Phát triển ngành chăn nuôi bền vững: Từ góc nhìn thị trường tiêu thụ
Trong những năm gần đây, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như dịch tả heo châu Phi, đại dịch Covid-19 trên người, giá cả nguyên liệu thức ăn và vật tư chăn nuôi leo thang, giá thị trường đầu ra bấp bênh, về tổng thể ngành chăn nuôi vẫn giữ mức tăng trưởng ở mức 4 – 5%/ năm. Dễ thấy, thành tựu tăng trưởng đó phần lớn đến từ các dự án mới đầu tư với qui mô lớn và ứng dụng công nghệ hiện đại trong thời gian vài năm trở lại đây bởi các tập đoàn trong nước và nước ngoài. Trong đó, một số dự án đã hoàn thiện xây dựng và đưa vào vận hành khai thác, một số vừa xây dựng vừa vận hành. Một số dự án chăn nuôi khác đang được tiếp tục đầu tư có quy mô khổng lồ.
Thứ nhất, thiếu một nhạc trưởng đủ mạnh để điều phối tầm vĩ mô cho ngành chăn nuôi, dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và dưới luật nhằm định hướng phát triển ngành chăn nuôi. Ghi nhận tầm quan trọng của các tập đoàn, doanh nghiệp đã nỗ lực để đầu tư rất lớn, khôi phục và phát triển ngành chăn nuôi, góp phần đáng kể cho thành công của chiến lược an ninh lương thực – thực phẩm quốc gia. Tuy nhiên, dù đầu tư qui mô lớn hàng ngàn tỷ đồng nhưng có vẻ các doanh nghiệp vẫn theo lối mòn – mạnh ai nấy làm, dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa nghiêm trọng và phải bán sản phẩm chăn nuôi dưới giá vốn. Đành rằng trong kinh tế thị trường, ai trường vốn thì có thể trụ được sau khủng hoảng, ai yếu sức thì bị loại khỏi cuộc đua nhưng một cuộc đua mà ai cũng tổn thất quá lớn về tài chính thì trở thành mối nguy tiềm ẩn cho nền kinh tế.
Nhà nước có thể thiết lập cơ chế pháp luật giao cho các hiệp hội chăn nuôi đảm trách việc điều phối này. Các hiệp hội chăn nuôi sẽ căn cứ vào chiến lược quốc gia phát triển ngành chăn nuôi và kế hoạch phát triển thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp để điều phối kế hoạch qui mô đàn cho đầu tư mới và đầu tư mở rộng theo từng thời kỳ.
Thứ hai, phần lớn sản phẩm chăn nuôi vẫn được bán ra thị trường phổ biến ở dạng vật nuôi còn sống, cho nên heo hơi, gà và vịt sống tới lứa xuất chuồng buộc phải bán bằng mọi giá. Dù câu chuyện chế biến sâu nông sản thực phẩm nói chung, sản phẩm chăn nuôi nói riêng, tạo sản phẩm đa giá trị đã được nhiều doanh nhân, nhiều cấp quản lý nhà nước và chuyên gia bàn thảo, đã triển khai nơi này nơi kia, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tiến triển khả quan. Khi ngành chế biến thịt, trứng được đầu tư qui mô tương xứng với qui mô chăn nuôi thì sẽ giảm được một phần áp lực thị trường heo hơi hay gà vịt tươi sống. Vì thực phẩm chế biến có thời gian tồn trữ lâu hơn và có thể đa dạng thị trường tiêu thụ hơn.
Thứ ba, rất nhiều dự án chăn nuôi công nghiệp qui mô lớn nhưng chỉ tập trung nhắm đến thị trường nội địa khoảng 100 triệu dân. Chăn nuôi hộ gia đình, trang trại nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn sinh học, không đảm bảo sạch bệnh nên khó tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu đã đành. Trong khi các dự án lớn và cực lớn, đầu tư công nghệ hiện đại và an toàn sinh học thì việc áp dụng qui trình chăn nuôi an toàn sinh học, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu là điều cần được tính đến ngay khi lập dự án. Thực tế cho thấy có một số doanh nghiệp đầu tư hàng ngàn tỷ, qui mô lên đến vài trăm ngàn đầu heo, ra sức truyền thông tiếp thị rầm rộ, nhưng khi gặp ngay thị trường trong nước đang khủng hoảng thừa, đành phải bán bớt dự án để tồn tại. Để giảm rủi ro chiến lược, nên chăng các dự án chăn nuôi hiện đại qui mô lớn, bên cạnh thị trường nội địa, cần xem xét phân tán rủi ro bằng cách tìm kiếm thị trường để xuất khẩu sản phẩm ngay từ lúc chuẩn bị lập dự án.
Thứ tư, trong bối cảnh kinh tế hội nhập toàn cầu, doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam nên tham gia vào một vài mắt xích nào đó trong chuỗi giá trị chăn nuôi toàn cầu để gia tăng lợi thế cạnh tranh, thay vì chỉ làm độc lập. Thực tế đã chứng minh điều đó, các tập đoàn nước ngoài đầu tư ngành chăn nuôi tại Việt Nam có lợi thế cạnh tranh vượt trội hơn các tập đoàn trong nước, nhờ họ có mạng lưới chi nhánh tại nhiều quốc gia, nắm giữ nhiều mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị chăn nuôi trên bình diện toàn cầu.
Thứ năm, hàng chục triệu hộ chăn nuôi và trang trại qui mô nhỏ yếu thế, mất nguồn sinh kế do dịch bệnh và bão giá càn quét, không có khả năng hổi phục sản xuất, chưa được quan tâm hỗ trợ cũng là mối nguy tiềm tàng. Nếu hàng chục triệu hộ này, đồng thời là người tiêu dùng, mất sinh kế thì ngành chăn nuôi mặc nhiên bị giảm đi hàng chục triệu khách hàng tiêu dùng sản phẩm đầu ra chăn nuôi. Vậy nên, nhà nước và các doanh nghiệp có thể tìm kiếm giải pháp hỗ trợ hàng chục triệu hộ chăn nuôi này theo hướng hoặc giúp họ học tập chuyển đổi ngành nghề hoặc thiết lập cơ chế liên kết họ vào hệ sinh thái kinh tế trang trại chăn nuôi.
ThS Nguyễn Văn Ngà
Nhà nước nên có chính sách nhằm giúp đỡ hộ chăn nuôi và trang trại nhỏ tránh đối đầu trực tiếp với các doanh nghiệp chăn nuôi qui mô lớn, bằng cách chuyển đổi vật nuôi theo hướng sản vật địa phương qui mô nhỏ, giá trị cao (như chương trình OCOP) thay cho chăn nuôi với giống công nghiệp. Khi đó, hàng chục triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có sinh kế, có thu nhập thì thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của các doanh nghiệp cũng phát triển. Đây có thể xem là một trong những giải pháp tương hỗ để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình hiện đại hóa ngành chăn nuôi công nghiệp.