Nuôi con đặc sản giúp nhiều nông dân thoát nghèo
Tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian qua đã xuất hiện một số mô hình nuôi con vật đặc sản đã đem lại lợi nhuận kinh tế ổn định, giúp nông dân thoát nghèo.
Anh Nguyễn Thanh Tân, ngụ ấp 7, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc cho biết, vào giữa năm 2019 sau khi được Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc và Hội Nông dân xã Hòa Bình phổ biến các mô hình nuôi con đặc sản. Anh Tân đã để ý đến mô hình nuôi chim trĩ. Sau khi được giới thiệu và học hỏi về kỹ thuật nuôi loài chim này, anh Tân đã bắt tay vào tìm hiểu thêm về vật nuôi này và tìm kiếm mua giống trên mạng.
Đến cuối năm 2019, anh đã đặt mua 5 cặp chim trĩ giống từ Thanh Hóa gửi vào. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nuôi, lại thay đổi thời tiết khiến chim trĩ rất èo oặt, chim giống bị bệnh khiến 1 con chím giống mái bị chết. Để cứu đàn chim giống, anh đã lên mạng internet và qua sách báo tìm hiểu thêm về đặc tính và những sở thích, cách phòng, chữa bệnh cho loài chim này.
Không phụ công anh Tân, 6 tháng sau chim trĩ mái đã sinh sản những quả trứng và nở ra những lứa chim trĩ đầu tiên. Anh Tân đã dần gây được đàn chim trĩ cho riêng mình và có giống chim trĩ bán cho những người có nhu cầu mua về nuôi. Với thời gian nuôi từ khi chim trĩ mới nở đến khi xuất bán là 4 tháng. Hiện nay, trong chuồng của gia đình anh Tân lúc nào cũng có trên 200 con chim trĩ nuôi bán thịt thương phẩm và 25 con giống.
Với giá bán hiện nay 190-200 nghìn đồng/kg và bán chim giống với giá 35 nghìn đồng/con giống, sau khi trừ chi phí mỗi tháng anh Tân thu về từ 15-20 triệu đồng/tháng.
Theo anh Tân, khi đã nắm rõ về đặc tính của chim trĩ thì anh nhận thấy việc nuôi loài chim này dễ hơn các loại gia cầm khác. Do thời tiết miền Nam nắng nóng nên khi nuôi chim trĩ phải tránh ánh nắng chiếu trực tiếp, tránh gió lùa nhưng chuồng vẫn phải thông thoáng để phòng bệnh cho chim. Chuồng nuôi cũng làm không quá cầu kỳ nhưng phải chắc chắn vì nếu loài chim này xổng ra thì không thể bắt lại được vì nó lủi vào bụi rậm rất nhanh. Anh Tân cũng chia sẻ thêm, nuôi chim trĩ không mất nhiều thời gian chăm sóc, vì thức ăn của chúng là ngũ cốc, rau… nhưng quan trọng nhất là phải tiêm vaccine đầy đủ phòng các loại bệnh thường gặp cho chim là người nuôi có thể yên tâm gây đàn.
Cũng nuôi con đặc sản như anh Tân, nhưng vật nuôi ông Lâm Quang Long, ngụ ấp Bình Tiến, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc đã chọn nuôi nai lấy nhung.
Ông Lâm Quang Long, chủ trại nuôi nai Ba Long, ấp Bình Tiến, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc cho biết, vốn trước đây ông làm nghề thợ mộc, do quá trình lao động ông bị suy nhược cơ thể, nên con trai ông đã mua biếu một ít nhung nai để ông ăn bồi bổ sức khỏe, sau khi ăn nhung nai ông đã thấy sức khỏe cải thiện rất nhiều, cơ thể khỏe mạnh.
Thấy tác dụng tuyệt vời của nhung nai ông nảy sinh ý định tìm kiếm nguồn giống để nuôi nai. Ông bắt đầu mày mò tìm hiểu về kỹ thuật nuôi nai qua mạng Internet, sách, báo và thực tế các hộ đang nuôi nai ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình… Đến năm 2013, ông gom góp số vốn 200 triệu từ gia đình và vay người thân để mua 5 con nai từ xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc về nuôi. Nhưng do con giống không đạt chất lượng, 1 năm chỉ cho từ 5-7 lạng nhung/con, nên ông quyết định bán để thay đàn nai mới với 4 con đực, 2 con cái chất lượng tốt hơn.
Đến nay, đàn nai của gia đình ông Long đã lên đến 16 con, với 9 con đực đang cho lấy nhung, 4 con cái sinh sản và 3 con con. Đàn nai của gia đình ông trung bình mỗi con cho khoảng 3 kg nhung nai/năm, có con đạt 5 kg nhung/năm. Tổng đàn nai của gia đình ông mỗi năm cho khoảng 30 kg nhung, với giá bán trung bình khoảng 14 triệu đồng/kg nhung đã sơ chế, sau khi trừ chi phí chăn nuôi, ông Long thu về 350 triệu đồng/năm.
Hiện nay, cơ sở nuôi nai Ba Long của ông Lâm Quang Long đã gây dựng được thương hiệu, được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết, đến tham quan, mua các sản phẩm nhung nai về dùng, sản phẩm nhung nai của trang trại ông có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu, không đủ cung cấp cho thị trường. “Nhờ nuôi nai mà gia đình tôi từ một hộ cận nghèo đã có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo”, ông Long chia sẻ thêm.
Ông Đinh Xuân Dậu, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc cho biết, trong những năm gần đây, Hội Nông dân huyện phối hợp cùng Hội Nông dân các xã vận động các hội viên thực hiện các mô hình mới, trong đó thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” nuôi con đặc sản, trồng cây đặc sản để phát triển kinh tế cho hội viên nông dân. Đến nay, một số mô hình trên địa bàn đã phát huy hiệu quả như mô hình nuôi chim trĩ, nuôi nai lấy nhung…Trong đó, riêng mô hình nuôi nai lấy nhung đã có 12 hộ nuôi nai lấy nhung, với tổng đàn hơn 60 con.
“Hội khuyến khích các hộ nuôi và phát triển các loại có thể mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với các loại gia cầm thông thường. Nhờ sự chịu khó, ham học hỏi, các mô hình hiện đã mang lại thu nhập ổn định cho các hộ gia đình. Hội đang phối hợp cùng các hộ gia đình và địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các hội viên khác tham quan, học hỏi kinh nghiệm để nhân đàn trong thời gian tới”, ông Dậu cho biết.
Hoàng Nhị