Ồ ạt trồng loại trái cây này khi giá cao giờ nông dân nếm 'trái đắng' lúc thu hoạch
Khoảng 5 tháng trước, giá chanh dây tăng cao đột biến, nông dân tỉnh Gia Lai ồ ạt phá bỏ các loại cây khác để trồng. Tuy nhiên, đến chu kỳ thu hoạch, giá lại xuống đáy khiến nhiều nông dân lại nếm trải cảnh 'được mùa, mất giá'.
Gia Lai là một trong những tỉnh có diện tích trồng chanh dây nhiều nhất khu vực Tây Nguyên. Trong thời gian qua, diện tích loại cây trồng này tăng nhanh khi người dân sẵn sàng chuyển đổi các vườn cà phê kém hiệu quả để trồng chanh dây. Năm 2022, toàn huyện Mang Yang có 382 héc-ta chanh dây thì nay đã tăng lên khoảng 500 héc-ta. Còn năm 2016, toàn huyện Chư Păh chỉ có vài chục héc-ta trồng chanh dây và nay đã tăng lên trên 500 héc-ta. Các huyện khác như Đăk Đoa, Chư Prông, Ia Grai..., diện tích trồng chanh dây năm nay cũng tăng cao.
Thời điểm lúc người nông dân Gia Lai ồ ạt trồng chanh dây, giá dao động khoảng 18.000/kg. Bình quân một héc-ta đạt 40 tấn quả, trừ chi phí nông dân lãi 350-450 triệu đồng/héc-ta. Thế nhưng, mọi sự tính toán của người trồng chanh dây đã không thành hiện thực. Hiện đang cao điểm thu chanh dây, nhưng giá rớt thê thảm, chỉ còn còn 3.000 đồng/kg. Giá bán không bằng công hái nên người dân không buồn thu hoạch.
Đầu năm nay, anh Trần Văn Thành (ngụ xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) quyết định chuyển 1,5 héc-ta cà phê già cỗi để trồng chanh dây. Thời điểm đó, anh Thành đã bỏ ra hơn 200 triệu đồng để đầu tư vào vườn chanh dây. "Sau 5 tháng, vườn chanh dây cho thu hoạch. Giai đoạn hái bói, giá 8.000đ/kg chanh dây, giảm hơn một nửa so với lúc trồng, nhưng như vậy cũng tạm ổn. Đến khi thu hoạch đồng loạt, giá chỉ còn 3.000đ/kg. Với mức giá này, dù biết lỗ nhưng cũng phải bán để gỡ gạc ít vốn", anh Thành buồn rầu nói.
Tương tự, nhiều nhà vườn trồng chanh dây tại huyện Ia Grai cho biết, sau gần 2 năm giá chanh dây ổn định ở mức cao, đến hiện tại giá chanh liên tục giảm sâu. Chị Nguyễn Thị Tâm (ngụ xã Ia Dơk, huyện ia Grai) cho hay, tháng 3/2023, gia đình trồng hơn 8 sào, đầu tư hơn 100 triệu đồng nhưng nay lỗ nặng. "Hiện giá chanh dây loại đẹp chỉ còn 5.000đ/kg, giảm hơn ¼ so với đầu năm. Còn loại bình thường chỉ còn 2.000đ/kg. Do mưa nhiều nên vườn chanh dây nhiễm nhiều loại dịch bệnh, quả hái ra thương lái không chịu mua. Với giá như hiện tại, người trồng chanh dây lỗ nặng. Hiện trong vùng giá giống chanh dây cũng giảm đến 40%, nhưng không một ai dám mua về trồng tiếp", chị Tâm than thở.
Khi được hỏi nhiều nhà nông trồng chanh dây cũng không biết lý do vì sao rớt giá đến vậy. Họ chỉ nghe thương lái nói mùa này trồng chanh dây nhiều quá và Trung Quốc hạn chế nhập chanh xô. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh) xác nhận, thị trường chanh dây đang "quá tải". Hiện HTX vẫn đang cố gắng mua giá cao hơn thị trường để giúp người trồng chanh dây vượt qua giai đoạn khó khăn. Giá thấp, người dân không chăm sóc nên số lượng chanh dây không đạt chuẩn vẫn rất lớn.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, việc "trúng mùa, rớt giá” là chuyện không mới. Đa số nông dân hiện nay trồng nhỏ lẻ nên mạnh ai nấy làm. Những năm trước, vào thời điểm này nhiều người thấy được giá đổ xô trồng khiến sản lượng tăng đột biến. Đại diện Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Gia Lai cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 4.600 héc-ta diện tích trồng chanh dây. Gia Lai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chuỗi giá trị chanh dây, với 5 nhà máy chế biến lớn cùng hàng chục cơ sở đóng gói, 32 mã vùng trồng.
Theo Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Gia Lai, chanh dây rớt giá là do Trung Quốc cũng đang vào vụ thu hoạch chính của loại cây này. Ngoài ra, sức mua của thị trường Trung Quốc trong giai đoạn này giảm do mưa lũ. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của chanh dây Việt Nam. Đại diện Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Gia Lai nêu ra giải pháp, để ổn định thị trường chanh dây trong tỉnh, cần thúc đẩy người dân sản xuất theo quy trình chung, nông nghiệp hữu cơ, phát triển có mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Khi đó, chanh dây sẽ đáp ứng và chinh phục được các thị trường "khó tính" như EU, Mỹ, Canada...