|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Peptides kháng khuẩn: Phương tiện mới để chăn nuôi hiệu quả cao với thức ăn không dùng kháng sinh

 Peptides là tên gọi chung của các phân tử protein đã được thủy phân thành từng đoạn ngắn chỉ bao gồm một số ít các acid amin còn liên kết với nhau. Thông thường các peptides có thể chứa từ 2 – 50 acid amins liên kết với nhau. Cho đến nay người ta đã biết các loại peptides có nhiều tính chất hữu ích khác nhau trên các hệ thống cơ quan trong cơ thể con người như liệt kê trong sơ đồ sau đây:

 

Nguồn: Mohsen Akbarian và cs., 2022

 

Chỉ có các loại peptides ngắn, có dưới 19 acid amin trong công thức cấu tạo được xem là có hoạt tính sinh học mạnh, nhất là tính kháng khuẩn.

 

Với nhiều nghiên cứu chuyên sâu trong lãnh vực sức khoẻ cho con người cho các kết quả tốt đẹp về bảo vệ sức khoẻ, nên trong những năm gần đây đã bắt đầu xuất hiện các nghiên cứu để sản xuất các chế phẩm có chứa những peptides đã biết rõ nhằm mục đích ứng dụng vào chăn nuôi, nhất là trong điều kiện chăn nuôi với thức ăn không chứa kháng sinh, để có thêm phương tiện giúp tăng cường sức khoẻ đường ruột vật nuôi và qua đó hướng đến tăng năng suất chăn nuôi để đem đến lợi tức lớn hơn cho người chăn nuôi, và cả người tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

 

Sử dụng chế phẩm chứa peptides kháng khuẩn trong thức ăn gà thịt

 

Với xu hướng chung của thế giới và các qui định từ cơ quan quản lý nhà nước hướng đến việc không sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nên các công thức thức ăn của gà thịt của nhiều nơi trong cả nước đã đi đầu áp dụng tinh thần “không kháng sinh”. Một số chế phẩm bổ sung thức ăn có tác dụng tăng cường sức khoẻ đường ruột như các chế phẩm chiết xuất từ thực vật, các probiotics, hoặc các loại acid hữu cơ đã được thử nghiệm và áp dụng rộng rãi trong thức ăn chăn nuôi, bao gồm thức ăn cho gà thịt.

 

Đã có hai thử nghiệm thực hiện tại Trại Thực Nghiệm Chăn Nuôi thuộc Đại Học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tháng 04 – 06/2023 để tìm hiểu xem việc bổ sung thêm chế phẩm peptides kháng khuẩn với tên thương mại là Halor Tid trên nền thức ăn không có kháng sinh nhưng có cả ba nhóm chất bổ sung kể trên hoặc giảm bớt 1-2 chế phẩm bổ sung khác thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ và nhất là sức tăng trưởng của gà nuôi lấy thịt. Hai thử nghiệm được thực hiện với nội dung giống nhau nhưng khác nhau về con giống gà. Ngoài ra gà trong cả hai thử nghiệm được nuôi trong chuồng hở vào tháng 4 đến tháng 6 là cao điểm của mùa nóng tại miền Nam Việt Nam cũng nhằm mục đích xem các chất bổ sung trong thức ăn có thể đem lại tác dụng bảo vệ sức khoẻ cho đàn gà tốt hơn không trong điều kiện đàn gà phải chịu mức nhiệt độ cao nhất 33 – 35oC và độ ẩm không khí cao nhất là 80-89%.

Hình 1. Một phần chuồng nuôi gà thí nghiệm

 

Một thử nghiệm thực hiện trong 42 ngày trên 320 gà trống 01 ngày tuổi giống Ross 308, chia làm 04 lô, mỗi lô có 08 lần lập lại, mỗi lần lập lại có 10 gà. Gà ở lô I là lô đối chứng được cho ăn thức ăn theo 03 giai đoạn 0-15; 16-28; 29-42 ngày tuổi. Thức ăn không chứa kháng sinh nhưng có ba chất bổ sung để bảo đảm sức khoẻ đường ruột cho gà, là chế phẩm Silvafeed (thuộc nhóm chất chiết xuất thực vật) cùng với một chế phẩm probiotic và một chế phẩm acid hữu cơ với thành phần chính là acid formic.

 

Thử nghiệm thứ hai được tiến hành cùng lúc với cùng kiểu bố trí thí nghiệm và số lượng gà như trên nhưng kéo dài trong 70 ngày và thực hiện với giống gà Tam Hoàng để xem như đại diện cho nhóm gà thịt lông màu.

 

Bảng 1. Bố trí thí nghiệm sử dụng Halor Tid trong thức ăn gà thịt

 

Lô I

Lô II

Lô III

Lô IV

Số gà TN

80

80

80

80

Số lần lập lại

8

8

8

8

Thức ăn

Căn bản

Căn bản

Căn bản

Căn bản

Silvafeed

500 – 300 g/T

500 – 300 g/T

500 – 300 g/T

500 – 300 g/T

Probiotics

1000 – 500 g/T

1000 – 500 g/T

1000 – 500 g/T

0

Acid hữu cơ

2000 – 1000 g/T

2000 – 1000 g/T

0

0

Halor Tid

0

200 – 100 g/T

200 – 100 g/T

200 – 100 g/T

 

Các chế phẩm bổ sung có liều sử dụng cao ở giai đoạn đầu và giảm thấp dần ở giai đoạn sau;

 

– Halor Tid là tên thương mại của chế phẩm chứa peptides kháng khuẩn với hoạt chất chính là loại peptide có tên hóa học là Citrocin do cty Enhalor sản xuất và được Công ty TNHH Ánh Dương Khang phân phối tại Việt Nam.

 

Các kết quả ghi nhận được ở hai thử nghiệm với gà thịt lông trắng và gà thịt lông màu được trình bày trong Bảng 2 và Bảng 3.

 

Bảng 2. Kết quả tóm tắt của TN sử dụng Halor Tid trong thức ăn gà thịt Ross 308

 

Lô I

Lô II

Lô III

Lô IV

P

KLBQ gà 1 ngày (g/con)

46,69

46,66

46,66

46,48

0,147

KLBQ gà 42 ngày (g/con)

2509,60

2520,90

2510,0

2539,60

0,990

Thức ăn tiêu thụ BQ 1 – 42 ngày (g/con/ngày)

93,91

95,47

94,14

98,25

0,643

FCR 1 – 42 (kg TĂ/kg TT)

1,601

1,620

1,605

1,655

0,480

Tỷ lệ nuôi sống (%)

96,05

97,37

98,68

97,37

0,795

 

Giá trị xác suất thống kê P > 0,05 chứng tỏ các giá trị trong cùng một hàng khác biệt là do ngẫu nhiên chứ không do yếu tố thí nghiệm tạo nên.

 

Bảng 3. Kết quả tóm tắt của TN sử dụng Halor Tid trong thức ăn gà thịt Tam Hoàng

 

Lô I

Lô II

Lô III

Lô IV

P

KLBQ gà 1 ngày (g/con)

33,80

33,89

34,00

33,93

0,514

KLBQ gà 70 ngày (g/con)

2146,20

2107,90

2160,10

2240,50

0,401

Thức ăn tiêu thụ BQ 1 – 70 ngày (g/con/ngày)

75,15

75,92

76,35

76,50

0,975

FCR 1 – 70 (kg TĂ/kg TT)

2,490

2,562

2,514

2,427

0,874

Tỷ lệ nuôi sống (%)

82,09

90,67

84,21

85,53

0,500

Giá trị xác suất thống kê P > 0,05 chứng tỏ các giá trị trong cùng một hàng khác biệt là do ngẫu nhiên chứ không do yếu tố thí nghiệm tạo nên.

 

Các kết quả trong Bảng 2 và Bảng 3 cho thấy là cho dù với gà thịt tăng trọng nhanh như gà Ross 308 hay gà thịt tăng trọng vừa phải thì nhìn chung là việc bổ sung chế phẩm Halor Tid vào thức ăn có đủ ba nhóm chất bổ sung có tác dụng bảo vệ sức khoẻ đường ruột (lô II) hay bổ sung vào thức ăn chỉ có hai nhóm chất bổ sung (lô III) hoặc chỉ có một chất bổ sung (lô IV) đều đem lại kết quả tốt tương tự như với đàn gà được cho ăn thức ăn có đủ ba nhóm chất bổ sung mà không bổ sung thêm chế phẩm Halor Tid (lô I – đối chứng). Sự tương tự này thể hiện ở các chỉ tiêu như khối lượng gà khi kết thúc thí nghiệm ở 42 hoặc 70 ngày tuổi; ở mức độ tiêu thụ thức ăn bình quân và ở hệ số chuyển hóa thức ăn của gà thí nghiệm.

 

Về sức sống của đàn gà thí nghiệm thể hiện qua chỉ tiêu tỷ lệ nuôi sống thì có điểm đáng lưu ý. Ở thử nghiệm trên gà Ross 308, đàn gà con khi nhận về có chất lượng tốt từ khi mới nở nên có sức sống tốt, số gà chết và loại thải ở mỗi lô không tới 3%. Trong khi đó đàn gà Tam Hoàng khi nhận về Trại Thực Nghiệm có dấu hiệu của việc mất sức do thời gian vận chuyển xa và có lẽ còn thêm thời gian chờ lâu từ lò ấp nên gà khá yếu ớt, chậm ăn uống để hồi phục lại sớm trong vài tuần lễ đầu và do đó các lô gà thí nghiệm có tỷ lệ gà chết và loại thải khá cao. Trong bối cảnh chung như vậy nhưng riêng gà ở lô II có tỷ lệ nuôi sống cao nhất (90,67%) so với các lô khác, và lô III cùng với lô IV cũng đạt tỷ lệ nuôi sống gà cao hơn so với lô I (84,21% và 85,53% so với chỉ 82,09%). Thức ăn gà ở lô II, lô III, lô IV đều có bổ sung Halor Tid là chế phẩm chứa peptides kháng khuẩn nên có lẽ nhờ đó cũng làm tăng sức khoẻ chung của gà để đạt được sức sống cao hơn so với gà ở lô I mặc dù trong thức ăn có bổ sung ba nhóm chất có tác dụng đến sức khoẻ gà nhưng không có bổ sung chế phẩm Halor Tid.

 

Như vậy có thể thấy là với gà nuôi lấy thịt, nếu trong thức ăn đã có bổ sung ít nhất là ba loại chất bổ sung chiết xuất thực vật + probiotics + acid hữu cơ thì cũng đã khá đủ cho gà. Tuy nhiên nếu muốn tăng cường hơn nữa sức sống của gà, nhất là trong những lúc điều kiện thời tiết không thuận lợi thì vẫn nên bổ sung thêm chế phẩm peptides kháng khuẩn để đảm bảo duy trì được tỷ lệ nuôi sống cao, đàn gà đồng đều hơn. Mặt khác nếu muốn duy trì sức sống, các chỉ tiêu năng suất của đàn gà nhưng đồng thời có thể tiết giảm chi phí thức ăn thì có thể chỉ cần sử dụng một chế phẩm chiết xuất thực vật và bổ sung thêm chế phẩm peptides kháng khuẩn là vẫn đạt yêu cầu như các kết quả đã nêu trong Bảng 2 và Bảng 3, đối chiếu với giá thành thức ăn của các Lô thí nghiệm như được trình bày trong Bảng 4 dưới đây:

 

Bảng 4. So sánh đơn giá thức ăn (vnd/kg) của từng lô thí nghiệm (04/2023)

 

Lô I

Lô II

Lô III

Lô IV

TN trên gà Ross 308

 

 

 

 

1 – 14 ngày

13,098

13,170

13,046

12,974

15 – 28 ngày

12,810

12,847

12,785

12,749

29 – 42 ngày

12,584

12,620

12,558

12,522

Bình quân 3 giai đoạn

12,831

12,879

12,796

12,748

So với lô I

+ 48

+ 0,37%

– 34

– 0,26%

– 82

– 0,64%

TN trên gà Tam Hoàng

 

 

 

1 – 21 ngày

13,098

13,170

13,046

12,974

22 – 42 ngày

11,857

11,893

11,831

11,795

43 – 70 ngày

11,590

11,626

11,564

11,528

Bình quân 3 giai đoạn

12,182

12,230

12,147

12,099

So với lô I

+ 48

+ 0,39%

– 35

– 0,29%

– 83

– 0,68%

           

 

Các công thức thức ăn dùng trong thí nghiệm cho gà Ross 308 và gà Tam Hoàng hầu như đều tương tự nhau nhưng có khác biệt về việc có hay không có sử dụng chế phẩm Halor Tid và chế phẩm probiotics cùng với chế phẩm acid hữu cơ. Thức ăn cho gà ở lô II có giá cao hơn thức ăn cho gà ở lô I bình quân 48 đồng/kg chính là do sự khác biệt là thức ăn ở lô II có bổ sung Halor Tid, trong khi thức ăn ở lô I không dùng chế phẩm này, còn thức ăn ở cả hai lô đều có dùng các chế phẩm chiết xuất thực vật, probiotics, acid hữu cơ với liều lượng giống nhau.

 

Với thức ăn của lô III và thức ăn lô IV thì tuy có bổ sung chế phẩm Halor Tid nhưng lại không dùng chế phẩm acid hữu cơ (lô III) và không dùng cả chế phẩm acid hữu cơ lẫn chế phẩm probiotics (lô IV) nên đơn giá thức ăn ở hai lô này đã giảm hơn được so với đơn giá thức ăn ở lô I lần lượt là 34-35 đồng/kg thức ăn và 82-83 đồng/kg thức ăn.

 

Do vậy, dựa trên các kết quả đã nêu có thể thấy là nên sử dụng chế phẩm chứa peptides kháng khuẩn với tên thương mại là Halor Tid trong thức ăn gà thịt để nâng cao sức khoẻ đàn gà và đồng thời có thể điều chỉnh việc sử dụng một vài chế phẩm bổ sung khác để vừa duy trì năng suất chăn nuôi ổn định mà vừa có thể giảm chi phí thức ăn, từ đó đem lại hiệu quả chăn nuôi tốt đẹp hơn cho cả người chăn nuôi lẫn đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi.

 

Dương Duy Đồng

e-mail: dong.duongduy@hotmail.com

 

Tài liệu tham khảo

Akbarian M., A. Khani, S. Eghbalpour, V. N. Uversky, 2022. Bioactive Peptides: Synthesis, Sources, Applications, and Proposed Mechanisms of Action. International Journal of Molecular Sciences.

Công ty Beijing Enhalor International Tech Co. Ltd, Trung Quốc, 2023. Tài liệu lưu hành nội bộ.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết