Phấn đấu giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2023 tăng khoảng 3,5-4,0%
Ngành chăn nuôi tiếp tục nhận được sự quan tâm của Trung ương, địa phương và thường xuyên có sự phối hợp và thống nhất cao trong chỉ đạo; việc kiểm soát dịch bệnh, chỉ đạo ổn định thị trường, kiểm tra an toàn thực phẩm và thực phẩm nhập khẩu cũng như tình trạng nhập lậu qua biên giới được tăng cường triển khai.
Tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao; thông tin, tuyên truyền chưa thực sự sát với thực tế. Ngoài ra, vấn đề toàn cầu hóa về thị trường, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 16 hiệp định thương mại tư do thế hệ mới đã ký, và 02 hiệp định còn đang trong giai đoạn đàm phán.
Trong đó khu vực CPTTP và EVFTA đều là những nước có không gian chăn nuôi lớn hơn Việt Nam, sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh ngày càng lớn về giá, chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Hoa Kỳ và châu Âu như thịt gà, thịt lợn xuất vào thị trường Việt Nam.
Theo Cục Chăn nuôi, để đảm bảo tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi góp phần tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp năm 2023, cần tăng cường chỉ đạo điều hành sản xuất chăn nuôi nhằm đạt được mục tiêu: Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 3,5-4,0% so với năm 2022; tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7,6 triệu tấn, tăng 3,4% (trong đó, sản lượng thịt lợn hơi tăng 3,4%; sản lượng thịt gia cầm tăng 3,0%); sản lượng trứng các loại tăng khoảng 3,9%; sản lượng sữa tăng khoảng 7,2%; sản lượng mật ong tăng khoảng 12,5%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 20,0 triệu tấn, giảm 2,4% so với năm 2022.
Hà Vân