|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển hợp tác xã miền núi: Vẫn còn nhiều thách thức

Khai thác lợi thế về đất đai, sản phẩm đặc trưng, nhiều hợp tác xã (HTX) ở miền núi trong tỉnh được thành lập đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, hiện các HTX này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức và cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển bền vững.

Bộn bề khó khăn
 
HTX Chăn nuôi gà đồi và dịch vụ nông, lâm nghiệp Lê Hóa được thành lập tháng 9/2019 với mục tiêu đưa chăn nuôi gà đồi của địa phương trở thành một “điểm sáng” trong chuỗi sản xuất, chăn nuôi gà đồi của huyện Tuyên Hóa. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, HTX vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm và phát triển quy mô chăn nuôi gà ở các hộ thành viên.
 
Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nguyễn Văn Đông cho biết: Rào cản lớn nhất và khó nhất hiện nay vẫn là thị trường tiêu thụ. Nếu gà được nuôi với số lượng ít thì có thể tiêu thụ nhỏ lẻ nhưng nuôi tập trung với số lượng lớn, thì khả năng không tiêu thụ hết bởi HTX chưa thể liên kết với đơn vị bao tiêu sản phẩm. Mặt khác, sản phẩm gà đồi của HTX hiện vẫn chưa thể cạnh tranh với sản phẩm gà công nghiệp. Bởi, để có một lứa gà đồi mang nhãn hiệu “Gà đồi Tuyên Hóa” xuất chuồng phải mất thời gian nuôi hơn 5 tháng, với trọng lượng mỗi con nặng từ 1,5-1,8kg, trong khi, gà công nghiệp chỉ nuôi khoảng 3 tháng đã đạt trọng lượng hơn 2kg. Giá thịt gà công nghiệp cũng thấp hơn, chỉ 70-80.000 đồng/kg trong khi gà đồi có giá từ 120-150.000 đồng/kg. Vì vậy, phần lớn người tiêu dùng và các nhà hàng, khách sạn vẫn ưu tiên tiêu thụ gà công nghiệp.

Mặc dù thành lập đã lâu nhưng Hợp tác xã Chăn nuôi gà đồi và dịch vụ nông, lâm nghiệp Lê Hóa vẫn chưa phát huy được hiệu quả.

Mặc dù thành lập đã lâu nhưng Hợp tác xã Chăn nuôi gà đồi và dịch vụ nông, lâm nghiệp Lê Hóa vẫn chưa phát huy được hiệu quả.

Mặc dù đã có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc nhưng do HTX thiếu vốn, chưa xây dựng được cơ sở chế biến thành phẩm nên sản phẩm gà đồi Tuyên Hóa vẫn chưa tiếp cận được với thị trường tiềm năng, phần lớn là bán gà thô, chưa qua chế biến. Mong muốn của HTX là tiếp tục được hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi gà cho các thành viên, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm đầu tư xưởng sơ chế, chế biến sản phẩm, mở rộng sản xuất, kinh doanh và thêm cơ hội để kết nối tiêu thụ trên thị trường. 
 
Nhiều năm qua, nghề nuôi ong lấy mật ở Xuân Hóa (Minh Hóa) đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Năm 2018, HTX Nuôi ong lấy mật Xuân Hóa được thành lập với mong muốn xây dựng nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc, hoàn thành các thủ tục cần thiết để đưa sản phẩm mật ong của địa phương vào chuỗi siêu thị, cửa hàng sạch trong và ngoài tỉnh. Hiện, HTX có hơn 1.000 đàn ong, sản lượng mật đạt khoảng gần 1 tấn, giá trị kinh tế mang lại ước đạt gần 1 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, HTX gặp rất nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Ông Đinh Long, Giám đốc HTX cho biết: Hiện sản phẩm mới chỉ có nhãn hiệu tập thể chứ chưa xây dựng được sản phẩm OCOP nên chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ. Mặc dù chất lượng rất tốt, nhưng giá cả sản phẩm mật ong ở Xuân Hóa hiện đang rất bấp bênh, đầu ra ổn định, khó cạnh tranh với các sản phẩm mật ong khác. Vài năm trước, cứ 1kg mật ong làm ra, các thành viên HTX bán cho thị trường với giá từ 130-150.000 đồng nhưng vẫn không đủ nhu cầu. Nhưng hiện tại, mỗi kg mật có giá 100.000 đồng, thậm chí hạ thấp xuống còn 80.000 đồng (nếu mua với số lượng lớn) cũng tiêu thụ rất khó. HTX mong muốn chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ xây dựng được sản phẩm OCOP, để có thêm cơ hội kết nối tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.
 
Cần nhiều chính sách hỗ trợ
 
Quảng Bình hiện có gần 500 HTX, trong đó, số HTX tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thành lập mới liên tục tăng trong những năm qua đã khẳng định được hướng đi của mình và từng bước lớn mạnh. Các HTX khu vực miền núi đã phát huy vai trò hỗ trợ người dân, là cầu nối tập hợp người sản xuất cùng tham gia vào HTX. Tuy nhiên, phải thừa nhận thực tế hiện nay số lượng, chất lượng các HTX khu vực miền núi chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Hiệu quả hoạt động của nhiều HTX chưa cao, kỹ năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, chủ yếu tập trung vào dịch vụ truyền thống, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất còn chậm, sản phẩm tạo ra chưa có tính cạnh tranh cao.
 
Hiện Liên minh HTX tỉnh đang chú trọng khảo sát và tư vấn, định hướng cho các HTX có nhu cầu vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, đổi mới dây chuyền công nghệ, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các nguồn khác nhau để phát triển.

Đa số HTX có quy mô nhỏ, mức độ tăng trưởng và hiệu quả hoạt động của một số HTX chưa cao, doanh thu chưa ổn định, mức thu nhập bình quân của các thành viên còn thấp; dịch vụ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của các HTX còn ít; vốn hoạt động còn nhiều khó khăn, việc đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất chưa được chú trọng. Ngoài ra, tính kỷ luật, chuyên nghiệp trong hoạt động của các thành viên còn hạn chế, hoạt động của các HTX còn thiếu gắn bó với nhau; các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX chưa nhiều nên chưa tạo được động lực toàn diện giúp các HTX phát triển đột phá.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ngô Gia Thởi cho biết: Để tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho kinh tế tập thể và HTX ở khu vực miền núi phát triển bền vững, cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc triển khai các kế hoạch, giải pháp phát triển mô hình kinh tế tập thể. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách, các mô hình HTX kiểu mới để người dân nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ của mình khi tham gia vào HTX, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn xã hội.
 
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý của các HTX; có cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho HTX dễ dàng tiếp cận các nguồn lực về  đất đai, vốn, nhân lực… để phát triển; tiếp tục tạo mọi điều kiện cho các HTX hoạt động sản xuất kinh doanh, khuyến khích HTX hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhất là HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thanh Hoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết