất bền vững; xây dựng vùng sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Cụ thể, mới đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với huyện Tuần Giáo, Công ty Cổ phần Cà phê Hồng Kỳ Quốc Tế về việc thành lập "Hợp tác xã Hồng Kỳ Chế Á" tại bản Chế Á (xã Tỏa Tình). Các hộ dân tham gia được tư vấn, hướng dẫn quy trình thành lập HTX, quy trình sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm... Với mục tiêu là thành lập HTX Chế Á xây dựng vùng nguyên liệu cà phê, có liên kết đầu ra ổn định; xác định được quy trình canh tác thống nhất (VietGAP, hữu cơ…) giữa các thành viên. Từ đó, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm và kỹ thuật chăm sóc cho bà con nông dân, góp phần nâng cao năng suất, khẳng định vị thế cây cà phê trên vùng đất cửa ngõ.