|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La, người dân bản Ít có thu nhập ổn định

Khai thác tiềm năng, lợi thế trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, những năm qua, người dân bản Ít, (xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) đã phát triển nuôi cá lồng, đánh bắt thủy sản, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập.

Bản Ít là bản tái định cư thủy điện Sơn La theo diện di chuyển nội xã vào năm 2007. Cùng với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, người dân bản Ít đã phát huy lợi thế vùng lòng hồ để nuôi cá lồng và đánh bắt thủy sản. Các hộ dân liên kết thành lập hợp tác xã (HTX) thủy sản, tham gia nuôi tập trung, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La, người dân bản Ít có thu nhập ổn định  - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá lồng của HTX Ngọc Hùng, bản Ít, xã Mường Sại. Ảnh: Mùa Xuân.

Dẫn chúng tôi thăm những lồng cá được làm bằng khung thép chắc chắn, anh Tòng Văn Loán, Giám đốc HTX thủy sản Ngọc Hùng, kể: HTX được thành lập tháng 3/2017, với 14 thành viên, nuôi 162 lồng cá; nuôi chủ yếu các loại cá trắm, lăng, chép, rô phi, nheo, trê… Để nuôi cá đạt hiệu quả, tạo ra sản phẩm sạch, năng suất chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, HTX đã tận dụng rau củ, bột ngô, sắn, cỏ voi VA06 tự trồng trên nương, ven lòng hồ, làm vó bè để lấy cá tạp làm thức ăn cho cá. Từ đầu năm đến nay, HTX đã thu được hơn 12 tấn cá các loại với giá từ 70 - 80 nghìn đồng/kg, tùy từng loại cá khác nhau, đem lại doanh thu trên 800 triệu đồng.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La, người dân bản Ít có thu nhập ổn định  - Ảnh 2.

Nhờ phát triển nuôi cá lồng, người dân bản Ít có thu nhập ổn định hơn. Ảnh: Mùa Xuân.

Các thành viên trong HTX tập trung nuôi cá theo quy trình VietGAP, áp dụng từ khâu chọn cá giống, mật độ thả cá, lựa chọn thức ăn… Qua đó, tạo ra các sản phẩm có chất lượng sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu cá lồng của HTX. Năm 2019, sản phẩm cá lồng của HTX thủy sản Ngọc Hùng đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La, người dân bản Ít có thu nhập ổn định  - Ảnh 3.

Sản phẩm cá lồng của HTX thủy sản Ngọc Hùng được nuôi theo quy trình VietGAP. Ảnh: Mùa Xuân.

Ngoài HTX thủy sản Ngọc Hùng, bản Ít còn có HTX thủy sản bản Ít B, nuôi 89 lồng cá với 11 thành viên tham gia. Việc các hộ dân trong bản liên kết thành lập HTX không chỉ tạo sự gắn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên mà góp phần duy trì HTX hoạt động hiệu quả và thực sự là cầu nối trong quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, để giữ vững môi trường mặt nước vùng lòng hồ xanh, sạch, HTX thường xuyên tuyên truyền, vận động các thành viên vớt các loại bã thức ăn cho cá, vệ sinh lồng sạch sẽ.

Là thành viên của HTX thủy sản bản Ít B, anh Lò Văn Tiến, bảo: Năm 2017, gia đình tôi đầu tư hơn 100 triệu đồng nuôi 16 lồng cá. Được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá. Đàn cá lớn nhanh và phát triển tốt, trung bình mỗi vụ gia đình tôi bán được hơn 2 tấn cá các loại, thu về hơn 150 triệu đồng. So với việc canh tác trồng ngô, sắn trên nương trước đây thì nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.  

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La, người dân bản Ít có thu nhập ổn định  - Ảnh 4.

Người dân vớt bã thức ăn, vệ sinh cho lồng cá. Ảnh: Mùa Xuân.

Việc phát triển nuôi cá lồng của người ven lòng hồ thủy điện Sơn La ở bản Ít đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, bản có 119 hộ, hiện chỉ còn 33 hộ nghèo.

Tuy nhiên, hiện các cửa hàng đang tạm đóng cửa để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid -19, nên lượng cá tiêu thụ của các thành viên trong HTX và người dân đang gặp không ít khó khăn. Các thành viên chủ yếu bán lẻ cho các thương lái với lượng cá tiêu thụ rất chậm. Trước những khó khăn đó, người dân mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các cấp, các ngành kết nối với các đơn vị trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm; tạo điều kiện cho HTX, người dân vay vốn ưu đãi đầu tư, phát triển nghề nuôi cá một cách bền vững.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin